Khung pháp lý về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Hường Hoàng - 10:34, 22/07/2022

TheLEADERKinh tế tuần hoàn (KTTH) là một trong những vấn đề mới và nóng được Việt Nam quan tâm đẩy mạnh trong những năm gần đây. Năm 2020, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên thuộc ASEAN thể chế hóa vấn đề kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT).

Khung pháp lý về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Việt Nam đang thúc đẩy việc áp dụng kinh tế tuần hoàn (Ảnh: Youmatter)

Trong thời gian tới, Việt Nam đang dự định sẽ xây dựng một bộ luật riêng về kinh tế tuần hoàn. Vậy, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được xây dựng dựa trên những nền tảng về nhận thức, thực tiễn và pháp lý như thế nào?

Nhận thức về KTTH

Tại Diễn đàn kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022, TS. Mai Thế Toản (Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách TN&MT), cho biết, KTTH là vấn đề mới, chính vì vậy khi xây dựng chính sách về KTTH, Việt Nam phải phản ánh được những đặc trưng của vấn đề này, sao cho phù hợp với cả kinh nghiệm quốc tế và thể chế của Việt Nam. Dưới đây là một số điểm Việt Nam cần lưu ý khi thể chế hóa quy định về KTTH.

Trước tiên, kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế. Mô hình đó được xây dựng dựa trên nguyên lý “mọi thứ đều là đầu của một thứ khác”, rất khác biệt với mô hình kinh tế tuyến tính (tài nguyên được sản xuất thành sản phẩm, và sau khi được sử dụng thì bị coi như chất thải). KTTH không chỉ đơn thuần là hoạt động quản lý chất thải, tận dụng chất thải, KTTH hướng đến hiệu quả tài nguyên, kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm chất thải và tác động xấu đến môi trường.

KTTH có thể được xem xét ở nhiều cấp độ khác nhau, từ cấp vĩ mô (một quốc gia, một vùng), cấp độ trung gian (theo khu vực) đến cấp độ vi mô (theo từng doanh nghiệp, từng cơ sở kinh doanh cụ thể, từng sản phẩm). Lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội là những động lực chính để thúc đẩy áp dụng KTTH. Việc áp dụng KTTH vào quá trình quản trị ở các cấp cũng sẽ góp phần hình thành những mô hình kinh doanh mới theo hướng của KTTH.

KTTH đòi hỏi người áp dụng phải có tư duy hệ thống để thiết kế hoạt động phát triển kinh tế, từ đó mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, xã hội và môi trường; từ đó thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo. Thực hiện KTTH cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ khu vực nhà nước, doanh nghiệp sản xuất cho đến người tiêu dùng, người thu gom rác... Trong số đó, khu vực công đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo và thúc đẩy các vòng lặp tuần hoàn, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong áp dụng KTTH.

Khung pháp lý về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Tính hệ thống trong hình thành hệ sinh thái tuần hoàn (Ảnh: Bettina, 2020)

Để thể chế hóa một cách hiệu quả, các quy định, chính sách về kinh tế thị trường cần tôn trọng những nguyên tắc của kinh tế thị trường. Việc thiết kế các quy định pháp luật về KTTH phải xem xét đầy đủ những yếu tố về thể chế, chính sách, cơ sở hạ tầng, sự phát triển của khoa học và công nghệ, văn hóa, ý thức và hành vi... để tránh được những rào cản trong việc thực hiện KTTH.

Cùng với đó, những quy định về KTTH cần tạo không gian để kích thích sự đổi mới, sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội, từ đó phát huy vai trò và đặc trưng riêng của từng ngành, từng lĩnh vực và địa phương trong áp dụng KTTH.

Thực tiễn KTTH ở Việt Nam

Thực tiễn cho thấy, Việt Nam chưa có những mô hình mang đầy đủ nội hàm của KTTH, nhưng xét theo mục tiêu, nội dung thì chúng ta đã có những mô hình kinh doanh mang biểu hiện của các mô hình đó. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, Việt Nam đã và đang sử dụng các mô hình VAC, mô hình VACR; mô hình thu gom phế phẩm nông nghiệp như thân các loại cây, rơm, vỏ trấu; mô hình bioaquatic trong nuôi trồng thủy sản. Trong khai khoáng, Việt Nam đã thiết kế nhiều dự án khai thác mỏ để sử dụng hiệu quả chất thải từ quá trình khai thác, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường…

Nhìn chung, ở Việt Nam, các ngành, lĩnh vực, các địa phương đều có những khía cạnh đã, đang và có thể ứng dụng nguyên tắc của KTTH. Các tác nhân quan trọng trong các mắt xích KTTH đầu tiên phải kể đến các ngành, các công ty cung cấp dịch vụ môi trường, các cơ sở, làng nghề thu gom, tái chế, cho đến những cửa hàng buôn bán, trao đổi đồ cũ…

Vì vậy, cần có những chính sách để thúc đẩy mạnh mẽ những tác nhân đó tham gia sâu, khuyến khích các sáng kiến, mô hình đã, đang và sẽ áp dụng các giải pháp thực hiện KTTH. Cùng với đó, để có thể thực hiện KTTH hiệu quả, KTTH cần được tiếp cận một cách có hệ thống với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của tất cả các bên. Chính vì vậy, pháp luật cần có những quy định rõ ràng để xác định trách nhiệm của các các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện KTTH.

KTTH trong Hệ thống pháp luật

Trong quá trình nghiên cứu, đề xuất nội dung về KTTH trong Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm 2021 - 2030; Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, quy định pháp luật về KTTH cũng được nghiên cứu và thể chế hóa thành quy định trong Luật BVMT năm 2020.

Tại khoản 11 Điều 5 của Luật BVMT năm 2020, chính sách của Nhà nước về BVMT khẳng định rằng, cần “lồng ghép, thúc đẩy các mô hình KTTH, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển KT- XH”.

Tiếp đó, tại Điều 142 của Luật có quy định riêng về KTTH. Theo đó, KTTH ở Việt Nam được xác định “là mô hình kinh tế, trong đó có các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

Ngoài khái niệm về KTTH, Luật cũng đưa ra trách nhiệm cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện “lồng ghép KTTH ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải”; “cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện các biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.

Đặc biệt, Luật giao Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH phù hợp với điều kiện KT - XH của đất nước.

Điều 138, 139, 140 trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng giúp chúng ta làm rõ về ba tiêu chí lớn của KTTH. Thứ nhất, cần sử dụng tiết kiệm và hợp lý các loại tài nguyên. Thứ hai, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần chú ý đến việc kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, cấu kiện khi áp dụng KTTH. Và cuối cùng, các mô hình KTTH cần giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường, chẳng hạn như giảm chất thải, chất ô nhiễm; giảm mức độ suy thoái của hệ sinh thái…

Trong khi đó, điều 143 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP lần đầu tiên đưa ra quy định về những chính sách đầu tư, ưu đãi và khuyến khích của nhà nước trong hoạt động thực thi KTTH. Cụ thể, nhà nước sẽ đầu tư vào những hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực để thực hiện kinh tế tuần hoàn; cung cấp nền tảng chia sẻ thông tin, dữ liệu về kinh tế tuần hoàn.

Vào thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế và vốn. Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn thông qua tín dụng xanh và trái phiếu xanh, cũng như được cấp bảo lãnh tín dụng để vay vốn.

Ngoài ra, nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích những hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ; cung cấp dịch vụ, phát triển thị trường; huy động nguồn lực; hợp tác, trao đổi kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm về kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Toản, khi so sánh với các quốc gia điển hình trên thế giới về KTTH như Trung Quốc, Khối Liên minh châu Âu, có thể thấy Việt Nam đã xây dựng được nền tảng chính sách, pháp lý khá đầy đủ để thúc đẩy KTTH theo các ngành, lĩnh vực và khu vực khác nhau, chẳng hạn trong các hoạt động: phân loại chất thải tại nguồn; mua sắm công xanh (GPP); mở rộng trách nghiệm của nhà sản xuất (EPR); thúc đẩy các thị trường tái chế; các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ; phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, mua sắm xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh...