Covid-19 chưa qua, thảm họa khác có thể đến

Minh Nhật - 19:23, 31/05/2020

TheLEADERMùa sóng nhiệt, bão xoáy nhiệt đới và hỏa hoạn năm nay có thể trở nên nguy hiểm hơn khi thế giới vốn đang trong tình trạng phong toả vì Covid-19 sẽ phải gánh chịu thêm tác động cộng hưởng của các hiện tượng thời tiết ngày một xấu đi do biến đổi khí hậu.

Khi thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa hè, các quốc gia Bắc bán cầu chuẩn bị bước vào giai đoạn nguy hiểm với những nguy cơ thời tiết cực đoan ở mức cao nhất, nhóm chuyên gia khoa học, y tế và nhân đạo quốc tế tại Christian aid, Climate Center, International Centre for Climate Change and Development và Power Shift Africa cảnh báo mới đây.

Ấn Độ và Bangladesh gần đây hứng chịu cơn bão lớn đầu tiên trong năm nay là siêu bão Amphan - một trong những cơn bão mạnh nhất khu vực từng ghi nhận. Mùa bão ở Mỹ và vùng Caribbean sẽ bắt đầu vào 1/6 và các nhà dự báo khí tượng cảnh báo các cơn bão năm nay có thể tồi tệ hơn mọi năm. Tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, bão thường diễn ra từ tháng 5 trở đi.

Nguy cơ nhiệt cực đoan và hỏa hoạn cũng sẽ gia tăng trong những tuần tới, khi nhiệt độ cao nhất ở Bắc bán cầu thường rơi vào tháng 7 và tháng 8. Các vụ hoả hoạn nguy hiểm nhất thường bắt đầu từ cùng thời điểm và đôi khi, các đám cháy kéo dài liên tục trong nhiều tháng.

Năm 2020 được dự báo sẽ là năm nóng nhất lịch sử thế giới từng ghi nhận.

a
Amphan - một trong những cơn bão mạnh nhất khu vực từng ghi nhận được. Ảnh: CNN.

Các khu vực khác trên thế giới như vùng Nam bán cầu cũng đang phải đối mặt với thời tiết cực đoan. Một số khu vực ở Đông Phi hiện đang bị lũ lụt và lở đất tàn phá sau mưa lớn, trong khi dịch châu chấu với hàng trăm tỷ cá thể vẫn đang hoành hành ở nhiều nơi trong khu vực, lan rộng tới các nước Nam Á và Trung Đông – một phần do các điều kiện thời tiết cực đoan gây ra.

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu đã làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các sự kiện thời tiết cực đoan, khi phát thải các-bon góp phần làm tăng mức độ nguy hiểm của bão, sóng nhiệt và hỏa hoạn. Một trong những hậu quả của hiện tượng nhiệt độ tăng cao là các đợt sóng nhiệt kéo dài hơn, nóng hơn và diễn ra thường xuyên hơn, khiến nguy cơ cháy rừng gia tăng. Một hậu quả khác là các cơn bão trở nên mạnh hơn và kèm theo đó là các trận mưa với cường độ cực lớn.

Theo các chuyên gia, những sự kiện thời tiết này thậm chí có thể còn nguy hiểm hơn trong năm nay, vì một số biện pháp bảo vệ phổ biến cho người dân trong các trường hợp khẩn cấp sẽ trở nên khó thực hiện hơn ở những nơi đang phải đối phó với đại dịch Covid-19. 

Một trong những biện pháp này là các khu nhà trú ẩn khẩn cấp cho cộng đồng, thường được sử dụng làm nơi trú bão, lốc xoáy và nhiệt cực đoan nhưng hiện nay, biện pháp này có thể bị hạn chế do các yêu cầu giãn cách xã hội.

Các yếu tố khác cũng có thể làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của thời tiết cực đoan năm nay. Nhiều người, đặc biệt là những người trong nhóm dễ bị tổn thương nhất, có thể sẽ không muốn rời khỏi nhà mình để tránh bị lây nhiễm với vi rút nhưng hành động này có thể khiến họ chịu nhiều rủi ro hơn từ nhiệt cực đoan và bão.

Ở một số quốc gia, các dịch vụ y tế khẩn cấp sau một thời gian dài oằn mình chống dịch có thể sẽ không còn sức đối phó với nhu cầu cấp cứu tăng vọt do thời tiết, bên cạnh đó lính cứu hỏa cũng có thể sẽ gặp thêm khó khăn khi đối phó với các vụ cháy rừng trong thời kỳ vi rút bùng phát.

Các chuyên gia cho rằng, chính quyền địa phương và quốc gia ở những nơi có nguy cơ xảy ra các sự kiện cực đoan nên khẩn trương chuẩn bị và truyền đạt kế hoạch bảo vệ người dân khỏi các thảm họa thời tiết, đồng thời đảm bảo không để các nỗ lực chống đại dịch suy yếu.

Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, lượng khí thải các-bon tiếp tục gia tăng, và kéo theo đó là hiện tượng trái đất nóng lên, sẽ khiến cho nhiều tình huống khẩn cấp có thể ập đến cùng một lúc – một nguy cơ rất có thể sẽ diễn ra vào mùa hè này. 

Do đó, các chuyên gia chỉ ra sự cần thiết của việc giảm triệt để lượng khí thải các-bon nhằm hạn chế xác suất xuất hiện thảm hoạ liên hoàn trong tương lai, đồng thời tăng cường những khoản đầu tư nhằm nâng cao khả năng chống chịu trước những rủi ro ngày một lớn.

Các khoản đầu tư phục hồi Covid-19 là cơ hội có một không hai để định hình một thế giới xanh hơn và kiên cường hơn.

TS. Kat Kramer, Trưởng nhóm Khí hậu toàn cầu của Tổ chức Christian Aid, nhận định: “Bản thân biến đổi khí hậu đã là một rủi ro khổng lồ, nhưng nó còn đóng vai trò như một bộ nhân rủi ro. Chúng ta cần khôi phục lại sau Covid-19 theo hướng nâng cao năng lực phục hồi của xã hội và thế giới tự nhiên, đồng thời giảm nhanh chóng và triệt để phát thải do hoạt động của con người sinh ra. Bằng không, chúng ta chỉ đơn giản là đang tiếp nhiên liệu cho một thảm họa khác”.

GS. Maarten van Aalst thuộc Red cross Red crescent Climate centre (Trung tâm khí hậu Lưỡi liềm đỏ Chữ thập đỏ), nhấn mạnh đại dịch lần này như một máy quét X quang, chụp chiếu cho chúng ta thấy rõ các yếu điểm của nền kinh tế toàn cầu và đặc biệt là phơi bày những rủi ro mà nhóm người dễ bị tổn thương nhất phải đối diện, thường là nhiều mối đe dọa cùng một lúc.

Vị này cho rằng đúng là các nỗ lực ứng phó Covid-19 tức thời là cực kỳ quan trọng, bao gồm biện pháp giãn cách xã hội, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với cả các nguy cơ khí hậu vẫn đang tiếp tục diễn ra, từ đó điều chỉnh những kế hoạch dự phòng phù hợp với những diễn biến mới hiện nay của đại dịch.