Tiêu dùng nội địa hồi phục nhẹ

An Chi - 10:36, 06/03/2022

TheLEADERSau thời gian dài ảm đạm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người dân cắt giảm chi tiêu, những tháng đầu năm 2022, thị trường tiêu dùng trong nước đã dần hồi phục trở lại.

Tiêu dùng nội địa hồi phục nhẹ
Thị trường tiêu dùng trong nước đang dần hồi phục trở lại.

Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, tháng 2/2022 có kỳ nghỉ tết Nguyên đán với nhiều hoạt động khai xuân, lễ hội đã khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 12,6% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 39,4%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2022 ước đạt 421,8 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung hai tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùngước đạt hơn 876 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 0,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 0,7%).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 12,7%; lương thực, thực phẩm tăng 9,0%; phương tiện đi lại tăng 4,3%; may mặc giảm 8,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 9,1%.

Thị trường hàng hóa chủ yếu tập trung cho các hoạt động phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán. 

Về giá cả, trong hai tháng đầu năm, do có thời gian trùng với các dịp lễ lớn trong năm như Tết Nguyên Đán, lễ Rằm tháng Giêng, nhu cầu thực phẩm tăng nên giá một số mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản) tại một số thời điểm có xu hướng tăng so với tháng trước đó. 

Tuy nhiên, ngay sau đó, nhìn chung hầu hết giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã quay trở lại mức bình thường. 

Nhóm mặt hàng năng lượng, nhiên liệu cũng có xu hướng có tăng theo xu hướng giá thế giới. Giá xăng dầu các loại đến kỳ điều hành ngày 21/02/2022 so với kỳ điều hành ngày 11/01/2022 tăng từ 1.570 – 2.562 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng từ 9,59% - 14,04%.

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, thu nhập của người dân giảm sút khiến họ cắt giảm chi tiêu, cùng với các biện pháp giãn cách xã hội, trong năm 2022, nhu cầu tiêu dùng trong nước được kỳ vọng sẽ hồi phục sớm hơn dự kiến khi cả nước trở lại trạng thái bình thường mới, sống chung an toàn với dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, quyết định cắt giảm thuế VAT chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2, quyết định mở cửa lại đường bay quốc tế nội địa và toàn bộ đường bay thường lệ quốc tế từ ngày 15/2 cũng sẽ là động lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Để tiếp tục kích cầu thị trường tiêu dùng nội địa, tạo đà cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng bền vững, Bộ Công thương cho biết, bộ này đã kiến nghị các bộ, ngành thực thi tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công, ổn định tiền tệ, lãi suất, đáp ứng nguồn lao động,... nhằm giúp phục hồi sản xuất, thúc đẩy thương mại.

Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả các hàng hóa do nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong quá trình phục hồi kinh tế.