Nhiệt điện Quảng Trạch 2: EVN lấy tiền đâu để đầu tư?

Nguyễn Cảnh - 08:50, 31/10/2022

TheLEADERThu xếp vốn vay là một trong những khó khăn lớn nhất của dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 2 trị giá hơn 48.000 tỷ đồng do EVN làm chủ đầu tư.

Nhiệt điện Quảng Trạch 2: EVN lấy tiền đâu để đầu tư?
Bối cảnh hiện tại càng khiến cho bài toán huy động vốn phục vụ siêu dự án hơn 48.100 tỷ đồng của EVN trở nên khó giải

LTS: Giữ vai trò đặc biệt quan trọng và chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nguồn cung điện quốc gia, nhưng những dự án nguồn điện trọng điểm trong tay các tập đoàn nhà nước như EVN, PVN lại chậm trễ nhiều năm. Trước nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn cũng như việc chưa thể huy động các nguồn điện năng lượng tái tạo mới, tiến độ các dự án này sẽ ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh năng lượng cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất – sinh hoạt. TheLEADER khởi đăng chuyên đề “Những quả đấm thép trong ngành điện” nhằm thông tin tới bạn đọc về bức tranh phát triển các dự án nguồn điện lớn thuộc trách nhiệm đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Bài 5: Nhiệt điện Quảng Trạch 2: EVN lấy tiền đâu để đầu tư?

Tháng 10/2022, Nhiệt điện Quảng Trạch 2 (1.500MW), xuất hiện trong danh mục dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện theo tờ trình của Bộ Công thương.

Trước đó, dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư (vào tháng 2/2021) với các thông số: Công suất 1.200MW với tổng mức đầu tư (sơ bộ) khoảng 48.150 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu (EVN) chiếm 20% còn lại là vốn vay.

Dự án sẽ vận hành thương mại tổ máy số 1 năm 2028 và vận hành thương mại tổ máy số 2 năm 2029. Ban quản lý khu kinh tế Quảng Bình đã cấp chứng nhận đăng ký đầu tư dự án và EVN đang triển khai lập FS.

Đầu năm 2022, trên cơ sở kiến nghị của tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng giao Bộ Công thương xem xét việc chuyển đổi Quảng Trạch 2 từ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí và nâng công suất từ 1.200MW lên 3.000MW trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch điện VIII.

Tháng 4/2022, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đồng ý với kiến nghị của EVN về chuyển đổi Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 sang sử dụng nguồn khí LNG nhập khẩu vì đã đầu tư hạ tầng Trung tâm điện lực Quảng Trạch dùng cho cả 2 dự án Quảng Trạch 1 và Quảng Trạch 2.

Năm 2008, theo Quyết định phê duyệt tổng thể địa điểm xây dựng Trung tâm điện lực Quảng Trạch (do PVN làm chủ đầu tư) của Bộ Công thương, tiến độ dự kiến đưa vào vận hành nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 là năm 2016. Tháng 10/2016, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan về việc: Thu hồi chủ trương giao Tập đoàn Inter RAO (Liên bang Nga) nghiên cứu phát triển dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 (tại văn bản 63 của Thủ tướng hồi tháng 1/2014); Chuyển giao cho EVN tiếp tục triển khai thực hiện các dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1 và 2 để đảm bảo tiến độ theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh; Giao EVN làm chủ đầu tư các dự án nhiệt điện Tân Phước 1 và 2 tại Trung tâm điện lực Tân Phước (Tiền Giang). 

Trung tâm Điện lực Quảng Trạch gồm 3 dự án: Cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng và vận hành các nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 và Quảng Trạch 2; Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 (2x600 MW) và Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 (2x600 MW). Mục tiêu của dự án là cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, mỗi nhà máy khoảng 8,4 tỷ kWh/năm, góp phần đảm bảo an toàn điện cho hệ thống; đồng thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh Quảng Bình…

Từ tháng 8/2019, các bộ, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ chủ trương dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 2, trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Về sự cần thiết đầu tư Nhiệt điện Quảng Trạch 2, EVN cho biết, theo kết quả cân bằng công suất, điện năng có cập nhật tình hình, tiến độ đầu tư xây dựng các dự án theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, các dự án năng lượng tái tạo và khả năng nhập khẩu LNG phục vụ phát điện cho thấy, trong các kịch bản tính toán, hệ thống điện giai đoạn 2020-2030 vẫn đối mặt với nguy cơ thiếu điện và dự phòng công suất khu vực phía Nam thấp.

Nằm trong khu kinh tế Hòn La (tỉnh Quảng Bình) với tổng diện tích chiếm đất khoảng 439ha (diện tích nhà máy chính khoảng 45ha, các hạng mục dùng chung cho Trung tâm điện lực khoảng 395ha), Nhiệt điện Quảng Trạch 2 gồm 2 tổ máy quy mô công suất 2x600MW. Dự án được đề nghị xem xét theo hình thức EVN làm chủ đầu tư với cơ cấu 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay thương mại, với tổng mức đầu tư khoảng 47.200 tỷ đồng.

Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu than (nhiên liệu chính) cho nhà máy khoảng 3,63 triệu tấn/năm. EVN dự kiến tiến độ dự án đưa vào vận hành (theo QHĐ 7 điều chỉnh) năm 2028-2029. Dự án được tính toán giá bán điện khoảng 1.700 đồng/kWh và đảm bảo hiệu quả kinh tế, thu hồi vốn trong 25 năm.

Trước đó, năm 2017, do việc triển khai đầu tư trung tâm điện lực Quảng Trạch của PVN gặp khó khăn, EVN đã được Chính phủ giao làm chủ đầu tư toàn bộ.

Nhiệt điện Quảng Trạch 2 được đánh giá là góp phần quan trọng trong bổ sung một lượng công suất lớn cho hệ thống điện, đáp ứng một phần nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng trong Hệ thống điện quốc gia giai đoạn từ sau 2028.

Theo Bộ Công thương cho biết hồi tháng 7/2022, dự án đã lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện các bước đầu tư theo quy định pháp luật hiện hành. 

Vướng mắc cốt lõi của dự án nằm ở khâu đàm phán hợp đồng PPA và thu xếp vốn. Được biết, khả năng thu xếp vốn của dự án (từ thời điểm trước khi được chấp thuận chuyển sang sử dụng khí LNG) từng được đề cập chi tiết trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Cụ thể, theo cam kết của Thủ tướng trong COP 21 (hồi cuối năm 2015) liên quan về lộ trình giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, cũng như các điều khoản về thu xếp tài chính của OECD, các công nghệ trên siêu tới hạn được khuyến khích áp dụng. 

Theo các quy định mới của OECD, các tổ máy có công suất lớn hơn 500MW sử dụng thông số hơi siêu tới hạn (Super Critical) và dưới tới hạn (Sub Critical) sẽ không đủ điều kiện được tài trợ vốn từ các nước trong tổ chức này kể từ 1/1/2017 (gồm các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Đức).

Đối chiếu với công suất tổ máy của Nhiệt điện Quảng Trạch 2 (lớn hơn 500MW), nếu sử dụng thông số hơi không phải là trên siêu tới hạn (Ultra Super Critical) thì việc thu xếp vốn vay nước ngoài sẽ khó khăn hơn rất nhiều, trong khi khả năng thu xếp vốn trong nước đang rất khó đáp ứng.

Điều này lý giải việc dự án được EVN đề xuất áp dụng công nghệ lò than phun trực tiếp sử dụng thông số hơi trên siêu tới hạn - đặt trong yêu cầu thu xếp vốn vay nước ngoài.

Theo tính toán, dự án được thực hiện dưới hình thức EVN làm chủ đầu tư, sử dụng vốn tự có và vốn vay. EVN sẽ vay (dưới sự bảo lãnh của Chính phủ nếu cần) từ các tổ chức tài chính, ngân hàng trong và ngoài nước, các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài. Lãi suất vay tùy thuộc vào các nguồn tài chính khác nhau. 

Bài toán tài chính của dự án thể hiện, với giá bán điện khoảng 1.700 đồng/kWh, dự án sẽ mất 19 năm để hoàn vốn.

Liên quan tới vốn vay cho dự án, ưu tiên lựa chọn từ các phương án (như ODA, vay vốn tại các nguồn vay có bảo lãnh của Chính phủ, vay vốn tại các quỹ tín dụng xuất khẩu (ECAs) không có bảo lãnh của Chính phủ và vay vốn tại các ngân hàng trong nước).

Nguồn vay thương mại trong nước có ưu điểm là các phí tài chính không nhiều, nhưng lại hạn chế về nguồn lực. Nguyên nhân là ít có ngân hàng trong nước đủ khả năng cho vay khoản vay lớn trong thời gian dài.

Phương án vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay vốn có bảo lãnh Chính phủ là không khả thi. Tư vấn kiến nghị lựa chọn vay ECAs hoặc vay thương mại trong nước, dù vẫn còn không ít khó khăn.

Bởi, với nguồn vay ECAs, những dự án như Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 (đều của EVN), Quảng Ninh 2 (của PVN) đang sử dụng vốn vay ECA từ Trung Quốc (chưa kể các dự án BOT và công ty tư nhân) quá hạn mức cho phép của Chính phủ Trung Quốc. 

Vì vậy, để tránh rủi ro trong thu xếp vốn thì cần xem xét nguồn vốn ECAs từ các nước Nhật, Hàn Quốc (như Korea Eximbank, JICA, JBIC) đang thực hiện cho các dự án nhiệt điện than Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng.

Thủ tướng yêu cầu EVN chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về hiệu quả đầu tư, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật

Bảo lãnh chính phủ là cam kết của Chính phủ với người cho vay về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong trường hợp đến hạn trả nợ mà người vay không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ.

Việc bảo lãnh chính phủ cho nhiều dự án của các Doanh nghiệp nhà nước để các dự án có tính thuyết phục hơn về mặt tài chính. Nhờ bảo lãnh chính phủ, việc vay vốn các ngân hàng trong và ngoài nước sẽ dễ dàng hơn, với chi phí thấp hơn do rủi ro của dự án đã được Chính phủ ‘gánh’. Đồng thời, dự án vì thế sẽ có tính khả thi, hiệu quả hơn, dễ được phê chuẩn bởi các cấp thẩm quyền.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng nợ công ở con số 3,13 triệu tỷ đồng, do đó công tác cấp bảo lãnh Chính phủ đang được quản lý chặt chẽ. Việc tiếp cận nguồn vay này rất khó khăn.

Về vay vốn tín dụng xuất khẩu (ECAs) không có bảo lãnh của Chính phủ được hiểu như sau.

Tín dụng xuất khẩu là khoản tín dụng người xuất khẩu cấp cho người nhập khẩu hoặc khoản cho vay trung và dài hạn, dùng để tài trợ cho các dự án và cung cấp vốn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa. ECAs có lãi suất và phí tài chính ưu đãi nhưng luôn kèm điều kiện. Chủ đầu tư sẽ ít có sự chủ động về nguồn gốc thiết bị và việc đáp ứng tỷ lệ xuất xứ hàng hóa này sẽ làm giảm cơ hội tham gia của các nhà thầu trong nước vào dự án.

Đặc biệt, với các dự án điện than cần phải tuân thủ tối đa các yêu cầu như: các quy định chung liên quan đến bảo vệ môi trường được áp dụng với các khoản vay ECAs từ các nước trong tổ chức OECD, chuẩn mực được công nhận toàn cầu liên quan đến xác định, đánh giá và quản lý rủi ro xã hội, môi trường.

(Trích Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án lập năm 2019)

> Đón đọc các bài viết cùng chuyên đề "Những quả đấm thép trong ngành điện" TẠI ĐÂY