Khi doanh nhân trăn trở chuyện dạy con

Đặng Hoa - 09:03, 22/09/2020

TheLEADERBên cạnh những câu chuyện chuyển giao kế nghiệp thành công tại các doanh nghiệp gia đình có tuổi đời lâu năm thì việc nuôi dạy con nhỏ sao cho hiệu quả vẫn còn là mối trăn trở lớn của nhiều bố mẹ trẻ làm kinh doanh.

Sống trong một xã hội ngày càng hiện đại và hội nhập, tư duy “ổn định sự nghiệp mới yên bề gia thất” ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ nhiều năm qua. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 25,2 tuổi, tăng 0,7 tuổi so với mười năm trước, trong đó nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,1 năm (tương ứng là 27,2 tuổi và 23,1 tuổi).

Đặc biệt, với những người làm kinh doanh và đặc biệt hơn nữa là với các nam doanh nhân, việc kết hôn, có con ở tuổi U40, thậm chí muộn hơn cũng không phải chuyện lạ. Khi đã quá sành sỏi trên thương trường thì các doanh nhân lại gặp phải một vướng mắc là kinh nghiệm nuôi dạy con còn quá ít ỏi.

Ngoài việc là một người làm kinh doanh, làm về chiến lược, anh Đoàn Đức Thuận, Phó tổng giám đốc phụ trách chiến lược và marketing của Công ty CP Thời trang Kowil (Tập đoàn Phú Thái) còn là một ông bố ở tuổi 40 với nhiều trăn trở khi đứa con đầu lòng của anh chỉ mới chớm 1 tuổi.

Trong rất nhiều câu hỏi mà anh vẫn thường đặt ra, nổi bật lên vẫn là thắc mắc “phải làm gì trong khoảng thời gian ngắn ngủi dành cho con"? Chức vụ trong tổ chức càng cao, trách nhiệm càng lớn và công việc càng nhiều. 

Đó là lý do mà anh Thuận cùng rất nhiều người khác thường xuyên gặp cảnh sáng sớm đi làm con vẫn chưa ngủ dậy, tối về muộn con đã vào giấc ngủ ngon.

Vào thời điểm chị Nguyễn Chi Mai, nhà sáng lập trường mầm non Bibihome lần đầu tiên có em bé cũng là lúc chị đã có cho mình tám năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển hệ thống, đã đọc rất nhiều sách và nghiên cứu rất kỹ các phương pháp giảng dạy trẻ con.

Nhưng chị Mai cho biết, việc nuôi con trên thực tế khác hẳn so với những suy nghĩ ban đầu và cũng khác xa so với những lý thuyết trong sách vở. Vấn đề của chị, trái ngược với anh Thuận, là gặp con hàng ngày ở trên trường nên làm sao để con nghe và tương tác với con hiệu quả là điều không dễ dàng. 

Hơn nữa, khi các phụ huynh có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều phương pháp, hậu quả là không biết phải chọn phương pháp nào.

Khi doanh nhân trăn trở chuyện dạy con
Anh Đoàn Đức Thuận, Phó tổng giám đốc phụ trách chiến lược và marketing của Công ty CP Thời trang Kowil và chị Nguyễn Chi Mai, nhà sáng lập trường mầm non Bibihome

Nuôi dạy con thế nào cho đúng?

Cuốn hồi ký “Khúc chiến ca của mẹ hổ” của bà mẹ 49 tuổi Amy Chua, giảng viên trường Luật Yale (Mỹ) vốn sinh ra trong một dòng dõi thành danh, đã từng đã làm rúng động và gây ra những cuộc tranh cãi kịch liệt về phương pháp dạy con theo cách “khổ luyện” của chị. Ngay cả những kì nghỉ của gia đình ở nước ngoài, chị cũng đều tìm thuê địa điểm tập đàn để con không bỏ lỡ dù chỉ một ngày.

Đây cũng là một trong hai trường phái được các chuyên gia và doanh nhân đưa ra trong buổi toạ đàm “Doanh nhân và cách dạy con” do Like A Tree tổ chức. Theo đó, trường phái thứ nhất là bố mẹ dụng công dành thời gian để kèm cặp, uốn nắn con cái từ bé. Trường phái thứ hai lại cho rằng phải dựa vào hai chữ yêu thương và tự do, tuân theo sự phát triển tự nhiên của con.

Cũng chính vì vậy mà nhiều người cho rằng cách dạy con của Amy Chua quá hà khắc và tàn nhẫn, trong khi số còn lại ủng hộ và cho rằng đó là sự tận tâm, hết lòng thấu hiểu của một người làm mẹ.

Anh Thuận hình dung, nuôi đứa trẻ cũng tương tự như nuôi một cái cây, phải phù hợp với môi trường, phải có điều kiện riêng, không thể ép cây lớn nhanh, có hoa đẹp và quả mọng bởi lẽ không có gì là hoàn hảo. Dù vậy, một cây bonsai rất đẹp cũng cần đến sự uốn nắn, can thiệp nhất định. Anh cho rằng nên có sự can thiệp vào sự phát triển của con nhưng ở một mức độ phù hợp với từng đứa trẻ, phải tôn trọng sự phát triển của các con.

Theo anh Kim Ngọc Minh, nhà sáng lập của Toppy.vn, phụ huynh có thể áp dụng những phương pháp nuôi dạy con khác nhau nhưng “dĩ bất biến ứng vạn biến”, cần lắng nghe liên tục và phản hồi theo đúng năng lực và nhu cầu của con.

Chị Trần Thuỳ Linh, đồng sáng lập hệ thống mầm non American Montessori School Amss hiện là một bà mẹ ở độ tuổi đầu 9X với 3 con nhỏ cũng nhận định, không có phương pháp đúng hay sai mà là có phù hợp với lối sống gia đình cũng như với tính cách của bố mẹ và con trẻ hay không.

Theo các chuyên gia, bố mẹ nào mà chẳng thương con. Để đưa ra quyết định chọn phương pháp "hà khắc và tàn nhẫn", hay một phương pháp được nhận định là quá thả lỏng cũng là cả một quá trình đấu tranh của những người làm bố, làm mẹ. 

Nhưng điều quan trọng là cuối cùng, họ muốn con mình thành danh như và thậm chí là hơn bố mẹ, hay chỉ cần con được hạnh phúc. Cả hai lựa chọn đều tốt cho con, theo quan điểm của mỗi người.

Câu chuyện về nuôi dạy con của chị Amy Chua là cuộc đấu tranh trong nội tâm rất quyết liệt của người phụ nữ gốc Á, phải xung khắc với quan điểm của chồng, mẹ chồng, bố mẹ đẻ và bạn bè của chị là những người dường như có quan điểm nhẹ nhàng, tôn trọng quyền tự do, không kỳ vọng quá ở con cái. Chị cô đơn trên con đường mình chọn. Hơn thế nữa, trong khi cô con gái cả tỏ ra dễ bảo và đạt được những gì chị Amy mong muốn, cô con gái thứ lại là mẫu “nổi loạn”, thường xuyên “bật lại” cách dạy kiểu “ép” của mẹ.

Anh Khôi, một doanh nhân ở Hà Nội, đã chia sẻ trong sự kiện của Like A Tree rằng, anh đang gặp một vấn đề khá lớn khi nuôi dạy đứa con sinh năm 1998 của mình. Cả hai vợ chồng đều làm kinh doanh nhưng lại không cùng nhịp trong cách dạy con nên kết quả đến nay không được như anh kỳ vọng. Quan điểm của vợ anh chỉ tóm gọn trong câu “không thích thì không ép” trong khi quan điểm của anh hoàn toàn ngược lại.

Theo các chuyên gia, việc đồng thuận giữa bố và mẹ trong cách dạy con đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, chị Mai cho rằng, yêu thương con là tốt nhưng phải yêu bằng lý trí, cho con tự do nhưng không có nghĩa là bỏ mặc hoặc lấy cớ để nguỵ biện cho sự bỏ mặc hoặc không đủ thời gian chăm sóc con của mình.

Dành thời gian cho con như thế nào?

“Tôi từng có ý định nghỉ làm một năm để nuôi dạy con, để cho cây lớn vì nếu kiếm tiền mà để cây hư thì kiếm tiền để làm gì”, Phó tổng giám đốc của Kowil tiết lộ.

Quả thật, mỗi người chỉ có quỹ thời gian 24 giờ mỗi ngày, công việc của một doanh nhân lại quá nhiều nên việc sắp xếp dành thời gian cho con cũng được nhiều vị phụ huynh tính toán từng li, từng tí.

Do vợ chồng chị Linh quá bận rộn với doanh nghiệp của mỗi người sáng lập nên sẽ chú trọng vào chất lượng thay vì thời lượng, dành trọn mỗi khoảnh khắc hạnh phúc bên con. Những lúc chị đưa con đi học hay đón con về, chị đều tranh thủ trò chuyện cùng con. Xác định không thể gia tăng thời gian cho con bằng việc giảm bớt khối lượng công việc hiện tại, chị tìm cách tối ưu thời gian của từng công việc để được bên con nhiều hơn.

Khi doanh nhân trăn trở chuyện dạy con 2
Chị Trần Thuỳ Linh, đồng sáng lập Hệ thống mầm non American Montessori School Amss

Chị Linh cũng coi các thành viên khác trong gia đình như người giúp việc, chồng chị hay bố mẹ chị là “đội ngũ kế cận” trong việc dạy con. Chị tiếp xúc nhiều với họ để họ biết cách và thấm nhuần cũng như thống nhất trong cách thức nuôi lớn con trẻ.

Là một người mẹ có con mắc chứng tự kỷ ở độ tuổi 14, chị Vũ Hạnh Hoa, đồng sáng lập Like A Tree cũng đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể song hành cùng con. 

Khi đi hỏi về việc làm thế nào để thời gian bên con luôn hiệu quả do có quá ít thời gian, chị từng được chia sẻ rằng: “Đừng câu nệ là lúc ở với con thì dạy điều gì, đầu tiên phải có thời gian với con đã, ở với con thì phải vui, chỉ cần em vui thì có nhiều thứ được tạo ra niềm vui đó”.

Theo chị Hoa, trẻ con rất nhạy cảm với cảm xúc. Sức khoẻ tinh thần ảnh hưởng đến công việc, hạnh phúc gia đình và sức khoẻ bản thân. Trên hành trình phát triển sức khỏe tinh thần cho chính mình để giảm bớt căng thẳng và hạnh phúc, an yên từ trong tâm, dù chị Hoa có ít thời gian dành cho con nhưng những cơn bùng nổ của con với gia đình đã giảm bớt đáng kể.

Đáng chú ý, việc tham gia vui chơi cùng con không những là cách giúp con trẻ phát triển tốt mà còn là một cách để bố mẹ giảm căng thẳng cho chính mình sau những bộn bề công việc ở công ty.

Lời khuyên cho các ông bố, bà mẹ quá bận rộn

Dù là doanh nhân, làm công sở hay nội trợ thì bố mẹ nào cũng hiểu rằng dành thời gian cho con là điều nên làm và rất quan trọng. Tuy nhiên, dường như 24 giờ một ngày luôn không đủ, bố mẹ luôn cảm thấy quá bận rộn và quên mất hoặc thiếu thời gian bên con cái. Theo Like A Tree, có 3 điều những ông bố, bà mẹ bận rộn nên cân nhắc.

Thứ nhất, hãy chọn ra điều thực sự quan trọng. Ai cũng được dạy rất nhiều về việc đặt mục tiêu trong công việc để có thể theo sát và hoàn thành nhưng không nhiều người nghĩ đến việc đặt mục tiêu cho chính cuộc sống của mình và chọn ra điều gì thực sự quan trọng.

Nhiều bậc phụ huynh vẫn luôn nói rằng con là điều quan trọng nhất, luôn làm mọi thứ vì con nhưng thực thế hành động lại chưa phải như vậy. Like a Tree cho rằng, điều đầu tiên và quan trọng nhất để có thể dành thời gian cho con là cần phải thực sự cảm nhận, suy nghĩ và đồng nhất mọi hành động để thực sự coi con là quan trọng nhất.

Khi con cái là mục tiêu lớn nhất và quan trọng nhất của cuộc đời cha mẹ, một cách thực sự, luôn ghi nhớ và dùng làm thước đo trong mọi chọn lựa thì cha mẹ thực sự sẽ bắt đầu tìm được cách để dàh thời gian cho con mình.

Khi doanh nhân trăn trở chuyện dạy con 3
Dù là doanh nhân, dân công sở hay người nội trợ, bố mẹ nào cũng hiểu rằng dành thời gian cho con là điều nên làm và rất quan trọng.

Thứ hai, bắt đầu từ những hành vi nhỏ. Bố mẹ hãy hành động thay vì chỉ hứa suông. Trẻ con sẽ nhớ nhất những kỷ niệm cùng bố mẹ, khi bố mẹ dành thời gian cho con và quan trọng là con cảm thấy rất vui khi được bố mẹ quan tâm chú ý đến. Thay vì hứa nhiều, hứa xa mà không thể thực hiện được, phụ huynh chỉ cần lên lịch mỗi tuần 1-2 lần làm việc gì đó với con, dành thời gian chất lượng cho con.

Bố mẹ hãy tạo sự bất ngờ. Chỉ đơn giản là thay đổi cỗ máy thường ngày một chút , đừng để cuộc sống cuốn theo guồng lặp đi lặp lại. Bất ngờ mua cho con sưu tập mà con ao ước, không cần vào dịp gì cả. Thay vì cuối tuần cả nhà hay đi ăn cùng nhau, rồi đi cà phê thì có thể tổ chức buổi cắm trại tại nhà ai đó. Bình thường bố hay đi làm về muộn cũng có thể bất ngờ đón con ở trường và chở con đi ăn hàng, hỏi thăm việc học của con.

Từng chút thay đổi, chỉ tốn ít thời gian cũng có thể làm cho hoạt động mỗi ngày trở nên đặc biệt.

Thứ ba, để con xuất hiện trong các công việc của mình. Dạy con cách quét nhà, sử dụng máy giặt, cách phơi đồ, gấp đồ xinh xắn, rửa chén, nấu cơm. Bố mẹ luôn khen ngợi con cho những kết quả con tạo ra và không gò ép các tiêu chuẩn cho con, không chỉ là dạy con kỹ năng sống mà là chia sẻ công việc cùng ba mẹ. Điều quan trọng nhất là sự chia sẻ.

Mở một danh sách nhạc tạo không khí tươi vui cho khoảng thời gian vui vẻ cùng con và hành động như con để giảm rào cản thế hệ. Nhân tiện hỏi thăm việc học, chuyện bạn bè trong lúc cùng nhau làm việc. Tâm lý con sẽ cởi mở hơn khi đang làm việc nhà hoặc cùng chơi gì đó hơn là ngồi xuống và nói chuyện một cách nghiêm túc.

Ngoài ra, hãy xem việc tập thể thao như một hoạt động thường xuyên của gia đình. Không chỉ với mục đích tối đa thời gian bên con việc kết hợp tập thể dục và thời gian dành cho gia đình, bố mẹ còn dạy con sống khỏe mạnh, lối sống linh hoạt, nhanh nhẹn.

Đáng chú ý, hãy sắp xếp đưa con đến chỗ làm một lần mỗi tuần và cho con giúp đỡ trong chính công việc hàng ngày của bố mẹ như lấy công cụ, lấy tài liệu, phụ việc… để con thấy rằng con được đồng hành cùng bố mẹ và cảm thấy là người trưởng thành. 

Bằng cách này, các vị phụ huynh cũng sẽ mở rộng được quỹ thời gian cho con và nhận được năng lượng tuyệt vời từ con để giảm căng thẳng trong công việc. Việc xuất hiện của con giúp bản thân bố mẹ nhớ được điều gì là quan trọng trong cuộc sống và dịch chuyển tâm thế khi làm việc thay vì bị lôi kéo cuốn theo những tham vọng.