Đề xuất ngành FMCG được ưu tiên triển khai kinh tế tuần hoàn

Phạm Sơn - 17:55, 15/03/2023

TheLEADERHội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đề xuất, thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn cần ưu tiên những ngành nghề, lĩnh vực theo quan điểm “dễ làm trước, khó làm sau”.

Theo lộ trình được đưa ra tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và môi trường phải hoàn thiện dự thảo kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn vào thời hạn trước ngày 31/12/2023 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt.

Kế hoạch hành động quốc gia này bao gồm những nội dung mang tính chất tạo khung cũng như định hướng triển khai phát triển kinh tế tuần hoàn, cùng với Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn và các nội dung liên quan thuộc Luật Bảo vệ môi trường 2020 tạo ra bộ khung pháp lý thúc đẩy các giải pháp tuần hoàn tạo ra giá trị.

Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, ông Nguyễn Thành Trung, cán bộ Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD), cho biết, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, hoạt động triển khai kinh tế tuần hoàn cần lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên.

Theo đó, quan điểm của VBCSD là “lĩnh vực nào dễ làm trước, khó làm sau” và áp dụng phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội cũng như trình độ phát triển của doanh nghiệp.

Cụ thể, có thể lựa chọn trong toàn ngành, lĩnh vực hoặc những tiểu ngành, nhóm doanh nghiệp cụ thể đáp ứng các tiêu chí là hiệu quả cao nhất, có tính lan tỏa nhất dể ưu tiên triển khai kinh tế tuần hoàn. Như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian và nguồn lực.

Về yếu tố “dễ”, ông Trung nhấn mạnh tính dễ ở cả nội lực bên trong và môi trường bên ngoài của doanh nghiệp. Trong đó, “dễ” bên trong là sự sẵn sàng của doanh nghiệp thể hiện qua các cam kết, chiến lược phát triển bền vững, cũng như ngành nghề, mô hình kinh doanh dễ dàng thay đổi, thuận lợi cho việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trước yêu cầu của pháp luật, của thị trường.

“Dễ” bên ngoài doanh nghiệp là những cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển ngành cùng các nguồn lực hỗ trợ, hợp tác quốc tế. Mặt khác, yêu cầu cam kết môi trường trong tự do thương mại hay yêu cầu từ thị trường xuất khẩu cũng là yếu tố ảnh hưởng đến mức độ thuận lợi của doanh nghiệp khi triển khai kinh tế tuần hoàn.

Dựa trên quan điểm đó, thay mặt VBCSD, ông Trung đề xuất nhóm doanh nghiệp ưu tiên triển khai kinh tế tuần hoàn là những công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, cùng với nhóm doanh nghiệp là các tập đoàn lớn, chiếm thị phần cũng như tầm ảnh hưởng cao trong ngành.

Đối với ngành, VBCSD đề xuất ưu tiên triển khai trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Đây là ngành có sản phẩm có vòng đời ngắn, yêu cầu bao bì đóng gói, sử dụng nhiều nước trong sản xuất và phát sinh nhiều chất thải tiêu dùng.

Theo nghiên cứu năm 2021 của VBCSD, 90% doanh nghiệp FMCG đã tiến hành chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, với các kết quả đánh giá tương đối khả quan, thể hiện tầm nhìn cũng như sự quyết tâm của nhóm doanh nghiệp này đối với kinh tế tuần hoàn. Trong đó, nhóm doanh nghiệp đồ uống không cồn có mức chuyển đổi cao nhất.

Thực tế, ngay từ năm 2019, nhóm doanh nghiệp gồm nhiều FDI cũng như doanh nghiệp nội hàng đầu trong lĩnh vực FMCG đã bắt tay nhau thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam). Đây là những doanh nghiệp đáp ứng cả 2 tiêu chí ưu tiên của VBCSD, cũng là minh chứng cho thấy tầm nhìn và quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

Đánh giá cao ý kiến của VBCSD, ông Hoàng Thành Vĩnh, cán bộ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, nhìn nhận, lựa chọn các ngành nghề, doanh nghiệp theo tiêu chí “dễ làm trước” là thuận theo quy trình mang tính tự nhiên. Tuy nhiên, ông Vĩnh đặt vấn đề, bên cạnh những quy trình tự nhiên, cần phải tạo thêm động lực để thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự dịch chuyển mang tính thực chất hơn.

Đóng góp cho dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, tại hội thảo tham vấn do Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) tổ chức, các chuyên gia cũng đề xuất thu gon danh sách những ngành, lĩnh vực triển khai trọng tâm để tránh dàn trải nguồn lực. Dệt may, quản lý chất thải là những ngành được đề xuất cần tập trung, thuận theo xu thế chung của thế giới.

Theo đề cương dự thảo kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, các ngành trọng tâm trong triển khai kinh tế tuần hoàn bao gồm: Khai thoáng; nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; giao thông vận tải; năng lượng; chế biến, chế tạo; xây dựng; xử lý, cung cấp nước; dịch vụ sửa chữa, tân trang, phục hồi, tư vấn, đánh giá; du lịch và thương mại; thông tin, truyền thông; quản lý chất thải (ưu tiên chuyển hoá thành tài nguyên, năng lượng).