Ba kỹ năng trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người

*Charlie Nunn - 11:29, 26/07/2019

TheLEADERVai trò của con người sẽ như thế nào trong môi trường làm việc đang ngày càng tự động hóa?

Ba kỹ năng trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người
Ông Charlie Nunn, Giám đốc toàn cầu khối Ngân hàng bán lẻ và Quản lý tài sản HSBC.

Khi trí tuệ nhân tạo ngày một phát triển tinh vi hơn thì trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ được quyết định phải ngày càng nổi bật hơn nữa.

Điều này có ảnh hưởng đến cách chúng ta đang làm việc, với nhiều ngành nghề đang không ngừng phát triển. Nhưng con người đã, đang và sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của các doanh nghiệp.

Mảng bán lẻ của ngân hàng, bộ phận hiện tôi đang công tác là một ví dụ minh họa thú vị. Tại HSBC, chúng tôi hiện đầu tư rất nhiều vào công nghệ, đang tạo ra các ứng dụng giúp khách hàng chủ động quản lý tài chính hiệu quả hơn hay đang phát triển các chương trình nhằm bảo vệ khách hàng khỏi những rủi ro tội phạm tài chính.

Tuy nhiên, ngân hàng chúng tôi vẫn rất cần yếu tố con người. Không chỉ những cá nhân có chuyên môn kỹ thuật để lập trình công nghệ mà cả những ai có thể giúp chúng tôi hiểu rõ những vấn đề mà chúng tôi đang cố gắng giải quyết ngay từ giai đoạn đầu. 

Đó cũng là những cá nhân giúp kết nối với khách hàng, và từ đó hỗ trợ chúng tôi hiểu những gì khách hàng đang nghĩ và cảm nhận. Đồng thời, đó cũng là những người có trí sáng tạo phong phú cần thiết để thiết kế sản phẩm mới và đem lại những dịch vụ tốt hơn. 

Tất cả lý giải tại sao mục tiêu của chúng tôi là kết hợp giữa công nghệ tiên tiến nhất với sức mạnh của con người.

Chúng tôi nghĩ rằng có ba kỹ năng chính của con người mà trí tuệ nhân tạo không thể sao chép hoặc thay thế. Những kỹ năng này sẽ vẫn còn có giá trị to lớn mãi ngay cả khi tự động hóa có những bước tiến xa hơn nữa.

Sự ham hiểu biết, sáng tạo, giao tiếp

Đầu tiên là sự ham hiểu biết. Mỗi doanh nghiệp cần những cá nhân có thể đặt ra các câu hỏi và đào sâu vào những lý do và nhân tố cơ bản để thực hiện công việc. Điều này có ý nghĩa là phân tích hành vi của khách hàng từ một góc độ mới hoặc khám phá các nguồn dữ liệu và thông tin mới để đưa ra cách thức doanh nghiệp nên được quản lý.

Thứ hai là tính sáng tạo. Các chương trình kỹ thuật số có khả năng gần như vô hạn khi nó đi vào phân tích, nhưng không có khả năng tưởng tượng. Các doanh nghiệp cần những cá nhân có thể thúc đẩy sự đổi mới, để nhận ra sự biến đổi trong mối quan tâm của khách hàng và phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới.

Thứ ba là khả năng giao tiếp. Lắng nghe, đồng cảm và xây dựng mối quan hệ là điều rất quan trọng để kết nối với khách hàng, cũng như để xây dựng ý thức chung về định hướng trong doanh nghiệp. Kỹ năng giao tiếp sẽ được đánh giá cao trong lực lượng lao động trong tương lai thông qua một loạt các phương tiện truyền thông như trực quan, nói và viết.

Trên tất cả những kỹ năng này, con người còn được đánh giá cao nhờ khả năng phán đoán. Ngay cả trí thông minh nhân tạo tiên tiến nhất cũng không thể đặt câu hỏi: “Liệu điều này có đúng đắn để thực hiện không?” 

Khả năng có thể đưa ra quyết định nhằm cân bằng giữa nhu cầu của khách hàng với các cơ quan quản lý, cổ đông và nhân viên là yếu tố mấu chốt đối với sự thành công lâu dài của bất kỳ doanh nghiệp nào.

Nói cách khác, các kỹ năng của con người sẽ tiếp tục tạo ra sự khác biệt giữa “tốt” và “tuyệt vời” khi nói đến hiệu quả kinh doanh. Các doanh nghiệp trong thời gian tới tiếp tục cần nhiều đến công nghệ phù hợp, đồng thời sẽ phải cần đến những cá nhân phù hợp.

*Bài viết thể hiện quan điểm tác giả Charlie Nunn, Giám đốc toàn cầu khối Ngân hàng bán lẻ và Quản lý tài sản HSBC.