'Không nên coi nhân công giá rẻ là lợi thế để mang ra đàm phán'

Tô Lan - 08:14, 17/04/2019

TheLEADERTrong bối cảnh lương cơ bản của công nhân dệt may đang ở mức rất thấp, nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp ngành này nên đàm phán tăng chi phí nhân công trong thương lượng với đối tác.

Chi phí nhân công rẻ mạt 

Chính phủ trong những năm qua có nhiều nỗ lực để tăng lương tối thiểu hàng năm. Tuy nhiên chiến lược duy trì mức lương thấp vẫn được thực hiện, lương tối thiểu không thể đảm bảo mức sống cho hàng triệu công nhân lao động ngành dệt may. 

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp, tiền lương không đủ sống dẫn đến các hệ lụy như 31% công nhân dệt may không tiết kiệm được gì từ tiền lương, 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân để bù lấp chi tiêu và 53% không đủ tiền trang trải các chi phí thuốc men, khám chữa bệnh. 

Mức lương thấp đang ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động và gây ra nhiều hệ lụy tới đời sống kinh tế xã hội. Vì vậy đã đến lúc các doanh nghiệp may mặc ngừng việc coi chi phí nhân công thấp là lợi thế để thu hút đầu tư.

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đưa ra lý do vì sao nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn chưa có đủ khả năng tăng mức lương cho công nhân hiện nay: “Hầu hết doanh nghiệp may mặc Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu nhận gia công cho các nhãn hàng. Đơn giá gia công thấp và chi phí nhân công chiếm tỉ trọng rất nhỏ thậm chí chưa được đề cập đến trong đơn giá. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhiều doanh nghiệp không thể nâng đơn giá mà còn bị nhãn hàng ép giá”.

Doanh nghiệp dệt may không nên coi nhân công giá rẻ là lợi thế
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam

Có cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam cho rằng: “Trong chuỗi cung ứng của ngành dệt may, các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia ở công đoạn có giá trị thấp nhất. Một phần là bởi trình độ và kỹ năng của công nhân Việt Nam còn kém, một phần bởi dây chuyền sản xuất chưa áp dụng các tiến bộ công nghệ mới, chưa thể tham gia vào công đoạn tạo năng suất cao hơn trong chuỗi dệt may.

Điều đó khiến cho năng suất lao động kém, giá trị sản phẩm thấp, đẩy người chủ doanh nghiệp đến thế khó khi mức giá gia công bị nhãn hàng chèn ép”.

Làm rõ hơn về việc các nhãn hàng chưa quan tâm tới mức lương của người lao động tại các doanh nghiệp gia công, bà Annabel Meurs - Quản lý chương trình Việt Nam của Fair Wear Foundation (Quỹ May mặc bình đẳng) cho rằng hai yếu tố gây ảnh hưởng lớn nhất là doanh nghiệp Việt chưa đủ năng lực để sản xuất ở những công đoạn mà nhãn hàng có thể nâng mức giá nhân công và những đàm phán thương lượng trực tiếp về lương giữa nhãn hàng, doanh nghiệp với công đoàn chưa hề phát triển. Trách nhiệm xã hội của nhiều nhãn hàng còn chưa được nâng cao khiến chi phí lao động không được đưa vào trong quá trình đàm phán về giá. 

Bà Annabel Meurs cũng khẳng định đây là vấn đề của toàn chuỗi cung ứng, cần sự hỗ trợ từ chính phủ các nước chứ riêng doanh nghiệp sản xuất thì không thể thay đổi được.

Trong khi đó, TS. Tống Thị Minh, nguyên Cục trưởng Cục Quan hệ lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), chuyên viên cao cấp lĩnh vực lao động - tiền lương lại cho rằng cái khó trong quá trình đàm phán nâng chi phí nhân công của các doanh nghiệp là ở chỗ doanh nghiệp Việt mới chỉ đang gia công cấp 3, cấp 4, có ít hoặc không có liên hệ trực tiếp với các nhãn hàng nước ngoài mà còn qua các doanh nghiệp hay đầu mối trung gian khác.

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tại 28.000 doanh nghiệp được khảo sát chỉ có 34% báo cáo lao động tập thể của các doanh nghiệp này thương lượng có lợi về tiền lương cho công nhân. Do đó những đối thoại thương lượng bình đẳng với nhãn hàng, với bên trung gian cần được thúc đẩy để doanh nghiệp có đủ điều kiện và cơ sở trả lương cao hơn cho người lao động.

Đâu là giải pháp?

Nói về giải pháp ngắn hạn để cải thiện mức lương cho công nhân, ông Lê Đình Quảng cho rằng cần nâng cao vai trò của công đoàn trong việc tạo ra những thỏa thuận bình đẳng, các cuộc đối thoại chia sẻ giữa công nhân và doanh nghiệp về vấn đề tiền lương. 

Để có bảng lương đáp ứng được sự kỳ vọng của người lao động thì vai trò của công đoàn trong quá trình thương lượng phải được nâng lên. Chừng nào công đoàn chưa phát huy hết năng lực thì thang bảng lương vẫn phụ thuộc phần lớn vào định mức từ chủ doanh nghiệp và nhãn hàng.

Ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta ngừng lấy nhân công giá rẻ để thu hút đầu tư và đàm phán hợp đồng. Lương tối thiểu vùng là mức sàn chung, nhưng cũng rất cần để nâng lương cho người lao động. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị thực hiện nội dung theo Nghị quyết 27 của Chính phủ, đến năm 2020, mức lương tối thiểu phải đạt được mức sống tối thiểu cho công nhân”.

Vấn đề lương thấp không phải là vấn đề mới được đưa vào thảo luận. Đặt Việt Nam trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ thấy rằng đây không phải vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam có thể giải quyết và cần đến trách nhiệm xã hội của các nhãn hàng, sự trợ giúp từ chính phủ.

Chia sẻ với TheLEADER, ông Lê Đình Quảng bày tỏ kỳ vọng: "Về lâu dài việc tham gia vào các Hiệp định tự do thương mại (FTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mang lại nhiều thuận lợi để các doanh nghiệp may Việt Nam được nhãn hàng chia sẻ trách nhiệm và có nhiều cơ hội để đàm phán tăng lương”.

Về tầm nhìn lâu dài, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần bứt ra khỏi vị trí gia công đơn thuần như hiện tại, phải tiến vào những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng. Khi doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn thì cũng là lúc doanh nghiệp mới có khả năng để cải thiện tiền lương và đời sống của công nhân may mặc.

Hiệp định CPTPP đặt ra quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi đối với hàng dệt may, đòi hỏi doanh nghiệp may mặc phải có được nguồn vải sản xuất tại Việt Nam, nếu không, họ có nguy cơ đứng ngoài cuộc chơi hoặc mãi gia công với chi phí nhân công rẻ mạt. 

Tham gia vào CPTPP chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiến đến công đoạn tạo ra giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng dệt may, từ đó nâng cao mức lương cho người lao động.