Biệt thự, nhà phố khu Đông bán chạy nhất TP. HCM

Hứa Phương - 09:22, 09/01/2020

TheLEADERKhu Đông được ghi nhận có nhiều giao dịch thành công đối với phân khúc biệt thự, nhà liền kề và nhà phố thương mại.

Thị trường bất động sản TP.HCM trong năm 2019 được đánh giá khó khăn. Các chỉ số như nguồn cung, số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án được chấp thuận đầu tư... đều giảm so với cùng kỳ và các năm trước đó.

Trong đó, nguồn cung sơ cấp của phân khúc biệt thự, nhà liền kề, nhà phố thương mại cũng suy giảm và chỉ số giao dịch thành công ở các quận, các khu cũng khác nhau.

Quận có giao dịch biệt thự, nhà liền kề, nhà phố cao nhất ở TP. HCM
Hạ tầng được đầu tư tốt cũng là một yếu tố giúp quận 9 thu hút người dân, nhà đầu tư đến mua khiến giao dịch thành công cao hơn các quận khác

Cụ thể, theo đại diện của Savills Việt Nam nguồn cung sơ cấp năm 2019 giảm 31% so với năm 2018. Ngược lại với sự suy giảm của nguồn cung sơ cấp thì tỷ lệ hấp thụ lại ở mức khá cao là 82%.

Trong quý IV/2019, chỉ có 830 căn, giảm 2% so với quý 3 và giảm 34% so với quý cùng kỳ năm 2018.

Nguồn cung đất nền 2019 thấp hơn 2018 là 30% mặc dù tỷ lệ hấp thụ ở mức 84%. Quý 4 có 1.390 nền tăng 24% so với quý trước đó nhưng vẫn giảm 30% so với quý cùng kỳ năm 2018.

Savills dự báo đến năm 2022 dự kiến TP. HCM có 15.200 căn/nền tung ra thị trường. Trong đó quận 9 và quận 2 chiếm 51% nguồn cung.

Nhìn một cách tổng thể toàn cảnh thị trường TP.HCM đối với phân khúc biệt thự, nhà liền kề và nhà phố thương mại với những giao dịch thành công thì khu Đông chiếm ưu thế hoàn toàn so với các khu khác. Đơn cử như quận 9 với gần 500 giao dịch, Thủ Đức khoảng 350 giao dịch và quận 2 khoảng 200 giao dịch.

Trong đó quận 2 với gần 200 giao dịch biệt thự thành công chiếm tỷ lệ lớn nhất so với những quận khác.

Một điều đáng chú ý là các quận Bình Tân, quận 1, quận 7, Tân Phú, Bình Thạnh, Nhà Bè chỉ có khoảng 70 giao dịch được thực hiện thành công. Còn quận 8 trong năm 2019 ghi nhận có trên 200 giao dịch nhà liền kề, không ghi nhận giao dịch nhà phố thương mại, biệt thự. Riêng quận Gò Vấp lại có khoảng 100 giao dịch nhà phố thương mại.

Những chỉ số này nói lên ưu thế phát triển của từng khu, từng quận ở TP.HCM. Chẳng hạn như khu Đông bao gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức đã được TP. HCM quy hoạch phát triển theo hướng khu đô thị sáng tạo nên độ thu hút người dân và nhà đầu tư lớn hơn nên những chỉ số giao dịch thành công cao hơn.

Tuy nhiên nếu so sánh tổng thể với năm 2018 và những năm trước đó thì các chỉ số đều sụt giảm. Biểu hiện rõ nét hơn cho sự khốc liệt và khó khăn của thị trường bất động sản là tại một hội thảo mới đây bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc CTCP bất động sản Đại Phúc Land thừa nhận, trải qua 25 năm kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, bà nghiệm ra rằng bất động sản là lĩnh vực “không dành cho người yếu tim” vì nhiều rủi ro.

Phân tích rõ hơn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng thị trường bất động sản còn gặp nhiều điểm nghẽn. Năm 2019, TP. HCM có 126 dự án có quỹ đất hỗn hợp, 158 dự án liên quan đến đất công nằm trong diện rà soát, thậm chí có dự án nằm trong diện điều tra, khởi tố.

Cả năm 2019, chỉ có một dự án được chấp thuận đầu tư, giảm 12 dự án so với năm 2018, thu thuế từ bất động sản giảm… Những con số này cho thấy quy mô thị trường bất động sản TP. HCM sụt giảm, bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm bất động sản.