CEO Thế Giới Di Động: Đã làm là làm cho tới cùng

Việt Hưng - 07:55, 09/02/2022

TheLEADERTheo CEO Đoàn Văn Hiểu Em, công thức của Thế Giới Di Động là không có công thức gì. Chỉ đơn giản là xắn tay vào để làm. Ông cho rằng, dù ý tưởng có hay mà chỉ nằm trên bàn giấy và không được thực thi, thì không bao giờ đạt được kết quả.

Với tầm nhìn trở thành nhà bán lẻ số một và đa ngành nghề, Thế Giới Di Động chưa bao giờ tỏ ra nao núng với các thử nghiệm. Những năm gần đây, công ty liên tục tiến vào các ngành nghề, lĩnh vực mới như: đồng hồ, kính mắt, xe đạp...

CEO Đoàn Văn Hiểu Em của Thế Giới Di Động (MWG) coi thử nghiệm là cách công ty hoàn thiện một mô hình mới, cũng như là giai đoạn để tìm ra phương pháp đạt được doanh thu và sinh lời. Sau bước thử nghiệm, nếu mọi thứ trả ra kết quả như mong đợi, sẽ là giai đoạn tăng tốc và mở rộng.

Làm cho tới cùng
CEO Đoàn Văn Hiểu Em của Thế Giới Di Động (MWG)

Năm 2021 này, MWG đang mở ra rất nhiều các ngành hàng mới, phải chăng công ty đang có một chiến lược mở rộng quy mô chưa từng có?

Ông Đoàn Văn Hiểu Em: Cơ hội để MWG mở rộng luôn là rất lớn. Ngoài việc mở rộng về số lượng shop trong thời gian qua, chúng tôi cũng suy nghĩ rất nhiều về việc sắp xếp lại không gian bên trong cửa hàng, từ khâu thiết kế, quầy kệ, và làm sao để bán được nhiều loại hàng hóa hơn trong cùng một diện tích.

Như việc mở rộng chuỗi Điện Máy Xanh là một ví dụ. Trước kia, ĐMX tập trung vào các mặt bằng diện tích lớn, 800 - 1.000m2, số lượng khoảng 300 cửa hàng. Bây giờ, chúng tôi có Điện Máy Xanh Supermini (ĐMS) khoảng 350m2, mở rộng tới 800 cửa hàng.

Sau ĐMS, chúng tôi phát triển mảng cộng tác viên. Hiện tại có khoảng 4.500 CTV - là các đại lý ở các khu vực nhỏ hơn, có cửa hàng nhưng ít nguồn hàng, tạo ra doanh số khoảng 150 tỷ đồng/tháng.

Và tới năm nay, công ty manh nha mở các đại trung tâm điện máy, phục vụ nhóm phân khúc cao cấp, với diện tích lớn, có đầy đủ các hàng hóa, có hình ảnh, được đầu tư nhiều hơn.

Trong khi đó, tại các cửa hàng, chúng tôi tập trung gia tăng, củng cố các mặt hàng hiện có, song song với việc bổ sung các nhóm hàng mới. Đơn cử như bổ sung mặt hàng đồng hồ với doanh số năm nay dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng.

Mục đích của tất cả những chiến lược mở rộng này, đó là tận dụng tối đa từng mét vuông trong cửa hàng, tạo ra doanh thu tốt nhất cho từng cửa hàng, thông qua đó phục vụ được nhiều phân khúc khách hàng hơn.

Với số lượng cửa hàng mở rộng nhanh như vậy, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động đã bao giờ nghĩ tới sự bão hòa của các ngành hàng?

Ông Đoàn Văn Hiểu Em: Khi thị phần của TGDĐ và ĐMX tại Việt Nam đã quá lớn, vượt qua con số 60%, cùng với tốc độ tăng trưởng của các ngành hàng di động, điện máy không còn nhiều, thì sự bão hòa là không tránh khỏi.

Chúng tôi đã suy nghĩ về điều này và quyết định đặt nền móng cho những ngành hàng mới. Và một trong những nền móng này là chuỗi TopZone, hướng tới phân khúc khách hàng tầm cao, cần ưu tiên chất lượng dịch vụ và sản phẩm.

Hiện tại, 4 cửa hàng TopZone hoạt động tròn tháng 11 đã đóng góp hơn 110 tỷ đồng, tương đương mức doanh thu trung bình hơn 25 tỷ đồng/cửa hàng/tháng và vượt xa kỳ vọng ban đầu của Thế Giới Di Động.

Cùng với TopZone, một loạt các mô hình thử nghiệm khác cũng được hình thành, và thậm chí là hình thành ngay trong thời điểm dịch bệnh, song song với việc chúng tôi phải nỗ lực duy trì, tận dụng mọi cơ hội để phục vụ khách hàng.

Cụ thể, MWG đã và đang thử nghiệm những mô hình mới nào, thưa ông?

Ông Đoàn Văn Hiểu Em: Thực tế là trong những báo cáo, kế hoạch đầu năm 2021, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ mở những chuỗi về thời trang, thể thao, mẹ và bé, trang sức hay xe đạp.

Như ngành hàng xe đạp, cửa hàng đầu tiên chúng tôi khai trương là vào dịp 30/4 và 1/5, thì đến cuối năm nay đã có tổng cộng 150 cửa hàng. Trung bình mỗi cửa hàng bán ra 3 chiếc xe đạp/ngày. Giá trị trung bình mỗi chiếc xe đạp khoảng 3 triệu đồng.

Song song với xe đạp, dự kiến đầu năm 2022, MWG sẽ khai trương 3 chuỗi độc lập về thời trang, thể thao, mẹ và bé. Còn ngành hàng trang sức và xe đạp sẽ theo mô hình shop-in-shop, tương tự ngành hàng đồng hồ và kính mắt trước đây, hướng tới đối tượng người tiêu dùng trẻ.

Ông đánh giá thế nào về tất cả những thử nghiệm này?

Ông Đoàn Văn Hiểu Em: Tôi coi thử nghiệm là cách MWG hoàn thiện một mô hình mới, cũng như là giai đoạn để tìm ra phương pháp đạt được doanh thu và sinh lời. Sau bước thử nghiệm, nếu mọi thứ trả ra kết quả như mong đợi, thì chúng tôi mới tính đến chuyện tăng tốc và mở rộng.

Như TopZone cũng là một thử nghiệm. Dự kiến tới tháng 3/2022, chúng tôi sẽ có 50 cửa hàng. Nếu kết quả tốt, thì đến cuối năm nay, chuỗi TopZone sẽ có khoảng 200 cửa hàng cho mô hình này.

Còn lại, với các chuỗi như thời trang, thể thao, trang sức, mẹ và bé thì đều cần có thêm thời gian để kiểm chứng.

Làm cho tới cùng 1
Cơ hội để MWG mở rộng luôn là rất lớn.

Liệu có một công thức chung nào cho việc lựa chọn các ngành hàng mới, cũng như các mô hình thử nghiệm ở Thế Giới Di Động không, thưa ông?

Ông Đoàn Văn Hiểu Em: Khi bắt tay vào các thử nghiệm, chúng tôi luôn có những nghiên cứu, tìm hiểu kĩ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Điểm chung của các thử nghiệm, đó là MWG sẽ chọn những lĩnh vực tiềm năng, nhu cầu của người tiêu dùng cao, sản lượng hàng năm lớn.

Công thức của Thế Giới Di Động là không có công thức nào cả. Chỉ đơn giản là chúng tôi phải sắn tay vào để làm. Dù ý tưởng có hay đến đâu, mà chỉ nằm trên bàn giấy, và không được thực thi, thì không bao giờ đạt được kết quả.

Chính vì cách làm thực tế, làm cho tới cùng như vậy, chúng tôi sẽ sớm nhìn thấy được kết quả, cũng như câu trả lời cần có. Còn nếu kết quả không đạt như kì vọng, chúng tôi sẵn sàng đóng lại.

Dù thành công, hay không thành công, điều quan trọng là chúng tôi rút ra cho mình những bài học quý giá. Như mô hình Điện Thoại Siêu Rẻ phải đóng lại, chúng tôi đã mở ra được mô hình Điện Máy Xanh Supermini để tăng tốc và mở rộng thành công.

Dường như dưới thời ông Đoàn Văn Hiểu Em nắm vai trò CEO, Thế Giới Di Động đang trở nên trẻ trung và mang nhiều màu sắc hơn, với nhiều thử nghiệm hơn trước?

Ông Đoàn Văn Hiểu Em: Có thể nói, anh Nguyễn Đức Tài là người đã đặt những nền móng đầu tiên cho cả Thegioididong.com và Điện Máy Xanh. Tôi là người thừa hưởng lại những nền tảng đó, với vai trò là khai thác tối đa thị phần, cũng như doanh thu từ các chuỗi, bằng nhiều phương thức khác nhau.

Cũng với tinh thần đó, khi đã đưa các lĩnh vực này lên tới đỉnh, thì chúng tôi có nhiệm vụ tiếp theo là khai phá các vùng đất mới, những lĩnh vực tiềm năng.

Điều này hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của Thế Giới Di Động, đó là trở thành nhà bán lẻ số một, đa ngành nghề và không chỉ hoạt động ở Việt Nam.

Do đó, cho dù là điện thoại, điện máy, bách hóa, hay nhà thuốc, thì cũng đều nằm trong tầm nhìn của tập đoàn. Tương lai xa hơn, chúng tôi sẽ còn tiếp tục phát triển sang một quốc gia mới, tiềm năng hơn Campuchia với chuỗi 50 cửa hàng điện máy Bluetronics.

Về mặt quản trị, Thế Giới Di Động hiện tại có khác nhiều so với ba năm trước không, thưa ông?

Ông Đoàn Văn Hiểu Em: Về mặt tổng thể, sự khác biệt là không đáng kể. Bởi bản thân tôi cũng đã gắn bó với MWG từ những ngày đầu, khi chúng tôi mới có 6 cửa hàng. Nên nói về văn hóa doanh nghiệp, thì kể cả tôi cũng đã thấm nhuần.

Giữa tôi với anh Tài không có sự khác biệt về mặt quản trị, hay văn hóa doanh nghiệp. Điểm khác biệt duy nhất là có vẻ như tôi vẫn còn trẻ, mà còn trẻ thì thường máu me hơn với những thử nghiệm (cười).

Xin chân thành cảm ơn ông!