Nhìn ra thế giới để suy ngẫm về thành phố sáng tạo Thủ Đức

Nguyễn Minh Hòa - 10:40, 14/02/2021

TheLEADERTrong thời gian 5 -10 năm tới, TP.HCM phải tập trung phát triển phần hạt nhân của thành phố Thủ Đức. Đó là cái lõi quyết định đến việc “sáng tạo”, nếu không có phần này hoặc có mà mờ nhạt, yếu ớt thì coi như đề án thất bại, bởi nó là thành phần quan trọng nhất quyết định toàn bộ sự vận hành của thành phố sáng tạo (TPST).

Nhìn ra thế giới để suy ngẫm về thành phố sáng tạo Thủ Đức
Trụ sở Silicon Valley, California, USA

Chuyện thiên hạ

Vào những năm 60 của thế kỷ (TK) trước, các nước châu Âu và Bắc Mỹ nhận ra một thực tế là có sự đứt rời giữa nghiên cứu sáng tạo (phát minh, sáng chế, cải tiến) với thị trường, giữa các nhà nghiên cứu với sản xuất, giữa nhà phát minh và nhà doanh nghiệp và giữa các nhà khoa học với nhau.

Một nhà khoa học có ý tưởng mới, có phát minh giá trị nhưng không biết làm sao hiện thức hoá nó ra vì không có tiền, không có phòng thí nghiệm, không có xưởng sản xuất, còn doanh nghiệp thì cũng không biết tìm mấy ông phát minh này ở đâu. Sản xuất đi theo lối mòn, mà nghiên cứu thì cứ loanh quanh trong “tháp ngà”. Lúc này người Mỹ mới nhận ra một điều quan trọng là làm cách nào tích hợp nguồn lực (con người, vật chất, tài chính, thông tin, tài nguyên, công nghệ - kỹ thuật) vào một nơi hẹp với mật độ cao và chất lượng vượt trội để tạo ra những cú đột phá cực kỳ mạnh mẽ làm thay đổi hẳn bản chất của nền sản xuất hiện đại. Họ ví nơi đó giống như kíp nổ, kích cho một quả bom “tiềm năng” bùng nổ gây hiệu ứng toàn cầu.

Năm 1971, một mô hình như thế ra đời đầu tiên ở Bắc California ở Mỹ với tên gọi Silicon Valley. Nơi đây tập hợp các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới như Google, Apple, Facebook... và nhiều công ty công nghệ trên các lĩnh vực khác. Chính Silicon Valley đã đóng vai trò chính làm thay đổi toàn bộ diện mạo và đời sống của nhân loại, làm cho thế giới trở nên phẳng, cho con người bước hẳn vào thế giới số, năng suất lao động nhảy vọt, đời sống thường nhật, giao tiếp, phương thức sản xuất, loại hình sản phẩm biến đổi nhanh chóng chưa từng thấy và chưa từng có trước đó. Các khái niệm mang tính toàn cầu, chi phối đời sống nhân loại như IT, IOT, IA bắt đầu ra đời từ nơi này và những con người khổng lồ như Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg đều làm việc ở đây.

Hình mẫu của Silicon Valley nhanh chóng lan rộng đến châu Á, trước tiên là Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 1973, Hàn quốc cho ra đời thành phố sáng tạo mang tên Daejeon. Nó được coi là Asia’s Silicon Valley. Nơi đây tập trung tất cả các viện nghiên cứu công nghệ, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng lớn nhất của Hàn Quốc với hơn 10.000 nhà khoa học-công nghệ hàng đầu quốc gia, hợp tác sản xuất với 898 tập đoàn lớn nhất của quốc gia và quốc tế và được chính phủ đầu tư hàng chục tỷ USD cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và xã hội. Thành phố khoa học này đã giúp cho Hàn Quốc trở thành con rồng châu Á và tạo ra cú nhảy vọt được gọi là “Kỳ Tích Sông Hàn”.

Bắt đầu từ năm 1970 trở đi, thực tế cho thấy muốn tăng tốc, muốn đột phá thì quốc gia, vùng miền nhất định phải có ít nhất một hay vài thành phố sáng tạo Do vậy mà vào những năm cuối của TK 20 và đầu TK 21, một loạt các thành phố sáng tạo xuất hiện, trong đó phải kề đến như Silicon Wadi của Israel (1970) được thế giới biết đến là “Quốc gia khởi nghiệp”; Bangalore của Ấn Độ cũng được gọi là Silicon Valley. Hàn Quốc cũng thành lập thêm một thành phố sáng tạo và thông minh nữa vào năm 2009 có tên là Songdo. Trung Quốc cũng đầu tư hàng trăm tỷ đô la để ra đời một loạt các thành phố, thị trấn sáng tạo mà họ gọi là China Silicon Valley hay High tech park ở Bắc Kinh, Thâm Quyến, Thượng Hải, Thiên Tân, Vũ Hán, Quảng Đông. Chính nhờ Huawei ra đời ở Thâm Quyến và Quảng Đông mà Trung Quốc trở thành cường quốc IT.

Nhìn ra thế giới để suy ngẫm về thành phố sáng tạo Thủ Đức
Nguyễn Minh Hòa

Mặc dù mức đầu tư không quá lớn, nhưng Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines cũng xây dựng các thành phố sáng tạo có tầm cỡ châu Á. Gần đây nhất năm 2012, Chính phủ Nga đầu tư xây dựng một thành phố sáng tạo hoàn toàn mới có tên là Skolkovo nằm ở ngoại ô Moscow với kinh phí lên tới 3,5 tỷ USD.

Chuyện nhà mình

Nhìn vào bối cảnh Việt Nam hiện nay cho thấy khu chế xuất Tân Thuận ra đời sớm nhất ở Việt Nam năm 1991, trong khi khu chế xuất của các nước ra đời năm 1960. Khu công nghệ cao Hòa Lạc được xây dựng để trở thành khu đô thị sáng tạo năm 2016; thành phố sáng tạo mang tên Thủ Đức hình thành 12/2020; trong khi khu đô thị sáng tạo đầu tiên trên thế giới ra đời năm 1970. Như thế rõ ràng tất cả các mô hình mà chúng ta đang áp dụng ở Việt Nam đều đi sau thiên hạ từ 50 đến 60 năm.

TP.HCM chủ trương xây dựng thành phố sáng tạo (TPST) là hoàn toàn đúng đắn, mặc dù rất muộn, nhưng đổi lại người đi sau có thể rút tỉa kinh nghiệm của các mô hình trước đó để tối ưu hóa quá trình hiện thực hóa kế hoạch của mình, tránh tâm lý nôn nóng muốn nhanh chóng rút ngắn khoảng cách nên dễ rơi vào duy ý chí. TPST cần phải được xây dựng trên một chiến lược thông minh, lộ trình sáng rõ với các điều kiện cần và đủ chứ không phải theo phong trào thi đua.

Cũng như các TPST trên thế giới, thành phố Thủ Đức sẽ là trung tâm khoa học sáng tạo, công nghệ - kỹ thuật cao, tương tác đa chiều nhằm tạo động lực phát triển kinh tế cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung theo hướng nền kinh tế tri thức, và theo kỳ vọng khi hình thành nó sẽ tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ cho thành phố.

Theo ý tưởng ban đầu, sau khi sáp nhập 3 quận thành một đơn vị hành chính mới sẽ chiếm khoảng 1/10 diện tích, 1/10 dân số toàn TP.HCM, có 36 phường (sẽ giảm 2 phường). Nó là đơn vị có diện tích lớn nhất (212km2) so với các quận nội thành, lớn gấp 30 lần quận 1 (7km2), gấp 53 lần quận 4 (4km2), gấp 43 lần quận 3 (5km2); và chỉ nhỏ hơn 3 huyện là Củ Chi, Bình Chánh, Cần giờ. Thủ Đức cũng có dân số đông nhất toàn thành phố là 1,1 triệu, gấp 5,5 lần quận 4 (200.000). Như vậy so với các thành phố sáng tạo trên thế giới thì nó là một trong các thành phố lớn nhất và đông dân nhất. Chính vì điều này mà có một loạt các vấn đề rất lớn được đặt ra cho những người có trách nhiệm hiện thức hóa nó.

Trước hết, nguồn tài chính từ đâu để phát triển thành phố sáng tạo? Thông thường, mức đầu tư ban đầu của các TPST trên thế giới là hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD. TP.HCM chủ trương xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư là không dễ, trong khi quỹ đất trống của thành phố Thủ Đức còn lại không còn nhiều. Ngay cả khi TP.HCM được Trung ương phân bổ ngân sách tăng từ 18% lên 23% thì miếng bánh này cũng không đủ lớn để bao cho thành phố Thủ Đức.

Nhìn ra thế giới để suy ngẫm về thành phố sáng tạo Thủ Đức 1

Tiếp đến là để chuyển một vùng đất rộng lớn hơn 212km2 với 1,1 triệu dân với đa chức năng sang thành một thành phố tập trung chủ yếu vào chức năng sáng tạo là điều rất khó khăn. Do vậy, người cầm trịch phải tính đến lộ trình trước-sau và các dự án thành phần ưu tiên, làm sao có hiệu quả mà không xáo trộn đến đời sống người dân.

Cần một mô hình phát triển đột phá

Trong thời gian 5 -10 năm tới, TP.HCM phải tập trung phát triển phần hạt nhân của thành phố Thủ Đức. Đó là cái lõi quyết định đến việc “sáng tạo”, nếu không có phần này hoặc có mà mờ nhạt, yếu ớt thì coi như đề án thất bại, bởi nó là thành phần quan trọng nhất quyết định toàn bộ sự vận hành của TPST.

Vậy hạt nhân của thành phố Thủ đức nằm ở đâu? Và phát triển nó như thế nào?

Những ngày qua mọi người xem sơ đồ mô tả thành phố Thủ Đức đang có trên báo chí, trên mạng và tưởng đó là một phần của bản đề án trình Chính phủ, nhưng kỳ thực đó là sản phẩm của nhóm tham gia cuộc thi “Ý tưởng qui hoạch khu đô thị sáng tạo phía Đông” đạt giải nhất là Sasaki-Encity.

Nhìn ra thế giới để suy ngẫm về thành phố sáng tạo Thủ Đức 1

Đề án đưa ra 6 địa điểm được coi là trọng điểm sáng tạo dẫn dắt TPST. Tuy nhiên, 3 trong 6 trung tâm đó không liên quan gì đến sáng tạo.

Đầu tiên phải kể đến là Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc 220ha. Dù nói gì thì nói đây là một quần thể thể dục thể thao gồm sân vận động (hiện nay vẫn chưa triển khai). Kế đến là Khu đô thị cảng Trường Thọ rộng 500 ha là trung tâm thương mại-dịch vụ (còn trên giấy). Và thứ ba là Trung tâm tài chính Thủ Thiêm rộng 770ha, cho đến nay đất sạch chỉ còn khoảng phân nửa, chưa có công trình nào xuất hiện ngoài các dự án của tập đoàn Đại Quang Minh.

Việc đưa Thủ Thiêm về thành phố Thủ Đức cũng chưa nhận được sự đồng tình cao của chuyên gia và người dân, kể cả một vài bộ chủ quản vì theo Quyết định 367 ban hành 1996 của Thủ tưởng Chính phủ, Thủ Thiêm là phần mở rộng của khu vực 930ha nhằm thực hiện các chức năng còn thiếu và yếu của trung tâm thành phố, cho nên nhập nó về quận 1 nghe có vẻ hợp lý hơn. Còn khu trung tâm công nghệ sinh thái dự kiến ở quận 9 thì cũng vẫn trong giai đoạn thai nghén, với diện tích nhỏ 25ha có thể đưa về khuôn viên Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG) còn nhiều đất trống. Như vậy phần được coi là sáng tạo thực chất chỉ có hai nơi là ĐHQG và khu công nghệ cao.

Theo nguyên lý phát triển là bắt đầu từ hạt nhân rồi lan tỏa ra, bắt đầu từ nơi có chức năng chính rồi các thành phần chức năng khác xuất hiện theo nhu cầu. Như thế rõ ràng việc tập trung toàn lực phát triển phần hạt nhân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của thành phố sáng tạo. Thêm nữa, các quốc gia phát triển thành phố sáng tạo gần đây đều theo xu hướng nén lại trên một diện tích nhỏ, thậm chí rất nhỏ như Dubai nén thị trấn sáng tạo nông nghiệp công nghệ cao chỉ trong diện tích 50ha. Chính trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin đã cho phép làm được điều đó.

Nhìn vào hai sơ đồ biểu diễn bên dưới, chúng ta thấy thành phố Thủ Đức ứng với mô hình 2. Đó là loại TPST hình thành trên nền tảng cải tạo, nâng cấp một khu dân cư có sẵn (ở đây là 3 quận hợp thành). Trong 5 năm tới, với khả năng tài chính và tiền đề có sẵn TP.HCM cùng với thành phố Thủ Đức phải tập trung toàn lực cho phần hạt nhân. Đó là khu đô thị ĐHQG có diện tích 643ha (mới cắt mất 10ha ở Linh Xuân để làm khu cư trú cho người dân giải tỏa trong khuôn viên của trường này), và khu công nghệ cao 800ha.

Nhìn ra thế giới để suy ngẫm về thành phố sáng tạo Thủ Đức 3

Điều này còn phù hợp với nguồn lực hiện nay trên tinh thần “liệu cơm, gắp mắm”. Tuy nhiên để biến nơi này thành hạt nhân sáng tạo của thành phố Thủ Đức thì cần phải lưu tâm đến các điều sau đây:

Điều quan trọng đầu tiên là làm sao kết nối liền mạch không gian giữa khuôn viên ĐHQG với khuôn viên của khu công nghệ cao. Hiện nay chúng bị chia cắt bởi xa lộ Hà Nội và hệ thống đường trên cao hình hoa thị. Khoảng trống giữa hai khu vực này là 28ha, và điểm gần nhất theo đường chim bay là khoảng 1.000m. Khả thi nhất là làm một hệ thống ngầm nối mạch giữa hai đơn vị này lại, một bên làm nghiên cứu - đào tạo, còn một bên là chế tạo thử và thương mại hóa sản phẩm. Còn phần trên mặt đất thì biến thành công viên.

Tiếp theo là đàm phán để ¾ diện tích đất của ĐHQG trở về TP.HCM. ĐHQG có diện tích khoảng 650ha, nhưng chỉ có 120ha là thuộc về TP.HCM, phần còn lại 430ha thuộc huyện Dĩ An, Bình Dương. Nếu ĐHQG là đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ GDĐT quản lý thì không có gì để bàn, nhưng nếu là một phần cơ hữu của thành phố Thủ Đức thì phải nhập về, vì thành phố phải có ranh giới lãnh thổ rõ ràng.

Kế đến là ĐHQG phải liên kết với các trường hàng xóm như Đại học Nông Lâm, Đại học KT Thủ Đức nhằm tăng cường sức mạnh. Bản thân ĐHQG phải thay đổi cơ cấu theo hướng thiên về nghiên cứu ứng dụng trên nền tảng của công nghệ-kỹ thuật hiện đại hướng đến thị trường. Hiện nay ĐHQG chủ yếu vẫn là giáo dục-đào tạo, các đơn vị có năng lực nghiên cứu ra sản phẩm phục vụ xã hội không nhiều, chỉ có một vài khoa trong các trường như Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học tự nhiên, khu công nghệ phần mềm, Viện Tài nguyên-Môi trường là có sản phẩm, nhưng còn rất khiêm tốn vì đội ngũ còn mỏng, thiết bị máy móc nghèo nàn, lạc hậu.

Do vậy phải phải nâng cấp trang bị thêm các phòng thí nghiệm, nhà xưởng sản xuất hiện đại, thiết bị máy móc tiên tiến nhất thế giới, trong đó có những máy có giá nhiều triệu USD. Làm sao để hình thành chuỗi liên hoàn bao gồm 5 khâu tuần hoàn gắn bó hữu cơ như hình dưới.

TPST là nơi nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo mới mẻ của các nhà phát minh sau đó được đưa vào chế tạo thử trong phòng thí nghiệm (ví dụ như một loại vacine mới hay một loại vật liệu mới), sau khi chế tạo sản phẩm thành công thì bước tiếp theo đó nhà nghiên cứu sẽ liên kết với các công ty, các doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm ra xã hội. Đồng thời kết quả nghiên cứu thành công này được quay trở lại giảng dạy, đào tạo cho sinh viên các trường đại học.

Phải làm cho khu đô thị sáng tạo này có thêm sức sống. Hiện nay cả hai nơi này chỉ sôi động ban ngày, còn ban đêm vắng lặng trở thành thành phố “ngày sống đêm chết”.

Do vậy cần phải đầu tư nhiều hơn và phải mở rộng thêm cho khu đô thị ĐHQG chức năng cư trú, dịch vụ và kinh tế. Để sáng tạo, các nhà khoa học cần môi trường sống và làm việc rất cao. Môi trường trong lành, nhiều công viên, cây xanh, thảm cỏ, hồ nước; không có giao thông nhanh mà chỉ có xe điện, xe đạp và đi bộ để đảm bảo không có tiếng ồn, nhà thấp tầng; an toàn và an ninh được đảm bảo.

Có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh không chỉ về điện, nước, xử lý rác thải mà còn có hệ thống các thiết bị công nghệ cao phủ kín campus (khuôn viên của TPST), đảm bảo cho không gian sáng tạo và tương tác cao, có nghĩa là các nhà khoa học có thể bàn thảo với nhau ở bất cứ nơi nào trong không gian sáng tạo.

Họ có thể đến phòng máy tính, thư viện, phòng thí nghiệm bất cứ lúc nào ý tưởng sáng tạo chợt loé. Hệ thống dịch vụ được tổ chức theo nguyên lý 15 phút (thỏa mãn các dịch vụ thiết yếu trong khoảng cách 15 phút đi bộ); ngoài ra trong campus của TPST phải có bệnh viện, nhà hát, khách sạn, nhà hàng, khu thể thao thoả mãn các nhu cầu của giới sáng tạo. Nói một cách khác thì đó là nơi có chất lượng sống cao, thậm chi rất cao, đảm bảo đời sống ổn định để cho các nhà khoa học thoả chí sáng tạo.

TP.HCM phải coi ĐHQG là bộ phận hữu cơ của thành phố và có đầu tư trọng điểm, có nghĩa là ĐHQG TP.HCM có trong danh sách được phân bổ tài chính hàng năm từ Hội đồng nhân dân thành phố, bởi lẽ hiện nay ĐHQG hoạt động từ ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm, nguồn ngân sách cho giáo dục vốn hạn hẹp cho nên bản thân khu đô thị này sau 25 năm mới chỉ xây dựng được các công trình phục vụ cho học tập, còn thiếu vắng rất nhiều các hạng mục công trình khác.

Điều cuối cùng cần nhấn mạnh là điều kiện quan trọng nhất quyết định sự thành bại của TPST Thủ Đức là “con người có khả năng sáng tạo”. Nếu không thu hút các nhà sáng tạo thì rất có thể công sức, tiền bạc đổ sông đổ bể vì đầu tư tốn kém cho các cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật.

Chính Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg và những “quái nhân “ khác tạo nên Silicon valley, chứ không phải Silicon valley tạo nên họ.

Còn làm thế nào hút được những người khổng lồ đó đến làm việc thì còn phụ thuộc vào quá nhiều chuyện khác nữa. Nếu không cẩn thận thì TPST Thủ Đức lại trở thành nơi gia công sản phẩm sáng tạo đưa từ bên ngoài lãnh thổ quốc gia đến.

Thực sự thì cho đến nay, chưa có một nhà đầu tư nào đưa trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại đến Việt Nam mà chỉ là các dây chuyền sản xuất gia công, cho dù là Intel của Mỹ hay Sam sung của Hàn Quốc.

TPST trên thế giới đã có cách nay hơn 50 năm, bối cảnh khi nó mới xuất hiện khác xa so với hiện tại. Các TPST hình thành trong giai đoạn hiện nay cần phải được đặt nó trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi như vũ bão và tâm thế con người cũng đã thay đổi không chỉ nhận thức mà còn cả nhu cầu nữa.

Do vậy xây dựng nó cần có quan điểm và cách tiếp cận mới, nếu không sẽ rơi vào tỉnh cảnh mãi lẽo đẽo đi sau người ta, sáng tạo ra những thứ tưởng mới toanh té ra thiện hạ đã xài xong, bỏ rồi. Khi mình hồ hởi làm ra con chip to bằng đầu đũa, thì chip của người ta chỉ bằng nửa hạt gạo.