Cuộc đua trên thị trường giao đồ ăn

Trần Anh - 08:38, 23/05/2019

TheLEADERSự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam những năm qua giúp các startup hoạt động trong lĩnh vực này thành điểm sáng trong mắt nhà đầu tư.

Giữa tháng 5 vừa qua, fanpage của startup giao đồ ăn Vietnammm chính thức được đổi tên thành ‘Baemin Vietnam’, một cái tên đến từ Hàn Quốc. Baemin thuộc sở hữu của Woowa Brothers, đơn vị đang cung cấp dịch vụ giao nhận đồ ăn Baedal Minjok hàng đầu Hàn Quốc.

Được biết Vietnammm đã bị Woowa Brothers thâu tóm từ cuối tháng 2 vừa qua. Năm ngoái, doanh nghiệp Hàn Quốc gây chú ý với việc gọi được 320 triệu USD và trở thành startup kỳ lân có giá trị khoảng 2,6 tỷ USD. Woowa Brothers muốn sử dụng số tiền huy động được để mở rộng thị trường ra quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Dù có số phận khá lận đận khi phải qua tay nhiều chủ, song Vietnammm vẫn có thể thở phào nhẹ nhõm bởi dù chưa thể trở thành nền tảng xuất sắc trong mắt người tiêu dùng, ít ra startup này vẫn có thể… ‘bán được’. Trước đó, Foodpanda, website đặt món ăn trực tuyến thuộc Rocket Internet đã phải tuyên bố đóng cửa vào năm 2015 do tình hình tài chính khó khăn.

Cuộc đua trên thị trường giao đồ ăn
GrabFood đang là ứng dụng gọi món phổ biến nhất tại Hà Nội và TP.HCM

Sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam những năm qua giúp các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này thành điểm sáng trong mắt các nhà đầu tư. Theo ước tính của Euromonitor, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam có quy mô 33 triệu USD trong năm 2018 và dự kiến sẽ đạt quy mô khoảng 38 triệu USD vào năm 2020 và duy trì mức tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới.

Thị trường tăng trưởng ấn tượng đã lôi kéo nhiều doanh nghiệp tham gia, với lợi thế lớn thuộc về các doanh nghiệp công nghệ vận tải. Theo khảo sát của Kantar TNS, GrabFood đang là ứng dụng gọi món phổ biến nhất tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, chiếm khoảng 68% đơn hàng. Theo sau là những ứng dụng của GoViet, Now và một số ứng dụng khác.

Hãng phân tích McKinsey từng nhận định, thách thức lớn nhất của các công ty giao vận món ăn đó là tốc độ, bởi người tiêu dùng luôn muốn món ăn của mình được phục vụ trong vòng tối đa một giờ. Tất cả các công ty dịch vụ gọi món đều đang cố gắng cải thiện tốc độ để tăng trải nghiệm khách hàng.

Việc sở hữu một lực lượng tài xế hùng hậu từ Grab giúp GrabFood chiếm ưu thế lớn trong cuộc đua gọi món. Với mạng lưới gần 175.000 tài xế trên khắp cả nước, trung bình, mỗi đơn hàng của GrabFood mất khoảng 20 phút để đến được tay khách hàng, trong khi đó của Now.vn là 25 phút còn của Lala là 30 phút.

Chỉ là một ứng dụng trong hệ sinh thái Grab khiến GrabFood bộc lộ một số hạn chế. Thay vì có các phần mềm quản lý bán hàng chuyên biệt, tài xế chỉ đơn giản đến mua hàng hộ theo yêu cầu của người dùng và phải chi trả tiền trước. Điều này khiến nhiều tài xế không thật sự hào hứng vì họ có thể gặp rủi ro nếu người dùng ‘bùng đơn’ hay đơn giản là chờ đợi chế biến món lâu.

Những hạn chế này ít gặp hơn với Now, tiền thân là Foody.vn, một ứng dụng chuyên về đánh giá địa điểm ăn uống. Bắt đầu thử nghiệm việc giao vận đồ ăn từ năm 2014, lợi thế lớn của Now đến từ danh sách hơn 20.000 nhà hàng đối tác cũng như thực đơn mặt hàng chi tiết. 

Tuy nhiên, mảng giao vận của Now không thành công khi công ty gặp nhiều khó khăn để duy trì đội ngũ vận tải chỉ để giao món ăn. Đến cuối năm ngoái, Now cũng âm thầm bổ sung thêm dịch vụ gọi xe máy tương tự như Grab và GoViet.

Với GoViet, đơn vị này có mô hình hoạt động tương tự như Grab nhưng yếu thế hơn vì ra đời sau, khi Grab đã thống lĩnh thị trường vận tải bằng xe máy. Mặc dù vậy, GoViet cũng cho thấy một số nỗ lực nhất định khi đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, hợp tác với những cái tên có tầm ảnh hưởng lớn như MTP Sơn Tùng để đại diện cho chiến dịch quảng bá hình ảnh,…

Thị trường cạnh tranh ghi nhận sức đào thải lớn. Foodpanda, Vietnammm không thành công nên đã phải đóng cửa hoặc bán mình. Cuối năm ngoái, ứng dụng gọi đồ ăn của Lala sau vài tháng tung ồ ạt các chương trình khuyến mãi, thậm chí món ăn 0 đồng cũng bỗng dưng biến mất trên chợ ứng dụng Apple Store và Google Play. 

Theo công ty nghiên cứu thị trường GCOMM, 99% số người được hỏi cho biết sử dụng dịch vụ gọi món trực tuyến 2- 3 lần mỗi tháng, 39% cho biết dùng dịch vụ 2 – 3 lần mỗi tuần. Với tần suất ngày càng dày đặc, gọi món trực tuyến được dự báo sẽ sớm trở thành thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam. Sự tham gia của GrabFood, Now, GoViet hay mới đây nhất là Woowa Brothers, thị trường gọi món hứa hẹn tiếp tục sôi động trong thời gian tới.