Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt lãi dự thu

Trần Anh - 11:40, 26/03/2019

TheLEADERViệc thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh

Tại văn bản số 1968 mới đây, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các TCTD triển khai nghiêm túc chỉ thị của Thống đốc về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2019, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.

Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của NHNN về kiểm soát tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro khi bán nợ cho VAMC.

Đặc biệt, các ngân hàng phải thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh. Đồng thời, thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt các khoản lãi có dự thu lớn để kịp thời thoái lãi thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi. Thực hiện thoái các khoản thu lãi dự thu theo quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của NHNN.

Định kỳ rà soát, cập nhật kế hoạch xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 chi tiết cho năm 2019 và 2020; tích cực triển khai các phương án, giải pháp xử lý nợ xấu đảm bảo kết quả xử lý nợ xấu theo đúng lộ trình, kế hoạch tại phương án đã được NHNN phê duyệt.

Tiếp tục chỉ đạo các bộ phận liên quan thực hiện rà soát, đánh giá cụ thể từng khoản nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 nhằm nhận diện đầy đủ thực trạng nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ xấu lớn (bao gồm các khoản nợ xấu đã hạch toán ngoại bảng), tài sản đảm bảo cho các khoản nợ này, khả năng thu hồi nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ xấu. Trên cơ sở đó, áp dụng toàn diện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu.

Ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VAMC để thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã đã bán cho VAMC. Tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.

Tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động của TCTD, đặc biệt là hoạt động cấp tín dụng. Khẩn trương xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vi phạm giới hạn về tỷ lệ sở hữu. Ngăn chặn, xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cổ đông/nhóm cổ đông lớn chi phối trong các TCTD.

Triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt là tại các chi nhánh của TCTD.

Đảm bảo việc xử lý nợ xấu khách quan, minh bạch và không để xảy ra tiêu cực, sai phạm. Thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình bán nợ xấu theo giá thị trường, thu hồi tối đa giá trị tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, giảm tổn thất về tài sản cho ngân hàng, đảm bảo tối đa lợi ích hợp pháp của các cổ đông.

Thời gian gần đây, một số ngân hàng bất ngờ chuyển hoạt động từ lãi thành lỗ sau khi tính toán lại khoản lãi dự thu. Báo cáo năm 2018 của Vietinbank cho thấy, khoản lãi phải thu của ngân hàng đã giảm hơn 7.600 tỷ đồng, từ mức 14.523 tỷ đồng năm 2017 xuống còn 6.905 tỷ đồng. Đồng thời chi phí tín dụng tăng cao bất thường khoảng 7.000 tỷ đồng.

Việc giảm lãi phải thu và ghi nhận tăng chi phí tín dụng bất thường cho thấy khả năng một số khoản cho vay của ngân hàng từng được ghi nhận thu nhập lãi vào báo cáo kết quả kinh doanh đã gặp vấn đề về khả năng trả nợ. Tuy nhiên ngân hàng không công bố chi tiết về các khoản cho vay này.

Vietinbank cho biết trong quý cuối năm đã phải giảm quy mô tín dụng khoảng 34,3 nghìn tỷ đồng khiến thu nhập lãi giảm. Đồng thời góp phần đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng. Đến cuối năm ngoái nợ xấu của của Vietinbank tăng lên 1,56%, giá trị tuyệt đối là 13.516 tỷ đồng. Trong đó riêng nợ có khả năng mất vốn gần 9.500 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2017.

Thông báo của Vietinbank cho biết, ngân hàng đã phải dành nguồn lực tài chính để xử lý tái cơ cấu theo phương án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016 -2020 được NHNN phê duyệt. Theo đó, ngân hàng khẩn trương áp dụng các chuẩn mực Basel II, các tiêu chuẩn phân loại nợ được nâng cao hơn, làm một bộ phận nợ chuyển nhóm, tác động lãi dự thu và ảnh hưởng đến lợi nhuận quý cuối năm.