Dòng vốn ngoại đổ vào các startup giáo dục Việt Nam

Việt Hưng - 11:35, 06/07/2021

TheLEADERViệt Nam hiện nằm trong top 10 thị trường công nghệ giáo dục (Edtech) có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tỷ lệ lên tới 44,3% trong năm 2018.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp tại Việt Nam, giáo dục tưởng chừng là lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất, nhưng lại đang trở thành điểm sáng trong bức tranh khởi nghiệp nửa đầu năm 2021.

Cụ thể, trong khoảng 12 tháng vừa qua, gần 80% học sinh, sinh viên Việt Nam đã áp dụng phương pháp học trực tuyến do các chính sách giãn cách. Việt Nam được xếp thứ 17/200 quốc gia kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin ứng phó với đại dịch.

Với khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên, hơn 90% trong số này sử dụng điện thoại di động, máy tính hoặc laptop để phục vụ học tập, đây được xem là một thị trường rất tiềm năng cho công nghệ giáo dục.

Thực tế, Việt Nam hiện nằm trong top 10 thị trường công nghệ giáo dục (Edtech) có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tỷ lệ lên tới 44,3% trong năm 2018. Theo Ken Research, thị trường Edtech của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2023.

Với tiềm năng này, các startup/nền tảng giáo dục trong nước liên tục nhận vốn đầu tư lớn từ các quỹ đầu tư, tổ chức nước ngoài.

Gần đây nhất, Tập đoàn giáo dục EQuest vừa nhận được khoản đầu tư 100 triệu USD từ KKR - một trong những công ty đầu tư lớn nhất thế giới. EQuest hình thành qua chuỗi sáp nhập giữa EQuest Academy (thành lập năm 2003) và các công ty giáo dục khác trong nước từ năm 2013 đến nay.

EQuest hiện đang vận hành một hệ sinh thái giáo dục đa dạng, tập trung vào bốn lĩnh vực: Hệ thống trường phổ thông song ngữ từ lớp 1 tới lớp 12, hệ thống trường đại học và cao đẳng nghề, trung tâm đào tạo tiếng Anh và các giải pháp công nghệ giáo dục.

Hệ thống trường phổ thông của EQuest có hơn 9.000 học sinh đang theo học tại 8 cơ sở, đáp ứng nhu cầu tăng nhanh về chương trình đào tạo song ngữ chất lượng, hiệu quả cao với mức học phí hợp lý. Hiện EQuest có hơn 110.000 học sinh, sinh viên theo học mỗi năm trên toàn hệ thống.

Dòng vốn ngoại đổ vào các startup giáo dục Việt Nam
Thị trường Edtech của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỷ USD

Trước đó, một Edtech nổi bật của Việt Nam là ELSA cũng ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư với việc gọi vốn thành công vòng Series B với tổng số vốn lên đến 15 triệu USD.

ELSA được Forbes nhắc đến trong danh sách 4 công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo thay đổi thế giới, và lọt vào top 5 các ứng dụng A.I hàng đầu hiện nay sánh hàng cùng với Cortana của Microsoft và Google Allo của Google.

Đại dịch Covid-19 đã làm tăng nhu cầu học trực tuyến. Mặc dù người dùng của ELSA thường bao gồm những người có độ tuổi từ 15 đến 35, nhưng nó đang thu hút nhiều trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 15 khi các bậc cha mẹ tìm đến internet để giúp giáo dục chúng.

Người dùng ELSA trả một khoản phí đăng ký, từ 3-4 USD/tháng ở Việt Nam đến 7-8 USD/tháng ở Nhật Bản. Công ty cho biết họ có kế hoạch đầu tư vào nền tảng kinh doanh của mình bằng cách làm việc với các đối tác công ty xung quanh thế giới.

Tương tự, Manabie - một startup nền tảng học tập trực tuyến của Việt Nam cũng nhận khoản đầu tư 3 triệu USD được dẫn dắt bởi quỹ Do Ventures. Chỉ trong hơn 1 năm hoạt động tại Việt Nam, Manabie đã kêu gọi được tổng số vốn đầu tư lên đến 4,8 triệu USD.

Manabie có mô hình hoạt động kết hợp giữa online và offline nhằm phát huy tối đa hiệu quả của giáo dục trực tuyến. Ngoài ứng dụng điện thoại với hơn 350.000 lượt tải chỉ sau một năm ra mắt, Manabie còn có 5 trung tâm dạy học tại TP. HCM.

Có mặt tại thị trường Việt Nam từ tháng 1/2020, Manabie được dẫn dắt bởi CEO kiêm nhà đồng sáng lập quốc tịch Nhật Bản Takuya Homma với 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và am hiểu sâu sắc về thị trường Đông Nam Á.

Áp dụng phương pháp tiếp cận của Nhật Bản, Manabie cung cấp mô hình OMO tại Việt Nam hiện nay, bao gồm một ứng dụng điện thoại học online và mạng lưới các trung tâm offline nơi học sinh có thể tới học tập dưới sự hướng dẫn của đội ngũ cố vấn.

Dòng vốn ngoại đổ vào các startup giáo dục Việt Nam 1
Manabie có mô hình hoạt động kết hợp giữa online và offline

Cũng trong mảng giáo dục, startup Edmicro đã hoàn tất khoản gọi vốn vòng Series A+ từ Quỹ đầu tư Beenext, Qualgro (Singapore) và Insignia Ventures. Trong đó, Insignia Ventures đang là cổ đông hiện hữu của Edmicro.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm hoạt động trong những doanh nghiệp công nghệ và giáo dục hàng đầu ở Việt Nam và khu vực, những nhà sáng lập của Edmicro cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để tạo ra sản phẩm nhằm phục vụ việc cá nhân hóa học tập, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp Đông Nam Á.

Cùng với đó, Edmicro nhận thấy tự học và đánh giá năng lực là một nút thắt trong chương trình giáo dục. Hệ thống các bài kiểm tra và đánh giá hiện hành trong nhà trường khó phản ánh đúng năng lực của học sinh.

Khi học sinh sử dụng nền tảng này, hệ thống machine-learning sẽ lưu trữ dữ liệu học tập và tạo ra biểu đồ năng lực của mỗi học sinh, đề xuất lộ trình học tập dành riêng cho từng học sinh.

Học sinh cũng có thể được giải đáp cùng lớp học trực tuyến với lịch học và gia sư phù hợp. Giáo viên và phụ huynh có thể hiểu hơn về năng lực của con em mình qua biểu đồ năng lực và báo cáo năng lực.