Chống hàng giả, hàng nhái nhờ sở hữu trí tuệ

Hương Giang - 13:38, 30/11/2022

TheLEADERBao năm qua, hàng giả, hàng nhái vẫn là một vấn nạn gây bức xúc trong dư luận và làm đau đầu các nhà quản lý. Bên cạnh công tác quản lý, xử lý của các nhà chức trách, các doanh nghiệp, nhà phân phối cần bảo vệ quyền lợi của chính mình thông qua hoạt động sở hữu trí tuệ.

Chống hàng giả, hàng nhái nhờ sở hữu trí tuệ
Hàng giả, hàng nhái luôn là vấn đề gây bức xúc dư luận tại Việt Nam nhiều năm qua (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)

Hàng giả, hàng nhái làm giảm uy tín của nhà sản xuất chân chính

Theo số liệu của Tổng cục Quản lý thị trường, trong năm 2021, lực lượng này đã xử lý 4.044 vụ hàng giả, hàng nhái, với giá trị hàng hóa lên đến 110 tỷ đồng, xử phạt 44 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2022, Cục Quản lý thị trường đã xử lý 2.752 vụ hàng giả, hàng nhái với giá trị hàng hóa giá trị hơn 31 tỷ đồng và xử phạt gần 26 tỷ đồng.

Theo ông Trần Văn Dũng, Phó cục trưởng Cục quản lý nghiệp vụ, Tổng cục quản lý thị trường, hầu hết những đơn vị bị xử lý hàng giả, hàng nhái trong thời gian vừa quan đều là những đơn vị có “truyền thống” buôn hàng giả trong quá khứ.

Không chỉ vậy, với sự phát triển của thương mại điện tử, thời gian gần đây, việc buôn bán hàng giả hàng nhái trên các nền tảng thương mại điện tử cũng trở nên rất phổ biến.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Thọ, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam, cho biết hiện nay hàng giả là vấn đề nhức nhối ở khắp mọi nơi, không chỉ ở các chợ cóc ven đường mà còn lan tràn trong các siêu thị lớn, và đặc biệt là trên các nền tảng trực tuyến.

Điều này không chỉ là một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng, mà còn làm giảm uy tín của những nhà sản xuất chân chính. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát và xử lý, nhưng vấn nạn hàng giả vẫn xảy ra tràn lan, bởi một số nguyên do.

Thứ nhất, mặc dù đã có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nhưng giữa các ban, ngành chưa có sự đồng bộ trong công tác chống hàng giả. Hoạt động xử phạt cũng hầu hết là xử phạt hành chính với mức phạt chưa đủ sức răn đe.

Thứ hai, người tiêu dùng vẫn thích mua hàng giá rẻ mà chưa quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm, chưa tôn trọng thương hiệu của nhà sản xuất.

Thứ ba, bản thân các nhà sản xuất vẫn chưa quan tâm đúng mực đến việc đăng ký vào bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, từ đó chưa bảo vệ được mình trước vấn nạn hàng giả.

Chú trọng công tác sở hữu trí tuệ trong phòng chống hàng giả, hàng nhái

Tổng cục quản lý thị trường đã có nhiều kế hoạch chỉ đạo các lực lượng chống hàng giả.

Điển hình, các lực lượng đã triển khai hoạt động kiểm tra trên các địa bàn trọng điểm. Chẳng hạn những tháng cuối năm, tổng cục quản lý thị trường và lực lượng các địa phương đã tăng cường kiểm tra, đặc biệt là các trung tâm thương mại bán hàng giả quy mô lớn như Sài Gòn Square và chợ Bến Thành.

Bên cạnh đó, theo xu thế chung, Tổng cục quản lý thị trường cũng đã triển khai số hoá, sử dụng công nghệ số để làm dữ liệu kiểm tra chống hàng giả, từ đó đạt được nhiều kết quả khả quan trong những tháng cuối năm 2022.

Theo ông Phạm Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam, quá trình chống hàng giả, hàng nhái cần có sự đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong quá trình xử lý.

Chống hàng giả, hàng nhái nhờ sở hữu trí tuệ
Toàn cảnh hội thảo "Thực trạng và giải pháp chống hàng giả - áp dụng công nghệ số" ngày 27/12/2022 (Ảnh: Kiemsat.vn)

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Công Tĩnh, Phó chủ tịch Hội sở hữu trí tuệ TP. HCM, cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng đăng ký các quyền sở hữu trí tuệ (như nhãn hiệukiểu dáng công nghiệpsáng chế…) cho các sản phẩm và thực thi quyền lợi pháp lý của mình, từ đó giảm thiểu lượng hàng giả hàng nhái trên thị trư”ng.

Cụ thể, ông Tĩnh nhấn mạnh: "Tôi mong muốn khi các anh chị nghiên cứu tạo ra sản phẩm thì chúng ta phải đặt ra bài toán về việc đăng ký với các cơ quan chuyên môn để cấp được bằng sáng chế hoặc bản quyền. Từ đó, các cơ quan quản lý sẽ dễ dàng bảo vệ các sản phẩm trong quá trình phát hiện hàng giả hàng nhái".

Theo đó, ông Tĩnh cũng khuyến cáo rằng người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm thì cần ưu tiên chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Việc trở thành người tiêu dùng thông minh không chỉ giúp cho khách hàng có được những trải nghiệm sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn mà còn giúp cho doanh nghiệp có thể động lực để đổi mới, phát triển chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, với góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Marketing Tập đoàn Quốc tế Á Châu đưa ra một số giải pháp giảm thiểu hàng giả, hàng nhái như đăng ký logo, nhãn hiệu; hợp tác với các cơ quan thẩm định để xử lý triệt để các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái.

Doanh nghiệp cần dán đầy đủ tem mác, bao gồm tem kiểm soát chất lượng và tem chống hàng giả để khách hàng mua sản phẩm có thể kiểm định ngay tại chỗ.Theo ông Minh, doanh nghiệp cũng cần chú trọng công tác truyền thông về vấn đề hàng giả, hàng nhái trên các kênh thông tin chính thống để khách hàng có thể phân biệt.

Giải pháp chống hàng giả, hàng nhái như sử dụng tem có mã QR giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đang chuyển dần sang sử dụng tem chống giả xác thực điện tử, tem truy xuất nguồn gốc điện tử. Với tem xác thực điện tử, mỗi sản phẩm sẽ được cấp một mã QR hoặc mã số duy nhất và sẽ được phủ cào, tránh hiện tượng bị làm giả. 

Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái vẫn còn nhiều gian nan phía trước. Tuy vậy, để có thể từng bước đẩy lùi vấn nạn này, cần có sự đồng bộ xử lý của các cơ quan chức năng, ý thức bảo vệ tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp và sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng.