Phát triển bền vững

Nâng tầm nông sản Việt

Kiều Mai Thứ ba, 22/10/2024 - 14:11

Nhiều doanh nghiệp không chỉ dám đối mặt với khó khăn mà còn tiên phong trong nông nghiệp công nghệ cao, góp phần chuyển mình cho nền nông nghiệp quốc gia.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, sự quyết tâm và lòng dũng cảm của nhiều doanh nhân đã giúp nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản Việt, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho nông nghiệp bền vững.

Nông nghiệp công nghệ cao - xu hướng tất yếu

Vào giữa tháng 9, Công ty Nông nghiệp BAF Việt Nam công bố hợp tác chiến lược với Tập đoàn Chăn nuôi – Thực phẩm Muyuan của Trung Quốc. Hợp tác này không chỉ giúp BAF Việt Nam nâng cấp quy trình quản lý chăn nuôi mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, mở ra con đường cho phát triển bền vững. Đặc biệt, BAF Việt Nam đã đặt mục tiêu sản xuất 10 triệu con heo thương phẩm vào năm 2030.

Xu hướng chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp công nghệ cao không chỉ xuất hiện ở BAF Việt Nam. Các tập đoàn lớn TH, Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, WinEco cũng đang đi theo con đường này.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, công nghệ số đang không ngừng thay đổi ngành nông nghiệp toàn cầu, yêu cầu ngành nông nghiệp phải áp dụng các giải pháp công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Nông nghiệp công nghệ cao đã được nhắc đến lần đầu trong Luật Công nghệ cao 2008, tiếp theo là nhiều chính sách và chương trình phát triển. Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững 2021 – 2030 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp công nghệ cao như một trong những giải pháp chính để nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp là rất cần thiết trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, như xung đột địa chính trị, tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thu hẹp diện tích canh tác, trái đất nóng lên, xâm nhập mặn.

Điều này càng quan trọng khi ngành nông nghiệp Việt Nam có chủ thể là hàng chục triệu nông dân với quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, năng suất lao động thấp, dễ tổn thương và chịu nhiều tác động của sự phát triển như vũ bão của các ngành công nghiệp.

Ngành nông nghiệp phải áp dụng các giải pháp công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ảnh: Hoàng Anh

Nhiều doanh nhân dấn thân và dẫn dắt

Những năm qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, góp phần xây dựng tương lai ngày càng rạng rỡ của ngành nông nghiệp Việt không chỉ trong nước mà còn trên bản đồ thế giới.

Đơn cử, tháng 5/2024, Tập đoàn TH – một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành sữa của Việt Nam – đã khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa sữa tại Viễn Đông, Liên bang Nga. Đây là dấu mốc quan trọng trong kế hoạch về tổ hợp dự án sữa của TH tại Nga, tiếp sau thành công tại tỉnh Kaluga và tỉnh Moscow.

Sau nhiều năm kiên định với sữa sạch, doanh nghiệp của doanh nhân Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH, đã chứng minh những giá trị vượt bậc của ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa song hành cùng mục tiêu phát triển bền vững.

Những kết quả hôm nay đã xóa tan mọi nghi ngờ khi bà quyết định đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi sạch tại Nghĩa Đàn, Nghệ An – một vùng vốn không có lợi thế cạnh tranh để làm trang trại bò quy mô lớn – vào năm 2008. Thậm chí, vào thời điểm đó, Việt Nam cũng chỉ có một vài mô hình chăn nuôi quy mô vừa tại một số địa điểm vốn nổi tiếng về bò sữa như Mộc Châu.

Trải rộng trên tổng diện tích quy hoạch 37.000ha, chỉ hai năm sau khi bắt đầu, dự án chăn bò sữa của Tập đoàn TH đã xác lập kỷ lục “Cụm trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín quy mô lớn nhất thế giới”.

Sau nhiều năm gia nhập thị trường sữa, Tập đoàn TH đã xây dựng thành công thương hiệu sữa tươi sạch, mở rộng dự án sữa ra nhiều tỉnh thành sau Nghệ An như Hà Giang, Cao Bằng, Kon Tum, An Giang.

Công nghệ cao là “chìa khóa vàng” được Tập đoàn TH sử dụng, như chia sẻ của bà Thái Hương tại lễ động thổ dự án tại Cao Bằng cách đây vài năm. Đó là quy trình chăn nuôi, quản lý đàn bò, chuồng trại công nghệ đầu cuối hiện đại.

Những điều này đã giúp Tập đoàn TH mở rộng thị phần trong nước và thậm chí, mang thương hiệu Việt vươn ra thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp chính là người mở cửa cho nông nghiệp VIệt Nam từng bước tiến lên. Ảnh: Hoàng Anh

Không chỉ giúp mở rộng quy mô để tạo ra nguồn lợi lớn hơn, công nghệ cao còn có thể nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ngay cả ở quy mô nhỏ. Cách nghĩ khác này là một trong điều thúc đẩy ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Rynan Holdings, phát triển các giải pháp công nghệ cao hỗ trợ người nông dân.

Trở về nước năm 2004 sau hơn 25 năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài với lợi thế am hiểu khoa học, phát minh và đồng phát minh, sở hữu hàng trăm bằng sáng chế, ông Mỹ xây dựng doanh nghiệp trong ngành in, chuyên về mảng hóa chất và vật liệu cao cấp.

Cuối năm 2015, đầu năm 2016, khi đã chạm ngưỡng 60 tuổi, ông lại tiếp tục cống hiến những sáng kiến khoa học cho ngành nông nghiệp, khởi đầu với trạm phao và trạm quan trắc xâm nhập mặn cho nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, ông còn dẫn dắt dự án hệ thống giám sát côn trùng thông minh được phát triển dựa trên việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát côn trùng cả có lợi và có hại. Các bẫy đèn sẽ sử dụng nhiều đèn LED với nhiều loại ánh sáng khác nhau có khả năng thay đổi theo thời gian và tập tính của từng loại côn trùng. Sau đó, các công nghệ sẽ được sử dụng để nhận dạng và phân tích dữ liệu, thống kê số lượng, mật độ.

Kết quả giúp người nông dân xác định tỷ lệ và biết được có cần phải xịt thuốc cho cây trồng hay không, giảm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Không chỉ vậy, ông cùng các kỹ sư đã nghiên cứu và cho ra đời phương pháp nuôi tôm mới, giúp tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên như đất, nước và năng lượng.

Các giải pháp phân tích và định lượng chất thải hữu cơ thông minh trong nuôi trồng hải sản của Rynan đã từng được vinh danh ở hạng mục Sản phẩm số tiềm năng trong khuôn khổ giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, khi chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, doanh nghiệp đóng vai trò đồng hành, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động.

Mục tiêu của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới càng đòi hỏi sự tham gia và thể hiện vai trò của các doanh nghiệp nhiều hơn. Chính các doanh nghiệp sẽ là những người mở đường để ngành nông nghiệp Việt Nam từng bước tiến lên, khẳng định vị thế trên thế giới và từ đây, mang lại hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho người nông dân, ông Công từng nhấn mạnh tại diễn đàn về phát triển nông nghiệp năm ngoái.

Thách thức vẫn còn nhiều phía trước

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nhiều mô hình sản xuất giá trị kinh tế cao đã xuất hiện trên cả nước, như các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với lúa, trái cây, hoa, chăn nuôi, thủy sản, lâm sản; mô hình cánh đồng lớn; mô hình vườn cây ăn trái tập trung chuyên canh.

Các mô hình này đã đem lại doanh thu bình quân 500 triệu đồng/ha mỗi năm tại Cần Thơ, sản lượng 10.000 tấn hàng năm ở vùng xoài cát Hòa Lộc. Bên cạnh đó, mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh tại Bạc Liêu đã đem lại năng suất 80 tấn/ha/năm, doanh thu 9,2 tỷ đồng/ha, ông Tiến cho biết tại diễn đàn về tái cơ cấu nông nghiệp tổ chức mới đây.

Nhờ vậy, cùng với công tác xúc tiến thương mại, thị trường nông sản Việt Nam không ngừng mở rộng. Xuất khẩu nông sản dần chuyển sang chính ngạch, có mặt trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới.

Năm nay, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sẽ đạt mức 55 – 56 tỷ USD, trong đó, có tới 11 nhóm mặt hàng góp mặt trong “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD”.

Tuy vậy, ông Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế khi cơ cấu sản xuất chưa hợp lý, năng suất và chất lượng chưa cao trong bối cảnh đòi hỏi ngày càng cao hơn từ thị trường.

Cùng với đó, phương thức sản xuất còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Đi cùng với đó là hệ thống logistics và chuỗi cung ứng còn yếu kém, dẫn đến tình trạng thất thoát sau thu hoạch và chi phí sản xuất cao.

Đặc biệt, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, gây ra nhiều hiện tượng thiên tai như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, đất đai và nước ngọt ngày càng khan hiếm và bị suy thoái, ông Tiến nhấn mạnh.

Nông nghiệp công nghệ cao không hề là bài toán dễ. Ảnh: TH

Nông nghiệp mà một trong những ngành Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển, nhưng thành công với nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao và quy mô lớn, không hề là bài toán dễ dàng.

Những khó khăn về vốn, về công nghệ, những thách thức về thị trường, về thuyết phục người nông dân đã trở thành những rào cản thật sự khiến không ít kế hoạch đầu tư vào nông nghiệp của doanh nghiệp trắc trở.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) năm nay đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu tới 20% so với năm ngoái, trong đó mảng cây ăn trái dự kiến sẽ đóng góp lớn nhất, sau đó là mảng thịt heo. Tuy vậy, lãi sau thuế của doanh nghiệp này dự tính sẽ giảm tới 26% so với năm trước.

Tài liệu đại hội hội đồng cổ đông của HAGL cho biết, doanh nghiệp này đang tiến dần tới mục tiêu xóa lỗ lũy kế.

Những con số không mấy tích cực về kết quả kinh doanh của HAGL đã xuất hiện nhiều năm qua, đặc biệt kể từ khi doanh nghiệp này quyết định làm nông nghiệp công nghệ cao.

Từng là tỷ phú sở hữu khối tiền khổng lồ trong ngành bất sản, Chủ tịch Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức quyết định theo đuổi nông nghiệp, bắt đầu từ cao su và cây tràm.

Vùng trồng cao su quy mô lớn của HAGL thời điểm 2011 – 2012 hiện diện và trải dài ở ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, cũng là vùng trồng được đầu tư công nghệ với hệ thống tưới nhỏ giọt hiếm hoi lúc bấy giờ.

Thế nhưng, thất bại lớn đã kéo tới với bầu Đức khi giá mủ cao su liên tục sụt giảm từ mức gần 6.000 USD/tấn năm 2011 về chỉ còn khoảng 1.000 USD/tấn vào năm 2015 và hiện tượng El Nino đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

HAGL sau đó đã chuyển hướng sang chăn nuôi bò nhằm cứu vãn bức tranh kinh doanh đứng trước nguy cơ mất thanh khoản.

Bầu Đức trong báo cáo thường niên 2015 cho biết, HAGL năm đó tiêu thụ được hơn 66.000 con bò, đóng góp hơn 40% vào doanh thu. Tuy nhiên, ông thẳng thắn nhìn nhận, ảnh hưởng không thuận lợi của thời tiết đến đồng cỏ nên số lượng bò tiêu thụ và lợi nhuận biên không đạt như kỳ vọng.

Thất bại nối tiếp nhau lại cộng thêm áp lực từ chi phí tài chính liên tục tăng mạnh những năm sau đó, cùng với điều kiện kinh tế vĩ mô không thuận lợi, đã buộc HAGL phải thoái toàn bộ vốn tại Công ty nông nghiệp HAGL Agrico dù đã chuyển sang chiến lược phát triển cây ăn trái.

Giống như HAGL, Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp nông nghiệp đi đầu với sản phẩm gạo xuất khẩu của doanh nhân Huỳnh Văn Thòn cũng đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có tiền lệ.

Cuối tháng 8/2024, ông Thòn trong thông báo cho biết “công ty đang gặp phải sự kiện bất khả kháng cần phải tăng cường ổn định dòng vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, toàn bộ công ty phải tập trung vào việc xử lý các vấn đề tài chính trước mắt”.

Sau đại hội cổ đông thường niên năm 2024, Lộc Trời đã gặp phải một số biến động nhân sự, thay đổi một số nhân sự chủ chốt.

Trước đó, trong giai đoạn 2017 – 2018, Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp đi đầu của ngành gạo trên sàn chứng khoán Upcom – nơi giao dịch tập chung các loại chứng khoán thuộc những công ty đại chúng chưa niêm yết. Doanh thu thuần thời điểm ấy ghi nhận mức cao nhất trong giai đoạn 2015 – 2020.

Lộc Trời cũng ghi danh tên tuổi trên bản đồ nông nghiệp thế giới khi trở thành đơn vị đầu tiên xuất khẩu gạo vào thị trường châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, và thậm chí, bán gạo mang thương hiệu riêng của Lộc Trời.

Đây cũng là một trong những tập đoàn trong ngành trồng trọt tiên phong ứng dụng các công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, như sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc, rải phân bón; xây dựng ứng dụng trên điện thoại thông minh để hỗ trợ nông dân theo dõi vùng trồng.

Người nông dân theo đó cũng học được cách canh tác tốt hơn trên những cánh đồng lúa quy mô lớn, làm ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao, được đảm bảo thu nhập một phần.

Ba năm sau đó, kinh doanh của Lộc Trời tiếp tục khởi sắc, đánh dấu bằng mức doanh thu thuần cao lịch sử ở mức hơn 16.000 tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào lĩnh vực lương thực.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế năm 2023 lại giảm tới 96% so với năm trước đó. Theo Lộc Trời lý giải, nguyên nhân là bởi lãi suất từ các ngân hàng tăng làm tăng chi phí lãi vay gần 2,5 lần.

Cùng với đó, giá lúa nguyên liệu gia tăng, có thời điểm tăng tới gần 30% so với giá bình quân năm, đã ảnh hưởng một phần tới kết quả của doanh nghiệp. Kết quả kinh doanh quý I/2024 của Lộc Trời cho thấy giá vốn hàng bán chiếm tới gần 94%, tăng nhanh hơn tốc độ tăng của doanh thu.

Khó khăn của Lộc Trời vẫn chưa dừng lại khi tập đoàn đối mặt với vấn đề nợ tiền lúa vụ đông xuân của người dân. Sau đó, vào cuối tháng 5, khoản nợ này đã được tất toán.

Ông Thòn trong trả lời cổ đông tại kỳ họp hội đồng cổ đông thường niên năm nay vào cuối tháng 6 vừa rồi thẳng thắn thừa nhận: “Tôi cảm thấy ray rứt và xấu hổ, ảnh hưởng đến nông dân và chiến lược của Lộc Trời, cổ đông và nhân viên”. “Chúng ta sẽ cùng quyết tâm hết sức để quay lại thời kỳ lúc trước”, vị doanh nhân cam kết.

Hành trình nâng tầm nông sản Việt Nam vẫn đang tiếp diễn, với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng của các doanh nhân

Ngoài những vấn đề về vốn, thị trường, các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam muốn thành công cũng phải giải được bài toán về sở hữu đất đai, theo khảo sát của Vietnam Report về ngành nông nghiệp.

Nhiều hộ gia đình hiện chỉ sở hữu các mảnh đất nhỏ, rời rạc, không đủ diện tích để canh tác quy mô lớn dẫn tới sản xuất không hiệu quả, khó ứng dụng công nghệ cao và khó khăn trong việc quản lý.

Nông dân do đó phải tốn nhiều chi phí và công sức hơn cho cùng một đơn vị sản phẩm so với canh tác trên diện tích lớn.

Ngoài ra, thách thức từ việc cho thuê đất cũng đáng kể. Thị trường cho thuê đất ở Việt Nam chưa phát triển hoàn thiện, với nhiều hạn chế về pháp lý và quyền lợi của các bên liên quan.

Những vấn đề này cũng đã được TS. Đặng Kim Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chỉ ra trong Diễn đàn Nông nghiệp 2024 hồi cuối tháng 7 vừa qua.

Ông cho biết, lực lượng sản xuất, kinh doanh nông lâm ngư nghiệp chủ yếu vẫn là khoảng 10 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ và vài triệu hộ kinh doanh nông nghiệp.

Quy mô đất đai manh mún và nguồn vốn nhỏ bé, trình độ chuyên môn kỹ thuật hạn chế đã làm giảm điều kiện và năng lực ứng dụng công nghệ của các hộ sản xuất kinh doanh.

Ông Sơn dẫn số liệu và cho biết thêm, chỉ khoảng dưới 50 doanh nghiệp được công nhận là “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, khoảng dưới 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm chưa tới 3% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp.

Lực lượng có hạn này đã cố gắng vượt bậc, thường xuyên bắt kịp các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường trong điều kiện vốn liếng hạn chế, đất đai thu hẹp, lao động tăng giá.

Thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục dấn thân

Con đường nông nghiệp công nghệ cao mang lại nhiều thành quả vượt trội cho doanh nghiệp, nhưng không phải là con đường chỉ có “hoa hồng”. Thế nhưng, rất nhiều doanh nhân vẫn dấn thân, tiếp tục sứ mệnh nâng cao giá trị sản phẩm Việt, tô đậm dấu ấn nông nghiệp Việt trên bản đồ thế giới.

Bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai sau khi thất bại với cao su và chuyển giao mảng chăn nuôi bò cho doanh nghiệp khác vẫn tiếp tục theo đuổi mảng nông nghiệp.

Cách đây hai năm, tại sự kiện ra mắt thương hiệu heo ăn chuối, vị doanh nhân phố núi, cho biết, doanh nghiệp đã tái cấu trúc với định hướng là sản phẩm ngắn ngày do vấn đề tài chính hạn chế.

Khi đó, HAGL đã quyết định chọn chuối và heo có thể thu hoạch và xuất chuồng trong thời gian ngắn. Không chỉ vậy, phát hiện heo ăn chuối đã giúp giải quyết vấn đề phụ phẩm chuối sau xuất khẩu cũng như bài toán thức ăn cho heo. Điều này đã mang lại lợi nhuận cao vượt trội của HAGL năm 2022 và đưa doanh nghiệp này trở lại câu lạc bộ trên nghìn tỷ. Tuy nhiên, sản phẩm heo ăn chuối cũng dần biến mất trên thị trường.

Không nản trước thất bại, một năm sau, bầu Đức tiếp tục phát triển sản phẩm mới là sầu riêng với kỳ vọng đây là “mỏ vàng” trong thời gian tới.

Bên cạnh những nỗ lực tự thân, các doanh nhân, doanh nghiệp vẫn luôn kỳ vọng vào cơ chế, chính sách thông thoáng hơn, hỗ trợ nhiều hơn để chặng đường phát triển nông nghiệp thêm phẳng, như lời hiến kế của nữ doanh nhân Thái Hương tại hội nghị với Thủ tướng Chính phủ ngày 21/9 vừa qua.

Theo bà, làm nông nghiệp không có nghĩa chỉ chú ý tới người nông dân mà cần lôi kéo cả tầng lớp doanh nhân có đủ tâm – trí – lực bằng cơ chế, chính sách hợp lý.

Cùng quan điểm, ông Sơn cũng nhấn mạnh nền tảng chủ lực là các tập đoàn, doanh nghiệp trong ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao trong cả hai mảng nông nghiệp xanh và hiện đại.

Theo đó, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp đi đầu này, có thể thông qua hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực.

Không chỉ vậy, cần những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, ông Sơn kiến nghị.

Hành trình nâng tầm nông sản Việt Nam vẫn đang tiếp diễn, với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng của các doanh nhân. Chính sự quyết tâm và khát vọng cống hiến của những doanh nhân này sẽ là động lực quan trọng giúp nâng tầm nông sản Việt, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới.

Bài viết nằm trong Đặc san Nhà Quản Trị xuất bản tháng 10/2024 nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Đặc san dày 160 trang, khổ 23x29cm, giá bán 150.000 đồng.
Để đặt mua Đặc san, xin liên hệ Tạp chí điện tử Nhà Quản Trị - TheLEADER.
Tòa soạn
Tầng 7, tòa nhà HCMCC số 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội
Điện thoại: (024) 3244 4359
Văn phòng TP.HCM
Lầu 2, tòa nhà VNO, số 29 Huỳnh Văn Bánh, phường 17, quận Phú Nhuận, TP.HCM
Điện thoại: 08867 08817


Xây hồ trữ nước ngọt ĐBSCL: Cử tri hỏi, Bộ Nông nghiệp trả lời

Xây hồ trữ nước ngọt ĐBSCL: Cử tri hỏi, Bộ Nông nghiệp trả lời

Phát triển bền vững -  6 ngày

Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị đầu tư xây dựng hồ trữ nước ngọt quy mô lớn cho Đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp khi Campuchia xây kênh đào Phù Nam Techo

Kiến tạo hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

Kiến tạo hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

Phát triển bền vững -  1 tuần

Hành trình phát triển nông nghiệp bền vững, dù gian nan và kéo dài, luôn mang lại quả ngọt.

Ngành nông nghiệp dự báo duy trì đà tăng quý cuối năm

Ngành nông nghiệp dự báo duy trì đà tăng quý cuối năm

Tiêu điểm -  2 tuần

Dù chịu ảnh hưởng của bão số 3, ngành nông nghiệp dự kiến vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng trong năm nay với các giải pháp phục hồi nhanh chóng.

Cổ phiếu Lộc Trời bị hạn chế giao dịch

Cổ phiếu Lộc Trời bị hạn chế giao dịch

Tài chính -  1 giờ

Cổ phiếu Tập đoàn Lộc Trời đã bị "thả trôi" cùng kết quả kinh doanh đi xuống của tập đoàn cùng sự biến động thượng tầng trong thời gian qua.

VinFast phát hành thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu

VinFast phát hành thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu

Tài chính -  1 giờ

Như vậy, VinFast đã phát hành thành công tổng cộng 6.000 tỷ đồng từ trái phiếu với lãi suất 13,5%/năm chỉ trong tháng 10.

Trải nghiệm hành trình sinh lời không ngừng cùng tài khoản MSB

Trải nghiệm hành trình sinh lời không ngừng cùng tài khoản MSB

Nhịp cầu kinh doanh -  1 giờ

Với lợi suất cao hơn tài khoản thanh toán thông thường, chỉ với thời gian nắm giữ từ một tuần đến ba tháng, khách hàng MSB có thể đạt lợi suất lên tới 4,2%/năm.

Lãnh đạo giỏi phải biết tạo niềm vui: Bí quyết quản trị thời 4.0

Lãnh đạo giỏi phải biết tạo niềm vui: Bí quyết quản trị thời 4.0

Tủ sách quản trị -  2 giờ

Niềm vui tại nơi làm việc là công cụ quản trị quan trọng, giúp tăng hiệu quả, cải thiện môi trường và thúc đẩy sáng tạo, đổi mới trong tổ chức.

Có gì tại Trung tâm hội chợ Triển lãm quốc gia?

Có gì tại Trung tâm hội chợ Triển lãm quốc gia?

Nhịp cầu kinh doanh -  2 giờ

Tiến độ dự án Trung tâm hội chợ Triển lãm quốc gia quy mô Top 10 thế giới này đang được đẩy nhanh khi chủ đầu tư Vingroup vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng sẽ hoàn thành xây dựng trong tháng 7/2025.

Cơ quan phát triển Xuất khẩu Canada và Masan thúc đẩy hợp tác

Cơ quan phát triển Xuất khẩu Canada và Masan thúc đẩy hợp tác

Tiêu điểm -  3 giờ

Mối quan hệ hợp tác với Cơ quan phát triển Xuất khẩu Canada kỳ vọng sẽ thúc đẩy chiến lược “Go Global” của Tập đoàn Masan.

Khai trương bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Smart City

Khai trương bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Smart City

Nhịp cầu kinh doanh -  3 giờ

Ngày 21/10, Tập đoàn Vingroup đã chính thức khai trương Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Smart City (Nam Từ Liêm, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.