Doanh nghiệp Việt đang ở đâu trên hành trình ‘net zero’?

Phạm Sơn - 11:29, 10/09/2022

TheLEADERHành trình thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 là đưa mức phát thải carbon ròng về không vào năm 2050 không thể thiếu sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

Đầu năm 2022, khu công nghiệp VSIP 3 chính thức được khởi công. Là khu công nghiệp VSIP thứ 3 tại Bình Dương và thứ 11 tại Việt Nam, VSIP 3 được xây dựng theo hướng ưu tiên sử dụng năng lượng mặt trời, áp dụng các hệ thống quan trắc phát thải, cộng sinh công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ngay khi mới khởi công, khu công nghiệp này đã được chọn làm nơi đặt nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn Lego, với tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD.

VSIP 3 không phải khu công nghiệp được xây dựng theo hướng sinh thái, tuần hoàn duy nhất tại Việt Nam. Tại miền Bắc, những khu công nghiệp như Deep C, Nam Cầu Kiền cũng đã triển khai nhiều sáng kiến hướng tới cộng sinh công nghiệp để hạn chế phát thải và sử dụng năng lượng tái tạo.

Không chỉ các khu công nghiệp mà trong nhiều lĩnh vực khác, doanh nghiệp Việt Nam đang có những hoạt động tích cực hướng đến phát triển bền vững.

Năm 2019, những ông lớn hàng đầu ngành hàng tiêu dùng nhanh đã bắt tay nhau thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), với mục tiêu khép lại vòng lặp tuần hoàn cho ngành bao bì. Cùng trong năm đó, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn cùng các đơn vị nghiên cứu và tổ chức phi lợi nhuận đã thành lập Liên minh hành động vì khí hậu (VCCA), cam kết thúc đẩy các giải pháp carbon thấp ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM, cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang có những hoạt động tích cực hướng đến giảm phát thải và phát triển bền vững.

Lý giải cho điều này, theo ông Nam, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu kéo theo những diễn biến thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, gây ra những thiệt hại nặng nề không chỉ cho đời sống kinh tế xã hội mà còn cả với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khảo sát của VCCI cho thấy, hầu hết doanh nghiệp đều đồng tình rằng những diễn biến thời tiết bất thường đang gây hại cho doanh nghiệp, đặc biệt là những hiện tượng như nắng nóng kéo dài; nền nhiệt mùa đông tăng hay lũ lụt bất thường.

Ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), thiệt hại do biến đổi khí hậu tại Việt Nam tương đương với khoảng 1,5 – 3% GDP, tức là khoảng 4 – 8 tỷ USD mỗi năm. Ông Nam nhận xét, nguồn vốn khổng lồ này nếu không mất đi mà được tái đầu tư, nền kinh tế sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, những quy định của pháp luật cũng như yêu cầu từ phía thị trường, khách hàng, đối tác cũng đang khiến tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, trách nhiệm với cộng đồng trở thành điều bắt buộc.

Cụ thể, năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực, với một loạt quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp như trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); quan trắc nước thải bắt buộc… Cùng với đó là một loạt những nghị định, đề án về kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu được ban hành, định hình cho khung chính sách về môi trường theo hướng ngày càng chặt chẽ.

Về phía thị trường, nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và cả Trung Quốc đang dần nâng cao những tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu. Không chỉ đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng hóa xuất sang các thị trường này đòi hỏi phải được sản xuất trong chuỗi cung ứng xanh, hạn chế phát thải carbon. Cũng chính từ yêu cầu của các thị trường lớn, nhà đầu tư quốc tế khi lựa chọn đối tác hay điểm đến đầu tư cũng đặt nặng các yêu cầu liên quan đến sử dụng năng lượng tái tạo, truy xuất nguồn gốc hay kinh tế tuần hoàn.

Một động lực khác để doanh nghiệp thực hiện cam kết về môi trường, theo ông Nam, đến từ chính những cơ hội được mở ra từ sự phát triển bền vững. Đó là cơ hội được tiếp cận với nguồn tài chính xanh từ tổ chức phát triển, tổ chức tín dụng hàng đầu thế giới như WB, HSBC…

Mặt khác, sản xuất kinh doanh bền vững đòi hỏi áp dụng những quy trình, công nghệ mới. Đây là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D) hay mạnh dạn đổi mới quy trình, mô hình sản xuất.

Định vị thương hiệu bền vững cũng là điều được cộng đồng doanh nghiệp hướng đến khi thực hiện cam kết về môi trường và cộng đồng. Nhiều khảo sát uy tín chỉ ra người tiêu dùng đang ngày càng sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm, dịch vụ bền vững, được cung cấp bởi doanh nghiệp có trách nhiệm.

Lợi ích lớn hơn cả chính là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Sự phát triển bền vững này tạo cho doanh nghiệp sức sống và sức chống chịu mạnh mẽ, có thể thấy rõ qua phép thử là đại dịch Covid-19.

Đánh giá cao sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên, theo ông Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa xuất hiện nhiều trong bức tranh phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu.

“Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đứng ngoài cuộc”, ông Nam nói tại hội thảo Chính sách biến đổi khí hậu với doanh nghiệp hướng tới net-zero, do Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức.

Đây là một thiếu sót lớn, bởi dù chưa có nghiên cứu chính thức nhưng có thể khẳng định doanh nghiệp vừa và nhỏ đang “đóng góp” không nhỏ vào thực trạng ô nhiễm môi trường. Theo đó, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 96,7% tổng số doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này gặp hạn chế về cả tài chính và nhân lực, do đó nhiều khi vẫn sử dụng công nghệ cũ, mô hình sản xuất kém hiệu quả, chưa quan tâm đúng mức tới môi trường.

Theo ông Nam, cần có những nỗ lực cao hơn nữa từ phía chính sách để khuyến khích nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia tích cực hơn vào công cuộc chống biến đổi khí hậu. Đây là lực lượng đặc biệt quan trọng, có thể tạo ra những thay đổi mang tính đột phá.