Kiếm tỷ đô từ thị trường carbon

Hoàng Đông - 15:50, 29/11/2023

TheLEADERViệt Nam có cơ hội kiếm hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ USD từ thị trường carbon nếu sớm đưa thị trường này vào vận hành một cách bài bản và minh bạch

“Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển thị trường carbon dựa trên các dự án bảo vệ rừng, sử dụng đất hiệu quả và nông nghiệp phát thải thấp” là lời nhận xét của bà Natalia Rialucky Marsudi, CEO của FairAtmos, một công ty công nghệ khí hậu hàng đầu tại Indonesia.

Đây chính là lý do để doanh nghiệp này triển khai hoạt động hợp tác với nhiều đối tác tại Việt Nam nhằm cung ứng những giải pháp dựa trên công nghệ cao, giúp doanh nghiệp khai thác tối đa tiềm năng tạo và thương mại hóa tín chỉ carbon.

Nhận xét của lãnh đạo FairAtmos không phải là thiếu cơ sở, bởi theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Việt Nam có khả năng cung cấp khoảng 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm từ rừng, tương đương với khoảng 300 triệu USD mỗi năm nếu tính theo mức giá tối thiểu là 5 USD/tín chỉ.

Còn trong lĩnh vực nông nghiệp phát thải thấp, cũng theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoảng 50 – 100 triệu USD mỗi năm là khoản tiền có được nếu bán tín chỉ từ diện tích lúa thuộc đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tính theo đơn giá khoảng 5 – 10 USD/tín chỉ.

Những con số trên có thể sẽ lớn hơn rất nhiều nếu tạo ra được tín chỉ carbon giá trị cao, giá cao nhất khoảng 167 USD/tín chỉ. Nói cách khác, nguồn tài chính xanh khổng lồ sẽ được bổ sung vào bức tranh chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững nếu tận dụng được cơ hội từ thị trường carbon.

Không chỉ có giá trị cao, nguồn tài chính này còn có nhiều tiềm năng được duy trì trong dài hạn. Theo tính toán của Tổ chức nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế, khoảng 60% dự án tạo tín chỉ carbon được khởi động từ thập niên 90 thế kỷ trước vẫn được khai thác cho đến tận ngày nay.

TS. Bùi Đức Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết, thị trường tín chỉ carbon là giải pháp tài chính xanh quan trọng, đang được triển khai rất sôi nổi trên thế giới.

Ông Hiếu nhìn nhận, Việt Nam là quốc gia có độ mở lớn, do đó xu thế quốc tế là giảm phát thải, xanh hóa sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, vận hành thị trường tín chỉ carbon là bước đi quan trọng bổ sung nguồn lực cho doanh nghiệp, giúp Việt Nam không bị tụt hậu so với thế giới.

Tuy nhiên, việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon không phải là điều đơn giản đối với doanh nghiệp Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết, ngành gỗ có nhiều tiềm năng tạo ra phát thải âm, thu về tín chỉ carbon nhưng chưa có chính sách, chưa được hướng dẫn cụ thể nên không biết phải làm như thế nào.

Dưới sức ép thực thi cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM) của thị trường EU, một số doanh nghiệp rất mong muốn được mua tín chỉ carbon nhưng đang không biết phải mua ở đâu, giao dịch bằng hình thức nào. Như vậy, cả người bán và người mua đều đang rất mơ hồ đối với thị trường đầy tiềm năng này.

Trước băn khoăn của cộng đồng doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, cho biết, dự kiến, giai đoạn 2025 – 2027, sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được triển khai thí điểm, tiến đến vận hành chính thức vào năm 2028.

Ông Thọ gợi ý, trong lúc chờ đợi các chính sách về tín chỉ carbon được hoàn thiện, doanh nghiệp có thể nhờ đến sự tư vấn, hỗ trợ từ các đơn vị quốc tế để xây dựng hệ thống kiểm kê và giải pháp giảm phát thải minh bạch, tạo tiền đề tham gia vào thị trường carbon.