Những nút thắt tại các dự án điện ở Bình Thuận

Nguyễn Cảnh - 11:13, 03/02/2021

TheLEADERHiện tại, tỉnh Bình Thuận đã triển khai đầu tư hoàn thành các dự án điện theo quy hoạch điện quốc gia. Tuy vậy, quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn mang tính điển hình.

Những nút thắt tại các dự án điện ở Bình Thuận
Năng lực nhà đầu tư, khả năng giải phóng công suất và chồng lấn quy hoạch khoáng sản vẫn là khó khăn đeo đẳng các dự án điện năng lượng tái tạo

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII) và Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng), tỉnh Bình Thuận được quy hoạch đầu tư 2 Trung tâm Điện lực là Vĩnh Tân (nhiệt điện than) và Sơn Mỹ (nhiệt điện khí).

Đến nay, Bình Thuận đã thực hiện đầu tư hoàn thành các dự án điện theo quy hoạch điện VII. Tổng cộng toàn tỉnh có 42 nhà máy điện vận hành, phát điện với tổng công suất 6.285,38 MW, gồm: 4 nhà máy nhiệt điện than tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (4.284 MW), 7 nhà máy thủy điện (819,5 MW); 4 nhà máy điện gió (100 MW); 26 nhà máy điện mặt trời (1.071,88 MW, tương đương 1.346,7 MWp) và 1 nhà máy điện diesel (huyện đảo Phú Quý, công suất 10 MW).

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, quá trình thực hiện các dự án điện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Điển hình, nhiều nhà đầu tư (điện năng lượng tái tạo) chưa đáp ứng về năng lực quản lý, năng lực tài chính, dự án phụ thuộc chủ yếu vào việc huy động nguồn vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý, việc đền bù giải tỏa gặp nhiều khó khăn, nhất là các dự án điện gió, do các hộ dân không đồng tình việc nhà đầu tư chỉ đền bù, giải tỏa, thu hồi đất ở khu vực diện tích chiếm đất có thời hạn (như: móng trụ, đường giao thông, trạm điện, đường dây tải điện,...) mà yêu cầu đền bù toàn bộ khu đất.

Một trở ngại khác, là vấn đề chồng lấn dự án điện gió và điện mặt trời với các khu vực quy hoạch dự trữ, thăm dò, khai thác titan. Cụ thể, đa số dự án điện gió và điện mặt trời tại tỉnh Bình Thuận nằm trong vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan, hiện nay chưa được Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Công thương cho phép điều chỉnh ra khỏi khu vực quy hoạch dự trữ khoáng sản titan. Do đó, các dự án này không thể triển khai thi công, tác động vào đất đai cũng như một số thủ tục có liên quan khác.

Đặc biệt, khó khăn lớn thời điểm hiện tại còn nằm ở khả năng giải phóng công suất các dự án điện năng lượng tái tạo tỉnh Bình Thuận lên lưới điện là không đáp ứng được, các đường dây 110 kV và 220 kV quá tải, không giải tỏa hết công suất của các dự án trên địa bàn tỉnh. 

Các nhà máy điện gió và điện mặt trời tại khu vực Tuy Phong và Bắc Bình, mặc dù có dự án đã phát điện từ lâu (như điện gió Phú Lạc, điện gió Phong điện 1 - Bình Thuận) hoặc đã phát điện trước khi đường dây 110 kV quá tải nhưng vẫn bị cắt giảm công suất như các nhà máy mới sau này.

Theo cập nhật, đến nay đã có 62 dự án điện mặt trời được UBND tỉnh trình Bộ Công thương thẩm định bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, bổ sung vào đồng bộ quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia, với tổng công suất 3.371 MW (tương đương 4.185 MWp). 

Trong 62 dự án này, Bộ Công thương đã họp thẩm định bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, hoàn thành lấy ý kiến các đơn vị liên quan 15 dự án, với tổng công suất 759 MW (tương đương 949 MWp).