Để rộng cửa vào thị trường Tây Nam Trung Quốc

An Chi - 10:18, 16/11/2023

TheLEADERTăng cường thuận lợi hóa thương mại, đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông nhất là đường bộ và đường sắt chính là chìa khóa thúc đẩy hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt - Trung phát triển.

Để rộng cửa vào thị trường Tây Nam Trung Quốc
Hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc chưa được như kỳ vọng. Ảnh: Hoàng Anh

Hành lang kinh tế Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) còn gọi là hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố là một trong hai tuyến của “hai hành lang một vành đai” được Việt Nam và Trung Quốc ký kết hợp tác tháng 11/2006 nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của hai bên.

Hành lang kinh tế này là con đường ngắn nhất kết nối Việt Nam với thị trường các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc như Trùng Khánh, Tứ Xuyên. Đây cũng là con đường ngắn nhất nối Trung Quốc với các nước Asean qua cảng biển Hải Phòng.

Có ý nghĩa chiến lược như vậy và được ký kết hợp tác từ lâu nhưng theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương hành lang kinh tế này chưa được khai thác hết tiềm năng.

Cụ thể, hai bên chưa có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, hợp tác thương mại chưa ổn định, thiếu bền vững nhất là thương mại biên giới, Việt Nam vẫn nhập siêu lớn từ Trung Quốc. 

Sự phối hợp và tính kết nối giữa các địa phương hai nước còn yếu, chưa thu hút được sự tham gia của các tỉnh, thành phố khác ngoài tuyến hành lang kinh tế.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, tỉnh Vân Nam có vai trò quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, tuy nhiên, hợp tác này cũng chưa được như kỳ vọng.

Thương mại giữa Việt Nam và Vân Nam năm 2022 đạt 3,2 tỷ USD, chỉ bằng một nửa so với giá trị thương mại giữa Vân Nam và Myanmar và chỉ chiếm tỷ trọng 5% trong kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Ông Sơn cho rằng, lợi thế thương mại giữa Việt Nam và Vân Nam vẫn còn rất nhiều, tuy nhiên, chưa khai thác được do điều kiện giao thông đi lại. Bên cạnh đó, tỉnh Vân Nam vẫn chưa có nhiều cơ chế hợp tác với các bộ, ngành phía Việt Nam.

Một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam, điển hình như thủy hải sản, vẫn chưa khai thác được thị trường tiềm năng này.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Minh Sơn, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh cũng cho rằng, hệ thống cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông giữa hai bên đã được cải thiện với trục kết nối giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không kéo dài từ Vân Nam sang Lào Cai đến Quảng Ninh, nhưng vẫn cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện hơn nữa để tăng cường sự kết nối.

Đường sắt là chìa khóa thúc đẩy hành lang kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Chu Dân Huân, Phó giám đốc Ủy ban Cải cách và phát triển tỉnh Vân Nam, chênh lệch chiều rộng giữa đường sắt khổ tiêu chuẩn đoạn Hà Khẩu – Lào Cai và đường sắt nội địa Việt Nam đã dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải, làm tăng đáng kể chi phí hậu cần vận chuyển hàng hóa.

Ông Huân cho biết, việc xây dựng tuyến đường sắt tiêu chuẩn Trung Quốc - Việt Nam sẽ thúc đẩy chiến lược hai hành lang, một vòng tròn kinh tế, góp phần phát triển và thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Bên cạnh đó, việc thông quan tại biên giới giữa hai nước hiện vẫn còn nhiều thủ tục phức tạp, gây ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi hàng hoá.

Một lý do khác là sự kết hợp, hợp tác giữa hai bên còn yếu. Đơn cử như Vân Nam là thị trường tiềm năng cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là nông sản của Việt Nam, tuy nhiên, theo đại diện của tỉnh Quảng Ninh, hiện hai bên chưa khai thác được thế mạnh này..

Du lịch cũng là lĩnh vực được hai nước đánh giá rất có tiềm năng nhưng hai bên chưa thiết lập và duy trì kênh thông tin liên lạc, công tác phối hợp xúc tiến du lịch chậm được triển khai khiến hiệu quả không đạt kỳ vọng.

Đâu là chìa khóa?

Để hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố kết nối Việt Nam - Trung Quốc phát huy được hiệu quả cao nhất trong thời gian tới, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng, các bộ ngành địa phương của hai nước cần tập trung nguồn lực, tăng cường xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng logistic, kho lạnh, kiểm nghiệm, kiểm dịch; tăng cường kết nối giao thông, nâng cao năng lực vận tải, thông quan ở khu vực cửa khẩu biên giới Việt Nam – Vân Nam.

Các địa phương cần đẩy nhanh hơn các thủ tục nội bộ hai bên về việc kết nối đường sắt tại ga Lào Cai - Hà Khẩu, nâng cấp hai lối mở Bát Xát (Lào Cai) - Ba Sái (Hà Khẩu) và Mường Khương (Lào Cai) - Kiều Đầu (Hà Khẩu) lên thành cửa khẩu song phương.

Đồng thời, cần sớm được phê duyệt phương án vận tải hàng hóa quốc tế tại cửa khẩu Xín Mần - Đô Long, xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng tại khu vực Bản Vược (Lào Cai) và Ba Xái (Hà Khẩu).

Thứ hai, hai nước cần thúc đẩy hình thành tuyến vận tải liên vận từ Trùng Khánh, Thành Đô đi Việt Nam qua cửa khẩu Hà Khẩu kết nối với tuyến đường vận tải trên bộ, trên biển mới... để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam sang Vân Nam nói riêng và khu vực miền Tây Trung Quốc nói chung và ngược lại.

Đưa ra giải pháp cho thực trạng này, ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng Dự báo và tổ chức vận tải, Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải cho rằng, Việt Nam cần phải xây mới tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh khổ 1.435mm. Đây là tuyến vận tải chiếm gần 50% khối lượng vận tải cả hành khách và hàng hóa của hệ thống đường sắt quốc gia.

Để bổ trợ cho tuyến đường sắt trên, ông Hoàng khuyến nghị phát triển các tuyến đầu mối phía Đông và phía Tây Hà Nội, cùng tuyến vào càng biển Lạch Huyện, Hải Phòng nhằm tối đa hóa lợi ích và ngành đường sắt mang lại.

Việc xây dựng mới tuyến đường sắt và kết nối đường sắt giữa hai nước cho tương đồng khổ ray sẽ giúp tăng nhanh thời gian lưu thông, giảm chi phí vận tải, đồng thời tạo thuận lợi trong việc nâng cao giá trị kim ngạch hai chiều, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Để rộng cửa vào Tây Nam Trung Quốc 1
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương tại hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt – Trung

Bên cạnh giải pháp về hạ tầng giao thông, theo ông Trần Quốc Phương, để thúc đẩy hợp tác trong tuyến hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc), hai nước cần tăng cường thuận lợi hoá thương mại, nhất là đối với hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản. 

Về thủ tục thông quan, hai nước cần tăng cường ứng dụng công nghệ số, áp dụng số hóa tại cửa khẩu biên giới.

Cùng với đó, các địa phương trong tuyến hành lang kinh tế cần tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại mỗi bên để doanh nghiệp hai bên hiểu biết hơn về môi trường, chính sách đầu tư kinh doanh của mỗi nước.

Hai bên cần nghiên cứu mở rộng pham vi hợp tác theo hướng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, tăng cường giao lưu, hợp tác giữa chính quyền các địa phương, tổ chức xã hội và nhân dân.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam và Uỷ ban Cải cách và phát triển nhà nước Trung Quốc đang trao đổi về kế hoạch hợp tác cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "hai hành lang một vành đai" với sáng kiến "vành đai và con đường" để triển khai trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các địa phương hai nước, nhất là các địa phương trong tuyến hành lang kinh tế thúc đẩy hợp tác, kết nối có hiệu quả.