Góc nhìn của Thủ tướng về phát triển bền vững

Quỳnh Chi - 08:23, 06/07/2018

TheLEADERThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng con đường phía trước của Việt Nam đòi hỏi thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn lực con người và tăng cường khả năng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Góc nhìn của Thủ tướng về phát triển bền vững
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững diễn ra chiều 5/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, từ tăng trưởng kinh tế cho đến phát triển kinh tế, rồi phát triển bền vững không đơn thuần chỉ là sự thay đổi tên gọi mà ẩn sau đó là cả những nội hàm rất sâu sắc xuất phát từ quá trình thay đổi nhận thức. 

“Nói khác đi, để đi đến được khái niệm phát triển bền vững như ngày nay là một quá trình dài thay đổi tư duy và hiểu biết của chúng ta về những gì được xem là mục đích và ý nghĩa thực sự của sự phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tăng trưởng kinh tế, như cách hiểu truyền thống, chỉ sự gia tăng thu nhập quốc dân trên đầu người. Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra rằng, thước đo về tăng trưởng kinh tế từ lâu đã bị phê phán là có nhiều hạn chế. 

Chẳng hạn có những nước mức thu nhập bình quân đầu người như nhau, nhưng chất lượng sống của người dân những nước này rất khác nhau. Nhiều nước đạt được mức tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người khá cao, nhưng không phải nhóm người nào trong xã hội cũng được hưởng lợi thành quả từ tăng trưởng. 

Bên cạnh đó, tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng giữa các nhóm người và giữa các vùng miền, là mầm mống của sự bất mãn và căng thẳng xã hội. Tình trạng nhiều trẻ em không được học hành và suy dinh dưỡng, tình trạng phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc… tương phản hoàn toàn với chỉ báo tăng trưởng kinh tế.

Do đó, để khắc phục nhược điểm của thước đo tăng trưởng kinh tế, khái niệm phát triển kinh tế và tiếp đó là phát triển bền vững đã được bổ sung. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, xuyên suốt hơn 30 năm qua, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam luôn được xây dựng dựa trên 3 trụ cột gồm: bền vững kinh tế, bền vững xã hội, và bền vững môi trường.

Đến nay, Việt Nam vẫn luôn nhất quán với chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới yêu cầu cao trong phát triển bền vững. 

“Việt Nam tự tin sẽ đạt được và thậm chí hoàn thành trước nhiều mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc trước năm 2030”, Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh yêu cầu cải cách thể chế kinh tế, giải phóng sức sản xuất, tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân phát huy hết khả năng của mình, chung tay xây dựng xã hội thịnh vượng, bền vững, đặc biệt là cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ xác định đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt của phát triển bền vững; tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, hoàn thiện thể chế chính sách để khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. 

Ngoài ra, Chính phủ cam kết bảo vệ hữu hiệu quyền tài sản và ý tưởng sáng tạo; hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm vun đắp, khuyến khích và hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, học sinh sinh viên, thanh niên nông thôn.

Trong đó, giáo dục là chìa khóa để mọi người, nhất là thế hệ trẻ mở cánh cửa tri thức, tạo ra các cơ hội làm chủ tương lai tươi sáng của đất nước.