Thúc đẩy xây dựng nhà máy xanh

Việt Hưng - 14:24, 12/03/2024

TheLEADERThế giới đang hướng đến việc phát triển công trình, nhà máy xanh vì sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm chi phí vận hành, giảm thiểu tác động tới môi trường trong khi vẫn đảm bảo tiện nghi cho người sử dụng…

Nhằm thúc đẩy quá trình xanh hóa các công trình công nghiệp tại Việt Nam, Sagen đã hợp tác cùng FPT IS cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi xanh cho các tổ chức, cũng như cá nhân có nhu cầu về nhà máy, công trình xanh.

Trong khuôn khổ hợp tác, hai bên đặt trọng tâm vào lĩnh vực xây dựng nhà máy xanh. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cam kết cân bằng phát thải đang đến gần, nhiều ngành sản xuất đang bị ảnh hưởng về thị trường và thu hút vốn đầu tư do chậm chân trong việc xanh hóa nhà máy.

Các ngành chủ đạo của FPT IS và Sagen đang tập trung như: dược phẩm - thực phẩm, gỗ nội thất - gia dụng, cũng như xây dựng đang ghi nhận nhu cầu cao trong việc cải thiện các tiêu chuẩn dịch vụ, giải pháp đáp ứng các quy định quốc tế.

Trong đó, việc đạt tiêu chuẩn xanh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc xuất khẩu hàng hóa, kêu gọi tài trợ vốn đầu tư, từ đó nhanh chóng mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về phía Sagen, công ty cung cấp các dịch vụ tư vấn trọn gói, đề xuất giải pháp nhằm tối ưu hóa mọi hoạt động xây dựng từ lên hồ sơ thiết kế, chứng chỉ xanh, thi công và vận hành công trình bền vững.

"Để mở rộng sân chơi, không chỉ trong nước mà còn vươn tầm toàn cầu, Sagen xác định trọng tâm trong việc nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ, kiến tạo công trình xanh bền vững", ông Nguyễn Thành Tân - Tổng Giám đốc Sagen bày tỏ.

Trải qua hơn 21 năm thành lập và phát triển, Sagen được biết đến là thương hiệu uy tín chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế các công trình công nghiệp, trọng điểm là các nhà máy dược phẩm - thực phẩm và các công trình dân dụng gồm: hệ thống trường, chung cư, văn phòng, khách sạn...

Thúc đẩy xây dựng nhà máy xanh
FPT IS và Sagen thúc đẩy xây dựng các nhà máy xanh tại Việt Nam - Ảnh: FPT IS

Sagen đã thiết kế hơn 300 công trình dân dụng - công nghiệp trong nước, giám sát thi công và quản lý dự án cho hơn 50 công trình.

Điển hình có thể kể đến như: Dược Hậu Giang, Traphaco, Bidipha, Danapha, Phenikaa, OPC, Imexpharm, Medochemie, Vingroup, Masan, Vissan, Nutifood, Sữa IDP, FPT Complex, Đại học FPT, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Đại Nam, Trường VAS...

Từ 5 năm trước, Sagen đã hướng tới việc áp dụng tiêu chuẩn xanh vào từng công trình, tùy theo nhu cầu của chủ đầu tư như: LEED (bộ chuẩn công trình xanh của Mỹ), LOTUS (hệ thống tiêu chí công trình xanh đầu tiên dành cho thị trường xây dựng Việt Nam).

Về phía FPT IS, ông Trần Đức Trí Quang - Giám đốc dữ liệu chia sẻ, FPT IS hiện là đơn vị tiên phong trong thực hiện các dự án chuyển đổi xanh tại Việt Nam.

FPT IS cam kết song hành xây dựng lộ trình tiếp cận, triển khai chuyển đổi xanh phù hợp và thuận lợi để nâng cao hiệu quả xây dựng và thúc đẩy tạo tín dụng xanh cùng Sagen nói riêng, Việt Nam nói chung.

Với hợp tác này, FPT IS sẽ song hành trong toàn bộ lộ trình từ tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi xanh, bao gồm các công nghệ giúp tối ưu vận hành nhà máy theo xu hướng kinh tế tuần hoàn, giảm điện năng tiêu thụ, quản lý và thu hồi chất thải...

Công ty đang tập trung phát triển 2 giải pháp gồm: giải pháp kiểm kê khí nhà kính và báo cáo ESG VertZero, giải pháp xây dựng nhà máy không phát thải NetZero Factory.

Giải pháp hướng tới mục tiêu giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí xây dựng cũng như vận hành nhà máy xanh, số hóa toàn diện quy trình thu thập dữ liệu môi trường, tính toán, quản lý, tạo báo cáo khí thải và theo dõi tiến trình thực hiện cam kết.

Thúc đẩy xây dựng nhà máy xanh 1
Phối cảnh nhà máy, khu công nghiệp áp dụng tiêu chuẩn xanh - Ảnh: Sagen

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 9 năm ngoái, số lượng công trình xanh tại Việt Nam mới đạt khoảng 300 công trình, với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng.

Trong khi đó, công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành xu hướng ở hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, những công trình xanh đầu tiên bắt đầu xuất hiện vào khoảng giai đoạn từ năm 2005-2010.

Thế giới đang hướng đến việc phát triển công trình xanh vì sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm chi phí vận hành, giảm thiểu tác động tới môi trường trong khi vẫn đảm bảo tiện nghi cho người sử dụng…

Đại diện Bộ Xây Dựng cho rằng, công trình xanh hiện là xu thế tất yếu, song việc phát triển ở Việt Nam trong thời gian qua cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức.

Cụ thể, ngoài những tác động của Covid-19, sự phát triển chậm lại của thị trường bất động sản, các chủ đầu tư dự án công trình xanh cũng còn gặp những khó khăn về tiếp cận và đảm bảo nguồn vốn đầu tư tăng thêm để đáp ứng tiêu chuẩn xanh…

Thêm nữa, hiện cũng chưa có quy định bắt buộc dán nhãn, đánh giá chứng nhận các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng để đưa vào sử dụng trong công trình.

Để cải thiện vấn đề trên, giới chuyên môn đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu hàng lang pháp lý đối với công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích và bắt buộc đối với các công trình, dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, cần sớm ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, bộ tiêu chí hướng dẫn thiết kế công trình xanh nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.