GS Phan Văn Trường: Cần tái tạo hệ sinh thái trong mọi lĩnh vực để sinh tồn

Kim Yến - 08:00, 12/04/2019

TheLEADERQua câu chuyện “Quả táo của ông Kimura”, GS Phan Văn Trường đã chia sẻ cách nhìn của mình về vấn đề nông nghiệp sạch như một nỗ lực tối cần thiết để tái tạo tính hệ thống, hệ sinh thái cho mọi lĩnh vực của Việt Nam.

QUẢ TÁO CỦA ÔNG KIMURA

Tại sao ông lại chọn hình tượng quả táo của ông Kimura để lý giải về nhiều vấn đề đang rất nóng của Việt Nam hôm nay?

GS Phan Văn Trường: Đây hoàn toàn không phải đề tài về nông nghiệp, mà hẳn là nguồn gốc của sự sống. Nếu các bạn nắm được nguồn gốc sự sống của mình, thì bạn mới chuyển động thực sự. Câu chuyện quả táo có nhiều góc cạnh đáng nhớ, kỳ lạ trong cuộc sống nhân loại.

Hồi 17 tuổi mới sang Pháp, tôi thấy táo ngon lắm. Táo ngon nhất là đã cũ kỹ, nhăn nheo, teo lại rồi thì ngọt dễ sợ. Giờ thì táo nào cũng giống nhau, ngọt như… nước lã! Sau 50 năm, tôi thấy quả táo đã biến đổi kinh khủng, bên trong chỉ toàn là chất hoá học. Tại sao bây giờ táo vừa cắt ra đã bị thâm?

Kimura, một nông dân trồng táo ở thế kỷ 21 đóng góp kiểu khác vào sự diễn biến vũ trụ, đó là hệ sinh thái. Ông Kimura đã chế lại được một quả táo ngọt ngào như cách đây 50 năm, ngọt và thơm lắm, cắt ra không thâm, để trong tủ không thối. Trong tiệm của ông chỉ có duy nhất một món súp táo, nhưng phải đăng ký trước chín tháng mới được ăn. Ông là một đầu bếp hạnh phúc, Kimura không cần bán táo, chỉ có tám trăm cây táo, đã bán hết trong vòng hai mươi năm tới.

Thị trấn Iwaki tất cả mọi hộ dân đều trồng táo, họ rất giàu có, nắm vững toàn bộ công nghệ trồng táo, dùng hoá chất để phun trên cây theo đúng quy trình mà họ thực nghiệm không biết bao nhiêu năm nay. Chỉ có anh chàng điên Kimura, một thiên tài rất hiếu học, đã từng chế tạo máy hái táo, máy trồng táo là muốn làm theo cách khác.

Yêu quý người vợ cứ mỗi mùa phun thuốc sâu là bị dị ứng không thể tiếp tục làm vườn, Kimura điên khùng, răng sún, chỉ biết cười, nhưng cứng đầu, đã tạo ra hệ sinh thái cho cây táo như thời nguyên thuỷ trong 12 năm trời để làm cho đất hồi sinh.

Ông đã quyết định không phun sâu, để cỏ mọc, sâu ăn trọn lá cây, trái hiếm hoi, mỗi cây chỉ có 1 kg táo èo uột. Trại sắp phá sản, cha mẹ khuyên con hết lời, vì cha mẹ ông đã từng phun sâu, và đã ra đi trong sự đau lòng của con cái. Trước khi ông bà chết, gia đình dành thời gian nhặt sâu để bán vài kg táo trong sự khinh bỉ của hàng xóm, cây teo không hoa trái mà vẫn đi nhặt sâu!

Điều gì khiến ông tiếp tục điên khùng? Vì ông muốn tạo lại hệ sinh thái. Chuột, rắn, bướm, chim ăn hết những gì có thể, hàng xóm sang doạ nạt chim bọ của ông sang bên vườn tôi thì sao? Rắn cũng tìm ra nơi sinh sản vì cỏ mọc đầy… Một hôm ông nhận ra có loài sâu rất lạ, 50% để nở thôi, còn 50% để các loài khác ăn. Phải có bàn tay đấng tạo hoá trên cao? Ông hiểu vườn mình đã phục hồi hệ sinh thái. Nhưng táo vẫn chưa ra trái, ông phải làm thêm nghề hầu bàn để nuôi gia đình.

Có lần gặp gỡ cây dẻ trên núi, ông nhận ra thiên nhiên tuyệt vời, luật ngẫu nhiên không cần mà là luật cần thiết. Cây dẻ đầy trái, mà vẫn đầy sâu, trái thơm ngon không bị sao cả, sờ xuống thấy đất ấm, tơi mềm, rễ rất dài. Về tìm hiểu đất của vườn mình, ông thấy rễ ngắn, đất xung quanh rất cứng, lạnh. Có lẽ chân lý ở dưới rễ chứ không chỉ ở sâu trên cây.

Đây là chân lý kinh khủng của Kimura. Càng che chở trên cây thì cây càng lười biếng, không chịu phấn đấu. Sau nhiều năm cải tạo đất, đất bắt đầu ấm, mềm, tơi xốp, cây ra trái nhiều hơn, như trái táo hồi còn bé ông từng ăn, giòn, ngọt, thơm tho… Hệ sinh thái đang cứu Kimura.

Bạn sẽ thành công nếu tạo ra hệ sinh thái của riêng mình! Nói chuyện với sinh viên các trường đại học, tôi nhận thấy sinh viên Việt Nam tư duy không có tính hệ thống, câu nói các em cũng ngắn lắm, vì không có lý luận hệ thống. Giáo dục phải làm sao tạo hệ sinh thái mà mỗi người tìm thấy hơi thở, lẽ sống của mình.

GS Phan Văn Trường: Cần tái tạo hệ sinh thái trong mọi lĩnh vực để sinh tồn
GS Phan Văn Trường.

Không chỉ Việt Nam, mà hệ sinh thái của con người, của vạn vật trên trái đất cũng đang đe doạ bởi sự phát triển kinh tế bằng mọi giá?

GS Phan Văn Trường: Sự biến đổi khí hậu chỉ là phản ứng của thiên nhiên để tạo ra hệ sinh thái mới phù hợp với thế giới nhiều rác hơn. Thảm hoạ xảy ra ngày càng nhiều, nhiều người chết hơn, vì hệ sinh thái thấy loài người đông quá rồi, tự nó điều hành thế cân bằng mà người ở lại tìm được đầy đủ điều kiện để sống.

Hệ sinh thái sẽ biến đổi để phù hợp với loài người ngày một cao hơn, dù ở cả những nơi không có nhiều bơ sữa. Rõ ràng hệ sinh thái đang biến đổi.

Vấn đề lớn nhất của chúng ta là sản xuất quá nhiều để làm giàu cho số ít, tàn phá để cho số ít người cất tiền vào ngân hàng, trong khi tiền chỉ là tờ giấy. Nhiều doanh nghiệp đã làm điều thật sự vô ích, con người ngày càng không biết điều với vạn vật, càng tàn phá nhiều rừng, càng ném rác nhiều, càng xây nhà máy thuỷ điện nhiều, càng bị ung thư nhiều.

Đó có phải là lý do để ông tích cực tham gia vào Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp, với nhiều tư vấn cụ thể cho từng thành viên?

GS Phan Văn Trường: Tôi cũng làm nông nghiệp chút ít. Qua việc này tôi hiểu tác động của hệ sinh thái kinh khủng lắm. Chúng ta lạ thật, đổ hết hoá chất xuống đất rồi bây giờ đổ xô làm hữu cơ. Không phải đất nào cũng trồng được hữu cơ, tại sao đi từ thái cực này sang thái cực kia nhanh như thế?

Trở lại với hệ sinh thái và câu chuyện nông nghiệp, khi các em nông dân muốn mở câu lạc bộ và mời tôi tham gia với tư cách Chủ tịch Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam. Tôi nói khi muốn thành công, không thể đem mô hình phong kiến vào một tổ chức. Định nghĩa câu lạc bộ này là không có ban chấp hành, ai muốn vào thì vào, ai muốn ra thì ra, ra rồi vào lại cũng được, không ai trên ai dưới, không ai trước ai sau. Bất ngờ xảy ra, tháng đầu lên 2 ngàn thành viên, giờ 59 ngàn, lớn nhất Việt Nam, không có sếp.

Nói thế để hiểu vấn đề của chúng ta là phải hệ thống hoá nền nông nghiệp. Người sản xuất hoa gửi mail cho tôi hỏi “bán ở đâu bây giờ”, em sản xuất cốm, làm trùn quế cũng hỏi bán ở đâu? Nhưng bạn bán giun, bán cốm, bán hoa ấy không biết nhau, và quyết định không cần biết nhau!

Đó là lý do vải miền Bắc thì miền Nam không có để ăn, quả bơ Việt Nam tuyệt vời như thế mà loại ngon nhất chỉ bán trong làng. Chúng ta không làm quảng bá, vì nền nông nghiệp của chúng ta chưa phải là một hệ thống, bị chi phối, người nào cũng chỉ bán được 1/10 sản phẩm làm ra, 9 phần kia để thối, giá rẻ như bèo, xuống giá thảm thương, không tạo tương lai được cho các nông dân trẻ. Có bạn bằng tiến sĩ cũng không sống được bằng nghề nông.

Tôi muốn tạo ra hệ sinh thái để mọi người ít nhất có thông tin của nhau, tôi rất vui vì 59 ngàn bạn trao đổi rất sôi nổi với nhau, để tạo ra hệ sinh thái sản xuất, chế biến và phân phối trên cả nước. Việt Nam cần tái tạo hệ sinh thái trong mọi lĩnh vực để sinh tồn.

Nhưng cũng có chuyện buồn. Tôi cũng đi thăm các triển lãm nông nghiệp, sản phẩm ngư nghiệp, nhiều công ty ấn tượng, câu con cá vô cùng đẹp, có sản phẩm vô cùng hay. Nhưng họ quá mãn nguyện với chuyện đang làm, và chỉ mong mọi chuyện cứ như vậy hoài, mười hay hai mươi năm sau. Nếu cho tôi làm tổng giám đốc thì năm năm nữa sản phẩm ấy sẽ bán toàn thế giới. Lãnh đạo giàu, đi xe Mec, nhưng bảo họ “công ty các em trù phú quá, nên tạo hệ sinh thái chừng mười đội, mỗi đội ba em, vốn khoảng một trăm triệu đồng, sẽ giúp rất nhiều cho đất nước”, các em quay lưng lại ngay!

Cách làm nông của người Nhật đang ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam, nhiều người trẻ Việt Nam đang bán nhà, bỏ nghề đi làm nông nghiệp hữu cơ theo cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm”. Làm thế nào để đào tạo con người sống theo tinh thần tính hệ thống, với mạng lưới mà ông đã tạo ra, để gầy dựng những con người có sức mạnh nội tâm?

GS Phan Văn Trường: Tôi không biết mình đang ở giai đoạn nào, nhưng có thể nói chắc chắn sẽ đóng góp đến lúc không còn sức nữa cho đất nước. Tôi không giàu nhưng thừa tiền để sống, tôi không thể sống được với vật chất, đi xe Mec, sống trong biệt thự to. Ngồi với các em sinh viên tôi thấy hạnh phúc hơn nhiều.

Sau khi làm nhiều hội thảo, tôi sẽ tập hợp nhóm vài chục người ra đồng cắm trại, trao đổi, cọ xát tư duy của tôi để đi cùng chân lý, chứ tôi không đóng vai Khổng Tử đâu nhé. Tôi dạy mười mấy năm miễn phí rồi, các bạn không thể nghi ngờ điều đó. Các em gặp tôi, chỉ thay đổi tư duy chút xíu là tôi vui rồi.

Có một điều cần nhớ, khi người Nhật sang xứ mình, họ không làm vì mình đâu, mà vì họ. Khi đất trở thành sinh thái cần nằm yên 15 năm, nên họ phải dùng đất của mình thay thế thôi. Hiện nay nửa thế giới thiếu đất để xây dựng hệ sinh thái đầy đủ. Họ tìm hiểu có cách nào dùng đất của mình để đất của họ được nghỉ, vì bị dùng ráo riết trong mấy chục năm qua.

DOANH NHÂN ĐANG NHẦM LẪN GIỮA QUẢN TRỊ VÀ QUẢN LÝ

Từng lãnh đạo những tập đoàn lớn toàn cầu, cách quản trị doanh nghiệp của ông có gì khác biệt?

GS Phan Văn Trường: Từng lãnh đạo doanh nghiệp 400 ngàn người, nhỏ nhất cũng 45 ngàn người, làm việc trên 70 quốc gia, tôi thấy cách mình quản trị vô cùng dễ nhưng vô cùng khó. Nếu tạo được luồng khí để mọi người đi theo thì vô cùng dễ dàng. Đây là điểm yếu lớn nhất khiến cho các công ty Việt Nam không lớn lên được.

Tôi từng tư vấn nhiều cho nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam khi họ phát triển lên bước mới, nhưng về quản trị đã không thể kiểm soát được. Có tập đoàn địa ốc quy mô lớn tạo ra ganh đua không lành mạnh trong nội bộ. Còn Viettel muốn quốc tế hoá khi chưa đủ lực. Cách đây mấy năm tôi đã nói với lãnh đạo Viettel điều đó, nhưng bây giờ họ mới nhận ra.

Quốc tế hoá không phải chỉ là nói tiếng Anh. Khi đưa nhân viên ra nước ngoài để quốc tế hoá, người lãnh đạo phải biết liệu nhân viên của mình sang nước ngoài sống và làm việc có thể hoà nhập với tập quán ở đó không? 60- 70% người Việt cứ ba ngày thiếu nước mắm là không sống nổi. Vấn đề quan trọng nhất là nhân lực. Tập đoàn này đã từng gửi nhân viên đến Mozambique một năm để làm việc, nhưng phải sống xa gia đình, vợ con, khó làm việc hiệu quả.

Nhầm lẫn cơ bản của các doanh nhân là giữa quản lý và quản trị. Quản trị doanh nghiệp chính là quản trị con người. Quản trị đúng là “đúng lúc, đúng việc và đúng người”. Khi đã biết ba cái đúng đó thì mọi chuyện dễ lắm. Trái lại, nếu quản trị lại đâm vào quản lý thì chỉ càng làm rối thêm công ty. Phải biết quản trị, còn mổ xẻ chuyện quản lý thì không bao giờ xong cả.

Trong một lần tìm kiếm giám đốc tài chính, Tân Hiệp Phát đã vạch ra một ma trận những tiêu chí của vị trí này, sau đó tuyển một giám đốc tài chính xuất sắc từ Mỹ về. Nhưng chỉ sáu tháng sau vị giám đốc này nộp dơn từ chức. Lý do là tất cả những hoá đơn từ 100.000 đồng trở lên chỉ có người duy nhất được ký, đó là ông chủ tịch. Không dám giao quyền là một trở ngại lớn nhất với nhà sáng lập, khiến không thể quy tụ chất xám của mọi nguồn trên thế giới.

Tại sao đang có một cuộc sống viên mãn ở Pháp, ông lại quyết định trở về nước để tham gia giảng dạy cho các trường đại học và tham gia các hoạt động cộng đồng một cách hoàn toàn vô vị lợi?

GS Phan Văn Trường: Vì trong thế giới hôm nay, thông tin chứa nhiều chất độc, làm thế nào giúp giới trẻ nhả bớt chất độc ra để có được một cảm nhận khách quan hơn về thế giới hôm nay.

Cho nên một khi còn thở, thì tôi còn làm việc này hoàn toàn miễn phí, các bạn hãy tin ở tôi đi. Một khi đã làm miễn phí chỉ còn tình yêu thương thôi.

Nhưng rất kỳ lạ là nhiều người không tin tôi, vì họ cho rằng trong đất nước này, không có việc gì hoàn toàn miễn phí.

Tại sao tôi làm miễn phí ư? Tôi dạy bảy năm ở trường kiến trúc hoàn toàn miễn phí. Anh Phạm Tứ, hiệu trưởng nói với tôi “Thưa thầy em không chấp nhận được chuyện đó, vì như thế là thầy có thể có hôm không tới dạy mà không cần báo trước”. Đến cuối năm, anh ấy nói với tôi “Thầy là người duy nhất tới đúng giờ, dạy không thiếu ngày nào. Điều em rất ngạc nhiên là khi đến lớp của thầy, các bạn sinh viên tự động tắt hết điện thoại di động”. Tôi trả lời anh “Em thấy không, đó là do miễn phí đấy”. Nếu lấy tiền tôi sẽ bắt đầu so bì hơn thiệt công việc của tôi, bắt đâu có sự đo… nhưng một khi miễn phí thì không có hơn thiệt.

Vào giờ phút thiêng liêng của giao thừa 2019, ông đã viết những lời gan ruột gửi các bạn trẻ đang khởi nghiệp bằng nông nghiệp sạch, như một sự trao gửi yêu thương?

GS Phan Văn Trường: Tôi muốn gửi đến các em lời chúc ân cần nhất, yêu thương nhất, thông cảm nhất.

Tôi cũng mong tất cả các kịch sĩ của nông nghiệp Việt Nam ý thức hơn được bổn phận của mình trong hệ thống. Đứng đầu là hệ thống ngân hàng phải quay sang nông nghiệp để lấy đó làm ưu tiên cho sự khởi nghiệp của các nông dân trẻ, hệ thống kiểm soát thị trường để triệt để cấm và phạt nặng những hành vi phạm pháp, hệ thống nông nghiệp để các doanh nghiệp lớn hãy sẵn sàng hỗ trợ các công ty nhỏ, hệ thống siêu thị hãy mở rộng hơn nữa đường vào cho nông sản sạch và chất lượng.

Hơn lúc nào hết chúng ta cần đoàn kết hơn nữa. Đến ngày hôm nay chưa thể gọi là đủ rộng rãi và cụ thể.

Xin cảm ơn các nông dân lão thành tiếp tục truyền bá cho các thế hệ tiếp theo.

Cuối cùng xin bà con tiêu dùng hãy ý thức được vai trò cốt yếu của mình, chính các bạn tạo ra thị trường đấy. Nếu các bạn vẫn ưa thích những rau thịt bẩn thì không khác chi, vào một thời đại khác, ăn lông ở lỗ.

Mong cả nước ăn uống văn minh hơn và chịu trả giá cho công lao vô vàn của chính những bàn tay dũng cảm và hy sinh của những nông dân không đòi hỏi gì hơn là có được cuộc sống ổn định.

Chúng ta có thể hiện được những bước đi và những suy nghĩ tích cực như vậy thì sự đoàn kết mới mang ý nghĩa thực sự của nó, cũng như chữ đồng bào, một chữ quá thiêng liêng mà chúng ta đừng bao giờ quên.

GS Phan Văn Trường sinh năm 1946 tại Hà Nội, du học Pháp từ 1963, tốt nghiệp kỹ sư cầu đường năm 1970, dạy Đại học Paris 1er về Quy hoạch vùng và kinh tế đô thị. Từ 1975 đến 2004, ông tham gia vào nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới về tư vấn, kinh tế (SAMA METRA Internationnal), thiết bị giao thông và điện lực (Alstom), nước lọc và nước thải (Suer), dầu khí (WahSeong)… từ vị trí kỹ sư đến tổng giám đốc và chủ tịch.

Từ năm 1986 đến 2004, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân nước ngoài biết đến ông như một trí tuệ sắc sảo, nhạy bén và linh động. Ông đã thương thuyết những dự án rất lớn về điện lực cũng như đường sắt cao tốc.

Trong sự nghiệp của mình, ông đã mang về cho nước Pháp hơn 60 tỷ USD dự án. Ông được bổ nhiệm Cố vấn chính phủ Pháp về thương mại quốc tế từ 1990. Tổng thống Pháp đã phong ông làm Hiệp sĩ Đài ghi công năm 1990 và Hiệp sĩ Bắc đẩu bội tinh năm 2006.

Tác phẩm “Một đời thương thuyết” và “Một đời quản trị” của ông gói gém gần như trọn vẹn kinh nghiệm trong nghề quản trị và nghiệp thương thuyết của một Cố vấn thương mại quốc tế chính phủ Pháp. Được viết từ trải nghiệm xương máu của một người thường xuyên xông pha trận mạc, những thực tế trải nghiệm đắt giá giúp doanh nhân như được sống thực sự trong những câu chuyện thương thuyết và quản trị đầy thú vị của một người Việt tài danh trên trường quốc tế.

Trở về nước tham gia giảng dạy tại các trường đại học hoàn toàn miễn phí, nhằm giúp cho giới trẻ Việt Nam một tư duy hệ thống, ông còn là thành viên sáng lập CLB Khởi nghiệp Nông nghiệp Việt Nam với 59.395 thành viên.