Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2022

Tùng Anh - 16:08, 01/01/2022

TheLEADERTừ tháng 1/2022, nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực mà nổi bật trong đó là các quy định liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, một số điều kiện kinh doanh cũng như các chính sách đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2022
Nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

Tiếp tục giảm 37 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp

Thông tư số 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thời gian thực hiện từ 1/1 - 30/6/2022.

Theo đó, có 37 khoản phí, lệ phí được giảm với mức giảm từ 10 - 50% so với quy định hiện hành.

Nhiều khoản phí, lệ phí được giảm đến 50% mức phí quy định trước đó như: lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng; lệ phí giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; phí thẩm định thiết kế cơ sở; phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa...

Sửa đổi điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu

Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ban hành ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu sẽ có hiệu lực từ ngày 2/1/2022.

Trong đó, nghị định này sửa đổi điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Một trong các điều kiện được sửa là thương nhân phải có hệ thống phân phối xăng dầu: tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.

Công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường

Nghị định 98/2021/NĐ-CP ban hành ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Theo đó, quản lý giá trang thiết bị y tế theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường.

Niêm yết giá bán buôn, bán lẻ trang thiết bị y tế bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán trang thiết bị y tế của cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế; thông báo công khai trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác.

Công khai giá trúng thầu trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế công lập; không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.

Quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công

Nghị định 99/2021/NĐ-CP ban hành ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Nghị định này quy định chi tiết về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công cho dự án, công trình, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Nghị định 102/2021/NĐ-CP ban hành ngày 16/11/2021của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập.

Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Cụ thể, sửa đổi điểm a, khoản 1, điều 8 thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 2 năm (quy định cũ là 1 năm).

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quy hoạch bị phạt tới 500 triệu đồng

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư và đấu thầu là 300 triệu đồng; lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100 triệu đồng và lĩnh vực quy hoạch là 500 triệu đồng.

Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng

Theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP ban hành ngày 7/12/2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, từ ngày 1/1/2022 điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/1/2022.

Phân biệt đối xử về giới trong lao động bị phạt tới 30 triệu đồng

Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Trong đó, Nghị định quy định, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới đối với cá nhân là 30 triệu đồng.

Doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ký quỹ 2 tỷ đồng

Nghị định số 112/2021/NĐ-CP ban hành ngày 10/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. 

Theo nghị định này, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) phải thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500 triệu đồng đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ.