Dặm đường trường chinh xuất ngoại của trái cây Việt

Khánh Vân - 10:00, 10/02/2021

TheLEADERViệt Nam là đất nước bốn mùa trái ngọt. Rất nhiều khách nước ngoài khi đến Việt Nam rất thích thú về sự phong phú vườn trái và trầm trồ khi được thưởng thức hương vị của từng loại trái cây ở xứ sở nhiệt đới này.

Dặm đường trường chinh xuất ngoại của trái cây Việt
Từ năm 2009, Tập đoàn Aeon đã đưa trái thanh long ruột trắng chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản.

Không như lúa gạo, điều, tiêu hay cà phê, trái cây muốn xuất khẩu không dễ vì là nhóm nông sản phải được thu hoạch, tiêu thụ nhanh, không thể tích trữ, lưu kho chờ giá. 

Quan trọng hơn, muốn xuất chính ngạch vào những thị trường lớn, khó tính, trái cây phải có “visa” với những yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cần đáp ứng. Khó thế mà một số loại trái cây ngon của Việt Nam cũng đã vượt được hành trình gian nan đến nhiều nước tiêu thụ với giá cao.

Từ trồng tiêu thụ trong nước là chính và xuất tiểu ngạch sang thị trường các nước láng giềng, đến đầu thế kỷ 21, khi thấy nhiều nước nhập khẩu trái cây nhiệt đới, trong khi Việt Nam cũng có những loại trái tương tự mà chất lượng ngon hơn thì lại vắng bóng, các nhà khoa học nông nghiệp, các doanh nghiệp không khỏi tiếc nuối và đã lên tiếng với bộ ngành, địa phương. 

Dần dần các địa phương đã vào cuộc cùng các bộ ngành và doanh nghiệp, vận động nông dân thay đổi phương thức sản xuất, hình thành qui hoạch những vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng an toàn và tạo liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, để đáp ứng được những đơn hàng xuất khẩu mang lại giá trị lợi nhuận xứng đáng khi thị trường mở ra cơ hội.

Chinh phục được các thị trường khó tính

Từ năm 2009, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – NN&PTNT) đã xúc tiến hồ sơ, thủ tục để xuất khẩu xoài sang thị trường Mỹ. 

Đến tháng 2/2019, quá trình đàm phán này mới chính thức thành công, Mỹ đồng ý nhập khẩu trái xoài của Việt Nam, đưa thị trường này vào số thứ tự 40 trên bản đồ các nước nhập khẩu xoài của Việt Nam. Xoài là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được cấp phép vào thị trường Mỹ.

Các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cho biết Mỹ là thị trường có sức tiêu thụ lớn với xoài, trong khi sản xuất tại chỗ của Mỹ chỉ bằng 1/100 số lượng họ phải nhập khẩu mỗi năm và đó là dư địa rất lớn để xoài Việt Nam rộng đường xuất khẩu.

Việt Nam là nước đầu tiên được cấp phép xuất khẩu vú sữa sang thị trường Mỹ, hành trình để đưa lô vú sữa đầu tiên xuất khẩu vào tháng 12/2017 cũng mất 10 năm đàm phán.

Cuối năm 2015, thị trường Nhật Bản đón nhận lô xoài cát đầu tiên của Việt Nam sau cuộc hành trình 5 năm chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại mới được phía Nhật Bản thông qua. Cuối năm 2019, Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản đã cho phép nhập khẩu trái vải tươi của Việt Nam vào thị trường nước này kể từ vụ vải 2020.

Năm 2016, Australia là quốc gia tiếp theo cấp phép cho Việt Nam xuất khẩu xoài. Trước đó, năm 2015, sau hơn 12 năm đàm phán, Australia đã cấp giấy phép nhập trái vải của Việt Nam.

Việc có nhiều thị trường khó tính cấp phép xuất khẩu cho các mặt hàng trái cây thời gian qua đã chứng tỏ bên cạnh yếu tố ngon, trái cây Việt Nam còn phải đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm với những tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới. 

Các cơ quan nhà nước đã kiên trì đàm phán mở đường cho trái cây xuất ngoại; đồng thời nỗ lực đàm phán để ký kết được các hiệp định thương mại tự do, tạo thuận lợi cho thương mại.

Xác định hành trình ra nước ngoài cho trái cây phải lâu dài và uy tín, Việt Nam đã có sự chủ động đưa ra những điều kiện tuân thủ khi đàm phán xuất khẩu và cả sự tự chủ về công nghệ, máy móc thiết bị xử lý trái cây đảm bảo các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm khiến chuyên gia các nước nể phục.

Việt Nam là nước đầu tiên được cấp phép xuất khẩu vú sữa sang thị trường Mỹ. Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam đã chủ động có văn bản chính thức với Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đề nghị cho trái vú sữa tươi chiếu xạ tại Việt Nam trước khi xuất khẩu và khẳng định Việt Nam đã có đầy đủ hạ tầng cơ sở (các cơ sở chiếu xạ đạt chuẩn) để thực hiện công việc này.

Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam đã làm APHIS ngạc nhiên khi còn đề xuất trái vú sữa tươi xuất khẩu phải được bọc riêng từng quả trong túi nilon để tránh nguy cơ lan truyền dịch bệnh từ quả này sang quả khác sau khi đã xử lý chiếu xạ. 

Mặc dù đề xuất này của Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam khác với quy định thông thường của Mỹ cho rằng trái cây tươi nói chung chỉ cần đóng gói trong thùng carton chống côn trùng là được, nhưng xét thấy đề xuất của Việt Nam không những tương đương mà còn hữu hiệu hơn cả biện pháp đóng gói trong thùng carton chống côn trùng nên APHIS đã chấp nhận đề nghị trên.

Ý thức trách nhiệm với sản phẩm xuất khẩu đã làm cho người tiêu dùng ở Mỹ thêm tin tưởng dùng trái cây Việt Nam.

Đến nay Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu vào các thị trường “khó tính”. Trong đó, nhiều nhất là mã số xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ (471), tiếp đó là Úc và New Zealand (393), Hàn Quốc (199) và cuối cùng là các thị trường Thái Lan, Nhật Bản, EU.

Ngoài ra Cục Bảo vệ thực vật cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.

Những năm trước, trái cây xuất khẩu tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam, thì vài năm gần đây, các tỉnh phía Bắc đã có nhiều loại trái cây xuất khẩu rất khả quan, ngay cả trong năm tưởng chừng khó khăn vì dịch bệnh và thời tiết bất lợi.

Như nhãn của tỉnh Hải Dương đã xuất sang Singapore, Úc và Mỹ làm giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; vải thiều tỉnh Bắc Giang liên tục xuất ngoại. Sơn La với nhiều loại trái cây như thanh long, xoài, nhãn... được sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt chuẩn VietGAP và được cấp mã vùng trồng, đang mở ra tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu hấp dẫn; như thanh long ruột đỏ của huyện Thuận Châu đã xuất sang thị trường Nga trong những ngày cuối tháng 7/2020; xoài của Sơn La cũng đã xuất sang Mỹ…

Dặm đường trường chinh xuất ngoại của trái cây Việt
Bưởi da xanh đã được xuất khẩu sang một số nước châu Âu.

Năng động, sáng tạo và trách nhiệm

Phần trường chinh thị trường thế giới còn lại muốn thắng lớn và lâu dài thì vai trò chủ lực thuộc về doanh nghiệp và nông dân với nỗ lực thực hiện nghiêm ngặt từng khâu nhỏ trong cả chuỗi giá trị sản phẩm.

Vina T&T Group là doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu trái cây tươi vào Mỹ từ năm 2008 khi nước này mở cửa cho loại trái cây đầu tiên của Việt Nam là thanh long nhưng thất bại, do lúc đó chưa có công nghệ bảo quản nên sang Mỹ thanh long dễ bị hư hỏng. 

Đến năm 2014, khi đã nắm rõ công nghệ bảo quản trái cây, công ty trở lại xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Mỹ. Hiện Vina T&T Group đứng đầu về thị phần xuất khẩu trái cây Việt Nam vào Mỹ.

Để trụ vững tại thị trường Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết công ty đặt mã cho từng hộ sản xuất và phân luồng xanh – vàng – đỏ tùy theo kết quả xét nghiệm sản phẩm đạt an toàn mới thu mua. Cách làm này cũng đã giúp Vina T&T Group xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Mỹ, trái dừa xiêm sang Anh, bưởi da xanh sang Đức.

Câu chuyện công nghệ ấn tượng nhất là với việc xuất khẩu trái vải. Chuyên gia Nhật Bản giám sát dây chuyền xử lý, khử trùng vải thiều đã rất khâm phục các nhà khoa học Việt Nam sáng chế hệ thống xử lý vải và vận hành đều đáp ứng yêu cầu của chuyên gia Nhật Bản kiểm định.

Ông Tùng cho biết thêm, năm 2015, doanh nghiệp đã xuất vải thiều Việt Nam nhưng sản lượng chỉ độ 1 tấn, không thành công vì chưa có công nghệ bảo quản. Mùa vải thiều năm 2020, doanh nghiệp xuất khẩu hơn 100 tấn sang Mỹ và Úc bằng tàu biển. Lý do sản lượng vải tươi xuất khẩu sang 2 thị trường này tăng đột biến là nhờ áp dụng công nghệ bảo quản vải tươi đến 45 ngày nên có thể vận chuyển bằng đường tàu biển thay cho đường hàng không trước đây.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cũng vận chuyển trái vải bằng tàu biển đến Nhật Bản và được đối tác phản hồi tốt vì lượng hàng xuất khẩu nhiều, cước phí rẻ hơn đường hàng không và chứng minh được công nghệ bảo quản vải tươi của Việt Nam.

Phí vận chuyển một kg vải đi đường hàng không có giá khoảng 3,5 USD tùy hãng và tùy chặng bay, trong khi vận chuyển bằng đường biển phải mất vài ngày nhưng chỉ mất 0,1 USD/kg. Như vậy, nhờ khâu bảo quản dài, mỗi kg vải xuất khẩu bằng đường biển, chúng ta được thêm 3,4 USD/kg cho người nông dân và doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp nước ngoài có hệ thống phân phối lớn cũng đã tham gia sớm và hiệu quả vào hành trình đưa trái cây Việt Nam xuất ngoại. 

Từ năm 2009, Tập đoàn Aeon đã đưa trái thanh long ruột trắng chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản. Xoài Việt Nam được thị trường Nhật ưa chuộng, trung bình mỗi tháng có 5-10 tấn xoài đông lạnh Việt Nam tiêu thụ tại hệ thống Aeon ở Nhật. 

Vải thiều lần đầu tiên chính thức bày bán tại hệ thống phân phối của Aeon và Aeon là nhà bán lẻ đầu tiên giới thiệu và bán vải thiều tươi Việt Nam tại thị trường Nhật. Ngoài vải, xoài, thanh long, sắp tới hệ thống Aeon sẽ mở rộng đưa nhiều loại trái cây của Việt Nam sang thị trường Nhật.

Tập đoàn bán lẻ AEON Nhật Bản cho biết vụ mùa 2020, vải thiều tươi của Việt Nam xuất sang Nhật Bản được bày bán tại hệ thống phân phối của AEON gồm 250 điểm bán trên khắp Nhật Bản. Vải tươi do AEON đưa sang Nhật Bản bằng đường hàng không nhằm giúp khách hàng Nhật Bản được thưởng thức loại trái cây này đúng mùa với hương vị tươi ngon nhất nên có giá bán rất cao.

Cuộc hợp sức đầy ý nghĩa

Tiềm năng xuất khẩu trái cây Việt Nam còn rất lớn, cả hành trình dài nỗ lực, tưởng năm 2020 phải tắc nghẽn do dịch bệnh Covid-19. Nhưng không, một cuộc hợp sức thật đáng trân trọng để không uổng phí bao công lao chăm bón của nông dân, bao nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, bao tâm huyết của các nhà khoa học và bao lòng nhiệt thành của cán bộ, chuyên viên các cơ quan nhà nước luôn sát cánh trên mọi hành trình.

Từ ngày 20/3/2020, chuyên gia kiểm dịch Mỹ về nước do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với văn phòng đại diện APHIS tại Hà Nội đề nghị Đại sứ quán Mỹ tạm thời cử cán bộ của Đại sứ quán Mỹ và nhân viên APHIS từ Hà Nội vào TP.HCM giám sát xử lý chiếu xạ. Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã nhận lời, đưa ra những giải pháp ngắn hạn là đào tạo qua mạng cho nhân viên tại Việt Nam thực hiện công tác kiểm dịch. 

Nhờ đó, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 2.000 tấn trái cây tươi sang Mỹ thay vì tạm ngưng. Từ tháng 10, khi chuyên gia Mỹ đã quay trở lại Việt Nam, hoàn thành thời gian cách ly y tế, có kết quả âm tính với virus corona và bắt đầu làm việc tại Công ty Chiếu xạ Sơn Sơn thì hoạt động kiểm dịch đã trở lại bình thường.

Sáu loại trái cây của Việt Nam được Mỹ cho phép xuất khẩu gồm: thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài, đạt kim ngạch khoảng 20 triệu USD/năm. Phía Việt Nam đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục cuối cùng trong công tác đàm phán mở cửa thị trường để sắp tới trái bưởi Việt Nam sẽ được xuất khẩu chính thức sang Mỹ, trở thành loại quả thứ 7 được Mỹ cấp “visa” nhập khẩu.

Tháng 12/2019, trái vải Việt Nam chính thức được Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) cho nhập khẩu. Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp tỉnh Bắc Giang và Hải Dương bắt tay ngay quy hoạch, cấp mã số vùng trồng vải phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản. Mọi thứ đã sẵn sàng cho lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang Nhật thì bất ngờ dịch Covid-19 bùng phát. 

Thông tin phía đối tác Nhật Bản có thể không sang Việt Nam để giám sát xử lý khử trùng vải thiều xuất khẩu gây lo ngại cho người dân vùng trồng vải và các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cục Bảo vệ thực vật dù hết sức lo lắng nhưng vẫn đề nghị các địa phương thuyết phục người dân duy trì chăm sóc theo qui trình khuyến cáo của Nhật Bản, nếu không khi phía Nhật Bản có sang được sẽ không có vùng nguyên liệu đạt chuẩn.

Giữ được vùng trồng rồi, thì việc đưa được chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam giám sát, xử lý vải trong bối cảnh các đường bay quốc tế bị hạn chế để phòng chống dịch Covid-19 là cả vấn đề khó. 

Nhờ sự phối hợp giữa Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Bộ NN-PTNT, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hải Dương mà vị chuyên gia Nhật Bản trở thành hành khách duy nhất đã lên chuyến bay chở hàng của Vietnam Airline sang Việt Nam. Thế nên, lô trái vải Việt Nam đầu tiên đã đến Nhật vào ngày 20/6/2020, chỉ sau vài giờ lên kệ ở các hệ thống siêu thị Yufruit, Sunrise Farm và AEON…, hơn hai tấn vải thiều Việt Nam đã được bán hết. 

Các đơn hàng phía Nhật liên tiếp đặt, chưa đầy một tháng sau đã có 30 tấn trái vải Việt Nam xuất đi Nhật, như trong mơ.

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam trong 5 năm gần đây đạt 3,5 – 4 tỷ USD. Diện tích cây ăn trái trên toàn quốc đến nay đạt hơn 960.000ha. Cả nước đã có khoảng 40 loại rau quả được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Việc chinh phục được những thị trường khó tính nhất đã cho chúng ta thêm tự tin để xâm nhập các thị trường khác, mở ra cơ hội lớn cho trái cây Việt Nam trên thương trường quốc tế trong tương lai.