Áp lực cải thiện môi trường kinh doanh

An Chi - 18:45, 16/02/2022

TheLEADERTrước thực trạng khó khăn của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19, việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

Áp lực cải thiện môi trường kinh doanh
Những thủ tục hành chính nặng nề, phức tạp đang làm chậm bước tiến của doanh nghiệp sau khủng hoảng

Từ thời điểm giữa năm 2021, sau 4 lần dịch Covid-19 bùng phát khiến doanh nghiệp kiệt quệ, sức chống chịu giảm dần, nhiều chuyên gia đã khẳng định mạnh mẽ rằng, bên cạnh các gói hỗ trợ về tài khoá, tiền tệ, chính sách quan trọng nhất đối với doanh nghiệp lúc này là hỗ trợ về thể chế. 

Sau dịch chính là thời điểm vàng để Chính phủ đẩy mạnh cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Trên tinh thần đó, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với nhiều giải pháp mạnh mẽ.

Với Nghị quyết 02/2022, mục tiêu cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện sẽ được ưu tiên thực hiện. Trong đó, phần việc phải làm lớn nhất trong năm nay sẽ là cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và dỡ bỏ sự chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Cụ thể, với nhiệm vụ cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. 

Hướng xử lý được xác định ngay từ đầu là thu hẹp phạm vi một số ngành nghề; đưa ngành nghề ra khỏi danh mục nếu có biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn. Cùng với đó là kiểm soát việc đề nghị bổ sung ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh mới.

Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, mới đây nhất, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã ký quyết định thành lập Tổ công tác triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP. 

Tổ công tác có nhiệm vụ giúp lãnh đạo bộ theo dõi, đánh giá tình hình và đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kịp thời báo cáo lãnh đạo bộ các vấn đề bất cập, vướng mắc trong môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia để báo cáo Chính phủ.

Đồng thời, tổ công tác cũng tham mưu giúp lãnh đạo bộ, chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ triển khai nhiệm vụ được giao tại nghị quyết và kế hoạch hành động của Bộ Kế hoạch và đầu tư, kịp thời báo cáo phương án giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

Đặc biệt, tổ công tác sẽ tổ chức tham vấn, đối thoại với các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp chuyên gia về những khó khăn, vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị giải pháp tương ứng. Qua đó, tổng hợp, xây dựng báo cáo tình hình và kết quả triển khai thực hiện nghị quyết để trình lãnh đạo bộ, báo cáo Chính phủ. 

Sức nóng cải cách từ Bộ Kế hoạch và đầu tư được coi là dấu hiệu tích cực cho những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh của các bộ ngành trong năm 2022.

Giải pháp thiết thực để giúp doanh nghiệp

Trước thực trạng khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

Những thủ tục hành chính nặng nề, chính sách chồng chéo, phức tạp đang làm chậm bước tiến của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh họ đang rất khó khăn sau đại dịch. Do đó, đây chính là thời điểm để Chính phủ đẩy mạnh cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. 

Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian chờ thủ tục, giảm chi phí hoạt động, hạ giá thành sản phẩm, đẩy nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, doanh nghiệp mới có thể phục hồi và bền vững.

Mặt khác, theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh ngân sách của nhà nước rất hạn chế, dư địa để dùng tiền để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp không còn quá nhiều, Chính phủ nên nên đẩy mạnh cả về cải cách thể chế nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

TS. Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, trong khi các gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ hiện đang là hữu hạn so với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, các doanh nghiệp và ngân sách nhà nước, thì hỗ trợ quan trọng nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là hỗ trợ về thể chế.

Theo ông Lộc, các cải cách mạnh mẽ về thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đang trở nên vô cùng cấp bách ngay lúc này. Cắt giảm được các thủ tục hành chính sẽ giúp đẩy nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giúp các dự án sớm được đưa vào thực tiễn, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đầu vào cho sản phẩm và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, Chính phủ phải sớm có chiến lược cải cách mạnh về thể chế, môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải cách hành chính, phân cấp phân quyền, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Song những nỗ lực dường như chưa “đủ liều” để giải quyết vấn đề một cách triệt để.

Qua đại dịch, nền kinh tế đã bộc lộ rõ những khâu yếu kém cơ cấu, chính là lúc Chính phủ cần “chớp thời cơ” đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ các rào cản thủ tục, tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng cho doanh nghiệp.

Chính trong lúc nền kinh tế đang yếu kém, nếu Chính phủ tập trung vào cải cách thể chế, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một môi trường kinh doanh lành mạnh và phát triển bền vững.

Mặt khác, việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng khiến các doanh nghiệp có niềm tin vào các cơ quan quản lý nhà nước và thêm động lực để phục hồi, vượt qua khủng hoảng.