Đổi mới sáng tạo trong kinh doanh từ câu chuyện Walmart

Kiều Mai - 08:59, 30/11/2019

TheLEADERĐổi mới sáng tạo là công cụ hữu ích giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có lợi thế trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể nghĩ đúng, làm đúng.

Trong hệ thống cửa hàng bán lẻ tại Mỹ, không thể không nhắc tới hai đại gia nổi tiếng là Kmart và Walmart. Năm 2001, Kmart tuyên bố phá sản, kéo theo hàng chục ngàn cửa hàng, để lại mảnh đất lớn cho Walmart thống trị tới ngày nay.

Rất nhiều người có thể biết đến hoặc đã từng nghe đến Walmart nhưng không phải ai cũng biết rằng một trong những bí quyết thành công của nhà sáng lập Sam Walton là học theo cách kinh doanh của người khác, nhưng không phải là sao chép.

Người đứng đầu Walmart đi tìm những gì đã được người khác làm nhưng chọn lọc phần ưu việt nhất để áp dụng và làm theo cách tốt hơn. Điều này được nhận định là sự đổi mới sáng tạo.

Đổi mới sáng tạo trong kinh doanh từ câu chuyện Walmart
Sự thành công của Walmart trong việc đáp ứng nhu cầu tưởng chừng nhỏ nhặt của khách hàng là bài học về sự đổi mới sáng tạo.

Disney là nhà sản xuất phim hoạt hình nổi tiếng, hoàn toàn không nằm trong lĩnh vực kinh doanh của Walmart nhưng có một điều từ Disney đã được gã khổng lồ bán lẻ “mượn” và làm rất thành công, đó là đặt một người đứng ở cửa với nhiệm vụ nói “xin chào” với khách hàng.

Điều đặc biệt là câu nói ấy không phải câu chào thông thường mà được thể hiện rất kiểu cách và đầy trân trọng. Ngoài ra, những người đứng chào tại cửa chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi, giống như một người bà, mang lại cảm giác thân thuộc và thoải mái cho khách hàng.

“Tại sao không nhiều doanh nghiệp làm như thế? Đơn giản là không có lợi nhuận trên chi phí đầu tư”, PGS.TS. Arthur Gogatz từ New York, Mỹ, Tổng giám đốc World Innovation Team, giải thích tại hội thảo “Doanh nghiệp vừa và nhỏ và bài toán chiến lược - 2020” được tổ chức bởi Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD).

7-Eleven, chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng, cũng mượn cách làm trên từ Walmart nhưng lại không đạt được kết quả tương tự.

Nguyên nhân là bởi 7-Eleven đã yêu cầu các nhân viên thu ngân chào khách nhằm tiết kiệm chi phí nhưng khi khách hàng bước vào, các nhân viên đều bận rộn tính tiền, chỉ kịp la lớn xin chào với khách và không hề có tương tác mang tính cá nhân.

Big C cũng từng làm tương tự nhưng thậm chí còn tệ hơn. Do muốn tiết kiệm chi phí, Big C đã đặt một chiếc máy phát tự động để chào khách với chất giọng kỳ cục.

Theo ông Arthur Gogatz, cách làm của Walmart được xem là sự đổi mới sáng tạo bởi doanh nghiệp này đã nhìn vào những gì khách hàng muốn và thiết kế hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu đó.

“Nhiều doanh nghiệp đưa ra thị trường sản phẩm họ muốn rồi tìm khách hàng cho sản phẩm đó. Nhưng nếu nhìn ra thị trường, tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thì doanh nghiệp sẽ có lợi thế lớn hơn hẳn”, vị giáo sư phân tích.

Đổi mới sáng tạo là yêu cầu ngày càng được đề cao trong kinh doanh, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ giữa bối cảnh cạnh tranh khốc liệt để có được thị phần rất nhỏ trên thị trường.

Về cơ bản, thứ khách hàng mua chính là sự hạnh phúc, sự thỏa mãn và nhiệm vụ của doanh nghiệp là không chỉ làm cho người mua thỏa mãn mà phải cực kỳ thỏa mãn mà sáng tạo chính là công cụ.

Đổi mới sáng tạo trong kinh doanh từ câu chuyện Walmart 1
PGS.TS. Arthur Gogatz.

Ông Arthur Gogatz nhấn mạnh doanh nghiệp không phải là thứ tạo ra sáng tạo mà chính con người mới là đối tượng chịu trách nhiệm cho việc đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.

“Một điều tôi nhận thấy khi giảng dạy ở các quốc gia đang phát triển là những người làm kinh doanh chủ yếu tập trung vào ngành nghề của họ, quốc gia cũng như khu vực của họ. Thế nhưng hầu hết sự đổi mới sáng tạo đến từ bên ngoài những gì bạn đang làm, từ những đối thủ cạnh tranh khác, từ lĩnh vực khác, quốc gia khác”.

Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cần quan tâm đến những gì đang xảy ra trên thế mới. Đổi mới sáng tạo không phải là tạo ra điều gì mới mà là dùng những thứ của ngành nghề khác, quốc gia khác áp dụng vào công việc đang làm theo cách phù hợp và tốt hơn.

“Nghe thì có vẻ ít nhưng thực ra rất là nhiều”, ông Arthur Gogatz đánh giá. “Điều cơ bản của đổi mới sáng tạo là mở rộng thế giới với những ý tưởng mới, trải nghiệm mới”.

Thế nhưng trên thực tế, hầu hết mọi người và hầu hết doanh nghiệp đều không đổi mới sáng tạo. Con người khi còn nhỏ rất sáng tạo nhưng điều này dần mất đi theo quá trình lớn lên và trưởng thành.

Các doanh nghiệp đều muốn nhân viên sáng tạo hơn nhưng không mấy doanh nghiệp khiến việc sáng tạo trở nên dễ dàng hơn. Một vấn đề rất lớn cản trở đổi mới sáng tạo chính là sự kiểm soát.

“Khi nói về đổi mới sáng tạo, chúng ta nói về sự tự do và sự kiểm soát chính là điều cản trở tự do đó. Việc doanh nghiệp muốn đổi mới sáng tạo nhưng lại luôn cố gắng kiểm soát giống như việc lái xe muốn đi nhanh nhưng lại không chịu bỏ chân ra khỏi phanh”, ông phân tích.

Có hai điều doanh nghiệp cần phải chấp nhận. Đổi mới sáng tạo không phải là một thứ tạm thời mà mãi mãi là thứ cần thiết và những kỹ năng cần thiết cho công việc trong 10 – 20 năm nữa là sáng tạo, phân tích, phản biện – những thứ máy tính không thể làm được.

Doanh nghiệp muốn nhân viên sáng tạo hơn thì cần đầu tư nhiều hơn nữa thời gian và nguồn lực. Thế nhưng, những cuộc huấn luyện như vậy thường chỉ dành cho cấp điều hành, quản lý chứ không dành cho nhân viên cấp dưới, đặc biệt là những nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Do đó, doanh nghiệp cần sẵn sàng chấp nhận việc phải huấn luyện tất cả mọi người và điều này làm nên lợi thế cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Cái cơ bản của đổi mới sáng tạo là chúng ta không được thỏa mãn với những gì đang có mà phải tìm cái tốt hơn. Thời điểm tốt nhất để thay đổi là khi mọi thứ đang ổn định”, PGS.TS. Arthur Gogatz nhấn mạnh.