Đầu tư 55 triệu USD xây thêm hạ tầng dọc tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội

Nhật Hạ - 17:20, 07/10/2022

TheLEADERDự án gồm 3 hợp phần và được thực hiện trên địa bàn 6 quận gồm Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm với tổng mức đầu tư 54,75 triệu USD, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2025.

Đầu tư 55 triệu USD xây thêm hạ tầng dọc tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội
Khởi công dự án sáng ngày 7/10. Ảnh: Trang tin của UBND TP. Hà Nội

Lễ khởi công Dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội đã diễn ra vào hôm nay (ngày 7/10), do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội làm chủ đầu tư.

Đây là dự án thuộc Chương trình 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

Mục tiêu nhằm phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức, thân thiện môi trường; khuyến khích hành khách chuyển từ sử dụng các phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng hướng tới tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị sinh thái, văn minh và hiện đại.

Dự án gồm 3 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 là xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi nghiên cứu (bán kính 100 - 500m của các nhà ga dọc tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội) để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 3;

Đồng thời mở rộng đường Cầu Giấy cho người đi bộ; cải tạo, chỉnh trang, thảm lại mặt đường bằng bê tông nhựa; sơn kẻ, tổ chức giao thông khu vực các nhà ga số 8, 9, 10, 11, 12; cào bóc, xử lý móng, mặt đường tại các vị trí hư hỏng; sơn kẻ, tổ chức giao thông đoạn từ ga 6 đến ga 8 (đoạn Xuân Thủy - Cầu Giấy). Cùng với đó, cải tạo đồng bộ hè, đường, tổ chức giao thông đoạn từ Nhổn - Xuân Thủy (từ ga số 1 đến ga số 6).

Hợp phần 2: Thí điểm sử dụng loại xe buýt có lượng phát thải thấp và công nghệ mới (xe điện); sử dụng Hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên xe buýt và hệ thống thông tin kiểm soát vận hành; cải thiện trạm dừng xe buýt giữa các ga đường sắt đô thị;

Và đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ bảo dưỡng, hạ tầng dịch vụ, hệ thống trạm sạc (depot) tại khu vực Trạm trung chuyển đa phương thức, điểm đỗ xe công cộng và điểm đầu cuối xe buýt tại phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm).

Hợp phần 3: Nghiên cứu các chính sách và quy định. Trong đó, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng; hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; hạn chế phát thải.

Dự án được thực hiện trên địa bàn 6 quận gồm: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm với tổng mức đầu tư 54,75 triệu USD, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2025.

Phát lệnh khởi công dự án, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến metro được đầu tư bằng nguồn vốn thành phố và vốn ODA của Quỹ Môi trường do Ngân hàng Phát triển châu Á quản lý.

Đối với dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, khoảng năm tháng trước, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án Nhổn - ga Hà Nội thêm 4.905 tỷ đồng (tổng mức đầu tư dự án được đề xuất là 34.530 tỷ đồng) và lùi thời gian vận hành đến năm 2027 do có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo lãnh đạo MRB, việc điều chỉnh do có biến động của tỷ giá quy đổi (tiền Euro sang tiền Việt Nam đồng) trong quá trình thanh toán khối lượng xây dựng của dự án. Đồng thời, dự án cần điều chỉnh thiết kế và các yêu cầu kỹ thuật để phù hợp với thực tế thi công, phương án vận hành hai giai đoạn...

Sau đó, vào tháng 8, tại cuộc làm việc với thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thống nhất điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, nhưng dùng ngân sách nhà nước, không vay thêm vốn ODA do thủ tục phức tạp.

Bên cạnh đó, ông yêu cầu cuối năm 2022 phải hoàn thành đoạn trên cao; nghiên cứu giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn đi ngầm so với đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km ngầm. Dự án khởi công năm 2010, dự kiến hoàn thành 2015. Tuy chậm tiến độ 7 năm, đến nay dự án mới đạt 75%. Tổng vốn đầu tư tăng gấp đôi so với ban đầu, lên hơn 34.000 tỷ đồng.

Dự kiến, sau khi vận hành, tuyến đường có tốc độ khai thác thương mại 35km/h; 8 đoàn tàu cùng hoạt động; một đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm; một đoàn tàu cứu hộ. Dự án được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.