Công ty fintech Việt Nam chờ cơ chế sandbox

Việt Hưng - 14:41, 21/12/2020

TheLEADERCơ chế sandbox đang được các công ty fintech trông chờ thử nghiệp trong bối cảnh các loại hình lừa đảo, phạm pháp trong lĩnh vực ngày càng phổ biến.

Trong Quyết định số 283/QĐ-TTg ban hành phê duyệt Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng quy định thử nghiệm (regulatory sandbox) cho các dịch vụ tài chính, ngân hàng trên nền tảng công nghệ thông tin.

Để thực hiện mục tiêu trên, trong Đề án, Thủ tướng đã đề ra các nhiệm vụ chủ yếu đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, trong đó, xây dựng khung quy định thử nghiệm cho các dịch vụ tài chính, ngân hàng trên nền tảng công nghệ thông tin như ví điện tử, định danh điện tử, cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng trên Internet.

Với lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính), sandbox sẽ là cơ chế thử nghiệm được thiết lập bởi các cơ quan quản lý, trong đó, cho phép các công ty khởi nghiệp và các tổ chức đổi mới sáng tạo khác được thực hiện thử nghiệm trực tiếp các dịch vụ trong môi trường được kiểm soát và giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý.

Hơn ai hết, các công ty fintech Việt Nam đang tha thiết, mong mỏi cơ quan quản lý sớm ban hành khung pháp lý thử nghiệm. Song sớm nhất, phải giữa năm sau, cơ chế thử nghiệm chính thức cho sandbox mới có thể xuất hiện.

Thực tế, sự phát triển với tốc độ tên lửa của công nghệ đã cho ra đời nhiều mô hình kinh doanh mới chưa từng có tiền lệ, chưa có quy định pháp lý để điều chỉnh (ví dụ mô hình P2P lending, chuyển tiền xuyên biên giới, quản lý tài chính cá nhân…).

Tất cả doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực này đều hoạt động cầm chừng giữa hai lằn ranh sáng tối. Khoảng trống pháp lý này đang gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường, cho người dùng và dĩ nhiên là cho cả doanh nghiệp.

Phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ sớm trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo NHNN, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của fintech đã khiến các cơ quan quản lí của các quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quản lí, giám sát do những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân...

Do đó, nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lí là phải đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Fintech Việt Nam chờ cơ chế 'sandbox'
Fintech Việt Nam chờ cơ chế 'sandbox'

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), đánh giá rằng fintech xuất hiện đã mang lại nhiều sự thay đổi.

"Trước hết là mang đến thay đổi lớn về hành vi người tiêu dùng tài chính. Khách hàng được hưởng nhiều tiện ích hơn từ dịch vụ tài chính, kể cả tư vấn, chăm sóc tự động. Tuy nhiên, khách hàng sẽ đối mặt với rủi ro mới như lộ lọt thông tin cá nhân, bị hack tài khoản, mất tiền...", ông Hòe cho biết.

Mặt khác, ông cũng chỉ ra rằng fintech tạo ra thách thức và thay đổi lớn về pháp lý trong ngành dịch vụ tài chính, mang lại thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội hợp tác kinh doanh với các ngân hàng thương mại, thúc đẩy phát triển đa kênh và sản phẩm và dịch vụ tài chính cung ứng cho khách hàng.

Bên cạnh đó, fintech cũng mang lại thách thức về tư duy chính sách. "Sáng tạo mới, mô hình kinh doanh mới, kênh cung ứng mới sáng tạo đòi hỏi khung pháp lý mới, trước mắt là Sandbox và rất nhiều vấn đề pháp lý phải thay đổi", ông Hòe nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Tập đoàn NextTech, việc thiếu cơ chế sandbox trong lĩnh vực fintech sẽ gây ra những hệ lụy cho xã hội. Bởi sandbox là cơ chế mà các startup có thể vịn vào, phát minh ra các ứng dụng mới. Ngoài ra, sandbox càng sớm được thử nghiệm thì lại càng mở ra nhiều ngành công nghiệp mới.

Bên cạnh đó, ông cho rằng các cơ quan chức năng cần ưu tiên các doanh nghiệp thuần Việt, ưu tiên đưa ra các chính sách bảo vệ doanh nghiệp trong nước.

"Tôi mong rằng cơ chế pháp lý thí điểm hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng sẽ sớm được triển khai, tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của startup, hướng đến mục tiêu phổ cập tài chính toàn diện cho quốc gia", ông Bình nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, cho rằng fintech còn gặp nhiều rủi ro và thách thức, trước hết là vấn đề pháp lý, chính sách và văn hóa. Trong đó cơ chế, chính sách hay thay đổi, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán.

Bên cạnh đó, quy định về hoạt động fintech, dạng sandbox, chưa được ban hành lại thiếu các tiêu chuẩn, chuẩn mực chung. Dưới góc độ của doanh nghiệp, cơ chế sandbox cũng đang trông chờ được thử nghiệp trong bối cảnh các loại hình lừa đảo, phạm pháp đang ảnh hưởng tới các fintech chân chính.