Toyota Việt Nam hỗ trợ nội địa hóa chuỗi cung ứng ô tô

Phạm Sơn - 15:09, 19/04/2022

TheLEADERSau nhiều năm thực hiện các chính sách hỗ trợ, ngành công nghiệp ô tô vẫn chỉ đạt mức nội địa hóa từ 7 – 10% với dòng xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia...

Toyota Việt Nam hỗ trợ nội địa hóa chuỗi cung ứng ô tô
Toyota là hãng xe ô tô có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất tại Việt Nam. Ảnh: BGT.

Có thể nói, mục tiêu nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô đến năm 2020 đạt 60% đã hoàn toàn thất bại. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp nhiều biến động, tỷ lệ nội địa hóa thấp khiến ngành lắp ráp xe hơi tương đối khó khăn. Dịch bệnh đã được kiểm soát, sức mua tăng lên nhưng nhiều hãng xe phải hoãn giao hàng do không lắp ráp kịp.

Nhận xét về thực trạng công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô, ông Cao Văn Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, cho biết, phụ tùng và linh kiện ô tô ở Việt Nam vẫn chủ yếu được sản xuất bởi các dây chuyền công nghệ đơn giản và thâm dụng lao động; chuỗi sản xuất chưa được liên kết chặt chẽ cung – cầu.

Thực tế, chỉ có một số ít doanh nghiệp phụ trợ tại Việt Nam có đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, lắp ráp ô tô. Điều này dẫn đến việc một số nhà sản xuất ô tô trong nước như VinFast, Thaco phải đầu tư rất lớn để phát triển chuỗi cung ứng.

Trong các doanh nghiệp ô tô đang hoạt động tại Việt Nam, Toyota là hãng xe có tỷ lệ nội địa hóa tương đối cao, đạt khoảng 36%, với 724 linh kiện, được cung cấp bởi 46 công ty trong nước, trong đó có 6 công ty thuần Việt.

Đặt mục tiêu tiếp tục tăng nhà cung cấp nội địa và thêm hơn 200 linh kiện được nội địa hóa trong năm 2022, mới đây, Toyota Việt Nam đã phối hợp cùng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, thực hiện Dự án hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp phụ trợ trong nước.

Dự án được triển khai bắt đầu từ việc sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất, lập danh sách các doanh nghiệp có tiềm năng cung ứng phụ tùng, linh kiện ô tô. Dữ liệu này được sử dụng để kết nối các doanh nghiệp cung ứng tiềm năng với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam.

Tiếp đó, từ cơ sở dữ liệu sàng lọc, tiến hành tìm kiếm và hỗ trợ nhà cung ứng tiềm năng cấp 2, cấp 3 và giới thiệu đến nhà cung ứng cấp 1; hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng tham gia đào tạo nâng cao trình độ.

Đại diện Toyota Việt Nam cho biết, thúc đẩy nội địa hóa ngành ô tô không phải chỉ là tăng số lượng nhà cung ứng Việt Nam mà còn phải tăng năng suất, hiệu quả và giảm chi phí, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Thông qua dự án, các doanh nghiệp có cơ hội được chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi từ những “hình mẫu” là các nhà cung ứng chiến lược của Toyota, từ đó từng bước cải thiện trình độ.

Toyota Việt Nam cũng trực tiếp làm việc cùng các nhà cung ứng, từ nâng cao tay nghề nhân sự cho tới hướng dẫn sản xuất tinh gọn, thiết kế nơi làm việc an toàn, hiệu quả…

Như vậy, theo Cục Công nghiệp, tham gia vào dự án, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng không chỉ tạo ra sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng và giá cả mà còn đáp ứng được những điều kiện khắt khe khác về môi trường, điều kiện lao động, trách nhiệm xã hội…

Cùng với dự án này, Cục Công nghiệp cũng triển khai hợp tác với các doanh nghiệp FDI lớn khác tại Việt Nam để thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.