Tòa hủy biện pháp ngăn chặn dự án trúng đấu giá của Kim Oanh

Thiên Trang - 11:30, 13/11/2020

TheLEADERTòa án đã tuyên hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với dự án Khu dân cư Hòa Lân ở Bình Dương do Công ty CP Địa ốc Kim Oanh TP. HCM trúng đấu giá 1.353 tỷ đồng.

Phán quyết được Tòa án nhân dân Quận 7 (TP. HCM) đưa ra chiều 12/7 cho rằng không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu "hủy kết quả đấu giá dự án Khu dân cư Hòa Lân" của nguyên đơn là Công ty TNHH SX&TM Thiên Phú (gọi tắt là Công ty Thiên Phú).

Đồng thời, hội đồng xét xử cũng tuyên huỷ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm chuyển dịch đối với dự án Khu dân cư Hoà Lân do Công ty CP Địa ốc Kim Oanh TP. HCM (công ty con của Kim Oanh Group) trúng đấu giá.

Toà huỷ biện pháp ngăn chặn dự án trúng đấu giá 1.353 tỷ đồng của Kim Oanh
Một góc khu dân cư Hòa Lân

Công ty Thiên Phú kiện Công ty CP Đấu giá Nam Sài Gòn ra Toà án nhân dân Quận 7 với lý lẽ có sai phạm trong quá trình đấu giá dự án Khu dân cư Hoà Lân.

Ngược thời gian về năm 2002, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Công ty Thiên Phú, do ông Bùi Thế Sơn là Chủ tịch kiêm Giám đốc, thực hiện dự án Khu dân cư Hòa Lân rộng 490.765m2 ở phường Thuận Giao, TP. Thuận An.

Sau đó, Công ty Thiên Phú thế chấp khu đất dự án để vay vốn của Agribank Chợ Lớn nhưng không có khả năng trả nên giao tài sản cho ngân hàng xử lý thu hồi nợ.

Tháng 5/2017, Agribank Chợ Lớn và Công ty CP Đấu giá Nam Sài Gòn tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất dự án Khu dân cư Hòa Lân. Đơn vị trúng đấu giá 1.353 tỷ đồng là Công ty CP Địa ốc Kim Oanh TP. HCM.

Quá trình thực hiện tái định cư, căn cứ chứng từ Công ty Thiên Phú cung cấp, Công ty CP Địa ốc Kim Oanh TP. HCM đã trả gần 30 tỷ đồng cho 14 hộ dân theo giá trị quyền sử dụng đất tái định cư.

Tuy nhiên, ngày 14/2/2019, Công ty Thiên Phú khởi kiện Công ty CP Đấu giá Nam Sài Gòn, yêu cầu Tòa án nhân dân quận 7 hủy kết quả đấu giá dự án Khu dân cư Hòa Lân vì cho rằng có vi phạm, dẫn đến việc nguyên đơn không trả được nợ, phát sinh lãi phạt và ảnh hưởng các quyền lợi về tài sản.

Nguyên đơn cho rằng Agribank Chợ Lớn đã đo sai diện tích, làm hụt 8.452 m2 của dự án. Sau khi thông báo bán đấu giá lần một không có khách đăng ký tham gia, ngày 26/8/2015 Agribank Chợ Lớn gửi công văn cho Công ty CP Đấu giá Nam Sài Gòn giảm 2% giá trị tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Giá khởi điểm mới là 1.438 tỷ đồng trong khi giá chính xác là hơn 1.467 tỷ đồng.

Biên bản đấu giá ngày 25/5/2017 quy định nghĩa vụ của người trúng đấu giá (Công ty CP Địa ốc Kim Oanh TP. HCM). Ngày 1/7/2017, dù chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng Công ty CP Đấu giá Nam Sài Gòn đã chuyển nhượng cho Công ty CP Địa ốc Kim Oanh TP. HCM tại Văn phòng công chứng Thành Phố Mới tỉnh Bình Dương là trái pháp luật và gây thiệt hại cho Công ty Thiên Phú.

Công ty Thiên Phú cũng cho rằng, Công ty Kim Oanh liên tục vi phạm cam kết nghĩa vụ thanh toán trong một thời gian dài nhưng Agribank Chợ Lớn không có biện pháp quyết liệt để xử lý là trái với quy chế đấu giá, thông báo đấu giá và quy định ban đầu của Agribank Chợ Lớn đưa ra...

Một tháng sau khi thụ lý vụ kiện, TAND Quận 7 ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm chuyển dịch về quyền và tài sản dưới mọi hình thức đối với các tài sản thuộc dự án này.

Đến ngày 28/3/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định 14 hộ dân nhận tiền tái định cư của Công ty Kim Oanh đều là khống. Ông Bùi Thế Sơn đã chỉ đạo cấp dưới làm giả danh sách này để chiếm đoạt tiền. Ông Sơn và đồng phạm bị bắt giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khi phân tích về vụ việc này, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng những điều bất hợp lý đang tồn tại trong vụ tranh chấp dự án Khu dân cư Hòa Lân cần được chấm dứt để bảo vệ doanh nghiệp trúng đấu giá, môi trường đầu tư và sự thượng tôn của pháp luật.

Theo luật sư Nghĩa, sự thật khách quan ở đây là việc Kim Oanh trúng đấu giá đã giúp cho Agribank được giảm bớt một phần nợ xấu của Công ty Thiên Phú và Công ty Thiên Phú được giải cứu khỏi một phần trách nhiệm nợ xấu của mình.

Ông Nghĩa lập luận, nếu thị trường nhà đất đi xuống, giá đất tụt xuống, đấu giá chỉ được 500 tỷ hay 700 tỷ đồng thì nguyên đơn có được 1.353 tỷ đồng để trả nợ như vừa qua không? Hoặc là, nếu đấu giá không thành, không ai mua, nguyên đơn không trả được nợ thì Agribank không thu hồi được khoản nợ xấu 1.353 tỷ đồng.

“Việc đấu giá thành các lô đất của dự án Khu dân cư Hòa Lân thì ai có lợi và ai bị thiệt hại?”, luật sư Nghĩa đặt câu hỏi và cho rằng người có lợi trước hết là nguyên đơn đã đấu giá được lô đất với giá cao hơn giá khởi điểm đến hơn 300 tỷ đồng. Tiếp theo, Agribank Chợ Lớn có lợi vì đã thu hồi được nợ.

Luật sư Nghĩa phân tích nhà nước không bị thiệt hại bởi vì những lý do sau đây: Nhà nước đã thu tiền sử dụng đất cho lô đất có thu tiền sử dụng đất, bằng chứng là Công ty Thiên Phú đã được cấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần đất này.

Lô đất không thu tiền sử dụng đất không bán đấu giá và vẫn thuộc về nhà nước, như các bên đã khẳng định tại biên bản bán tài sản đấu giá và hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được ký kết sau khi đấu giá thành.

Nguyên đơn không bị thiệt hại và chỉ có lợi. Nguyên đơn cho rằng mình bị thiệt hại bởi vì khi đo đạc thì đất bị thiếu là một điều trái nguyên tắc “thiện chí, trung thực”. Việc đo đạc lại và thanh toán theo thực tế là đúng theo thỏa thuận của các bên. Đất này đã được giao cho nguyên đơn trên giấy tờ đã trên 10 năm, với bao nhiêu biến động nên thỏa thuận này hoàn toàn hợp lý.

Nay nguyên đơn lại nói mình bị đo đạc lại nên thiếu 8.452m2, trong khi đất là do nguyên đơn nhận từ nhà nước và quản lý xuyên suốt đến giờ. Việc thiếu 8.452m2 là do nhà nước quy hoạch lại, thu hồi và Công ty Thiên Phú đã nhận tiền bồi thường cho số diện tích này.

Tại phiên tòa các bên cũng đã có chứng cứ là, dù thực tế thiếu 8.452m2, Kim Oanh đã trả đủ diện tích như thông báo đấu giá. Nghĩa là Công ty Thiên Phú đã nhận tiền hai lần cho 8.452m2, một lần từ nhà nước và một lần từ Kim Oanh. Nguyên đơn cho rằng mình bị thiệt hại do không niêm yết giá đúng nơi, trong khi toàn bộ giá khởi điểm đều do nguyên đơn thỏa thuận với ngân hàng.

Theo đại diện Kim Oanh, công ty chính là bên thiệt hại, trong đó có 1.353 tỷ đồng tiền mua đấu giá đất và bị chôn vào vụ đấu giá, không lưu thông được, thiệt hại đến nay gần 300 tỷ đồng và thiệt hại vẫn đang tiếp tục. Kim Oanh phải đóng tiền mua đất với giá trên giấy tờ, thiếu 8.452m2, đến nay vẫn chưa thu hồi lại được số tiền này theo như thỏa thuận.