Tập đoàn Tiến Phước bán bệnh viện AIH trị giá 45,6 triệu USD

Việt Hưng - 14:53, 05/10/2023

TheLEADERTập đoàn y tế Raffles Medical sẽ mua phần lớn cổ phần của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ, chủ đầu tư của AIH và tham gia vào các hoạt động quản trị, quản lý vận hành bệnh viện này.

Bệnh viện quốc tế Mỹ (AIH) tại TP. HCM vừa công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Tập đoàn y tế Raffles Medical (RMG) của tỷ phú Singapore Loo Choon Yong.

Theo các điều khoản hợp tác có hiệu lực từ tháng 10/2023, RMG sẽ tham gia vào các hoạt động quản trị, quản lý vận hành AIH và phát triển một số chuyên khoa sâu như ung bướu, và ngoại tổng quát.

Trước đó RMG cho biết sẽ mua phần lớn cổ phần của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ, chủ đầu tư của AIH. Giá trị của bệnh viện được xác định là 45,6 triệu USD theo định giá của Savills Việt Nam hồi tháng 7.

Việc mua lại AIH sẽ giúp RMG nắm bắt cơ hội phát triển từ sự bùng nổ nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân tại Việt Nam. Đồng thời hỗ trợ tham vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ y tế - chăm sóc sức khỏe chất lượng cao được người dân trong khu vực lựa chọn của RMG.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh - Tổng Giám đốc AIH chia sẻ: "Thông qua hợp tác chiến lược này, AIH sẽ có thêm một đối tác quốc tế dày dặn kinh nghiệm giúp chúng tôi đảm bảo chất lượng về chuyên môn y khoa cũng như có nhiều lợi thế cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao tại Việt Nam".

Bệnh viện quốc tế Mỹ (AIH) chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018 có công suất hoạt động 120 giường nội trú và quy mô nhân sự khoảng 500 người. Đây là một dự án của Tập đoàn Tiến Phước, chủ đầu tư bất động sản lâu đời tại TP.HCM.

Tỷ phú Singapore mua lại một bệnh viện quốc tế ở Việt Nam 1
Bệnh viện quốc tế Mỹ (AIH) có 120 giường nội trú và quy mô 500 nhân sự

Việt Nam đang thu hút các khoản đầu tư vào lĩnh vực y tế, vì có thể khai thác nhu cầu đang bùng nổ về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân tại đây. Quy mô hơn 100 triệu dân với thu nhập và dân trí đang cao lên, tạo ra nhu cầu được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao, được phục vụ tốt ngày một tăng.

Trước Raffles Medical, Thomson Medical (TMG) cũng thông báo chi 381 triệu USD mua lại 100% cổ phần hệ thống bệnh viện Pháp Việt (bệnh viện FV) và trở thành thương vụ thâu tóm bệnh viện có giá trị lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Hay nhóm nhà đầu tư do GIC đại diện chi 203 triệu USD để nắm cổ phần thiểu số tại VMC Holding - công ty mẹ của Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Còn VinaCapital đang xem xét việc bán cổ phần tại Hệ thống Y tế Thu Cúc (TCI) định giá từ 150 đến 200 triệu USD. Hiện VinaCapital đang liên hệ với ít nhất một nhà đầu tư tài chính về khả năng bán 30% cổ phần tại TCI.

Sở dĩ, thị trường y tế tại Việt Nam đang ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại là do nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong nước đang tăng cao, mức độ chi tiêu cho y tế tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 9,1%.

Ngoài ra, sự phát triển của mô hình du lịch y tế trong thời gian gần đây cũng biến Việt Nam trở thành điểm đến hứa hẹn với các khách hàng trong khu vực như Lào, Myanmar, và Campuchia.

Thị trường du lịch y tế tại Việt Nam hiện có quy mô khoảng 2 tỷ USD với hơn 300.000 lượt khách quốc tế mỗi năm đến thăm khám và điều trị. Do đó, đây là cơ hội để nhà đầu tư quốc tế khai thác tiềm năng thị trường.