Startup du lịch Việt chật vật tìm cách sống sót

Việt Hưng - 14:57, 05/07/2023

TheLEADERDù đã có nhiều startup Việt gọi được vốn lớn, định giá "khủng" với tham vọng chinh phục thị trường du lịch Việt Nam, nhưng đến nay thị phần du lịch trực tuyến trong nước chủ yếu vẫn thuộc về các công ty nước ngoài như: Agoda, Booking.com, Traveloka, hay Expedia...

Tháng 8/2018, Vntrip - startup Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực du lịch công bố nhận vốn từ nhà đầu tư Thụy Sỹ - IHAG Holding với mức định giá lên tới 45 triệu USD - tương đương 1.000 tỷ đồng, và cũng là lần thứ ba công ty này gọi vốn thành công.

Vntrip.vn sáng lập bởi ông Lê Đắc Lâm, một doanh nhân thuộc thế hệ 8X. Công ty ban đầu được xây dựng từ cái bắt tay với Booking.com. Tiếp theo Vntrip.vn hợp tác với Expedia, đối thủ cạnh tranh số một của Booking.com, để gia tăng nguồn phòng của mình.

Về cơ bản, Vntrip hoạt động theo mô hình OTA - đại lý du lịch trực tuyến. Để tạo dựng thương hiệu thật mạnh và thu hút lượng truy cập lớn gia tăng thị phần, Vntrip đã liên tục bơm tiền liên tục cho hoạt động tiếp thị, quảng cáo và chấp nhận thua lỗ kéo dài.

Giai đoạn hoạt động mạnh nhất, Vntrip tuyên bố sở hữu số lượng phòng lớn nhất cả nước - 10.000 phòng, vượt qua cả các tên tuổi lớn như Booking.com.

Dịch bệnh Covid-19 ập đến khiến ngành du lịch rơi vào khủng hoảng, Vntrip không thể tiếp tục chiến thuật dùng tiền tiếp thị, quảng cáo để chiếm thị phần. Cuối năm 2020, startup này buộc chuyển định hướng từ một OTA thành công ty giải pháp chuyển đổi số ngành du lịch dành cho khách hàng là doanh nghiệp.

Vntrip cho biết đã phục vụ khoảng 1.500 khách hàng doanh nghiệp. Trong đó có những thương hiệu lớn như: Thế Giới Di Động, Sabeco, FWD, TH True Milk...

Chia sẻ trên truyền thông vào cuối năm ngoái, nhà sáng lập Lê Đắc Lâm cho biết, Vntrip đã hòa vốn từ trước đó. Nhưng ông này không phủ nhận nút thắt của mô hình Vntrip đang theo đuổi là vốn lưu động phải lớn, do phải cấp công nợ cho các doanh nghiệp, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Không chỉ có Vntrip gặp khó, một startup Việt khác có tham vọng trở thành Kỳ lân trong ngành du lịch là Luxstay cũng buộc phải rời bỏ thị trường. Luxstay từng gây ấn tượng khi gọi vốn thành công 6 triệu USD từ ba nhà đầu tư Nguyễn Thanh Việt, Phạm Thanh Hưng và Nguyễn Ngọc Thủy và trở thành kỷ lục chưa từng có trong Shark Tank Việt Nam.

Luxstay theo đuổi mô hình cho thuê nhà ngắn hạn, cho thuê homestay, kết nối khách du lịch với các chủ nhà tại Việt Nam.

Tới cuối năm 2019, Luxstay đã xây dựng được mạng lưới với gần 20.000 chỗ ở, phủ sóng trên 48 tỉnh thành khắp cả nước với hơn 1 triệu người dùng, đặt mục tiêu dẫn dắt thị trường khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã ngăn đà tăng trưởng của startup này. Công ty sau đó đã âm thầm rút khỏi mảng du lịch và được thay thế bằng thương hiệu LuxWorld - nền tảng GameFi ứng dụng công nghệ Web3 và NFT.

Trong khi Vntrip và Luxstay đều phải lùi bước, một startup du lịch khác của Việt Nam là Mytour của CTCP Du lịch Việt Nam VNTravel lại chớp thời cơ chiếm lĩnh thị phần khi liên tục tung ra các khuyến mãi, quảng cáo trong giai đoạn 2021 - 2022.

Hậu thuẫn cho Mytour là VNLife - kỳ lân của Việt Nam (công ty mẹ của fintech VNPay và VNTravel). Hệ sinh thái của VNLife trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ thanh toán điện tử, giải pháp ngân hàng, du lịch trực tuyến cho tới bán lẻ đa kênh.

Trên website của Mytour, startup cho biết sở hữu mạng lưới hơn 20.000 đối tác về du lịch, nhà hàng, khách sạn với hơn 50.000 lượt khách sử dụng mỗi tháng.

Cùng thời với Mytour, iVIVU.com - thành viên của Tập đoàn TMG Việt Nam liên tục đầu tư vào công nghệ và khẳng định tăng trưởng đều đặn hàng năm.

Từng có thời điểm, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TMG Việt Nam kì vọng doanh thu của iVIVU sẽ vượt các OTA ngoại như Agoda.

Chiến lược mà iVIVU thực hiện là không dựa trên cạnh tranh bằng giá rẻ, không phủ thật nhiều sản phẩm mà tập trung vào giá trị gia tăng. Đơn vị này cung cấp miễn phí phần mềm quản lý khách sạn (PMS) cho các nhà nghỉ, khách sạn nhỏ và vừa. Giá trị tăng thêm trên cũng giúp sản phẩm của iVivu được biết đến nhiều hơn.

Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống iVIVU đã liên kết với khoảng 2.500 khách sạn tại Việt Nam và hơn 30.000 khách sạn quốc tế.

Tuy nhiên, tham vọng của ông Trần Trọng Kiên đến nay vẫn chưa thành hiện thực, khi theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, 80% thị phần du lịch trực tuyến ở Việt Nam vẫn thuộc về các đại lý du lịch trực tuyến nước ngoài như: Agoda, Booking.com, Traveloka, hay Expedia...

Thực tế, không chỉ các OTA nước ngoài là quan tâm tới thị trường du lịch trực tuyến, mà các công ty gọi xe và giao đồ ăn ở Đông Nam Á cũng đang hợp lực với hi vọng nắm bắt được nhu cầu du lịch ngày càng tăng sau đại dịch Covid-19.

Điển hình như việc công ty giao đồ ăn Foodpanda đã ký kết hợp tác chiến lược với ứng dụng gọi xe Tada khi 2 hãng này bắt đầu tiếp thị tại Singapore và Campuchia - nơi tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á 2023 vào tháng 5.

Tương tự, Grab cũng đã bắt tay với một số đối tác để du khách đến Đông Nam Á có thể đặt chuyến đi trên các ứng dụng địa phương. Tại Trung Quốc, Grab đã làm việc với các ứng dụng như WeChat và AliPay, còn tại Hàn Quốc là ứng dụng gọi xe Kakao T.