Tranh cãi về bên nắm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thuê lao động

Hường Hoàng - 08:01, 06/06/2022

TheLEADERDoanh nghiệp thường dựa vào người lao động và chuyên gia tư vấn độc lập để phát triển tài sản trí tuệ của mình. Và sau đó, doanh nghiệp thường mặc nhiên rằng họ có quyền sở hữu các quyền đối với những tài sản đó theo nguyên tắc "tôi trả tiền, nên tôi là người sở hữu". Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Tranh cãi về bên nắm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thuê lao động
Vẫn còn nhiều tranh cãi về bên nắm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thuê lao động (Ảnh: online.law.tulane.edu)

Tài sản trí tuệ có thể là một chương trình phần mềm, bài báo, kịch bản, kế hoạch và bản vẽ thiết kế, biểu tượng mới, sản phẩm hoặc quy trình mới, bao bì sản phẩm, kiểu dáng sản phẩm mới, kế hoạch kinh doanh, sáng chế và những thành quả của những nỗ lực sáng tạo khác.

Ai là người sở hữu quyền đối với những sản phẩm do người lao động tạo ra: cá nhân nhà sáng tạo hay người sử dụng lao động? Đây là một câu hỏi không rõ ràng và không dễ để trả lời. Ở từng quốc gia khác nhau và thậm chí ngay cả trong một quốc gia cụ thể, bên sở hữu quyền đối với sản phẩm sẽ phụ thuộc vào pháp luật, hoàn cảnh và mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Quyền sở hữu đối với những cải tiến về chức năng của sản phẩm (sáng chếbằng độc quyền sáng chế)

Ở nhiều nước, người sử dụng lao động là bên sở hữu sáng chế do người làm thuê tạo ra nếu sáng chế đó liên quan đến hoạt động kinh doanh của người sử dụng lao động (nếu trong hợp đồng lao động không có quy định gì khác). Ngược lại ở một số nước khác, về nguyên tắc, người làm thuê tạo ra sáng chế sẽ có những quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế nếu giữa người sử dụng lao động và người làm thuê không có thoả thuận khác.

Ở một số quốc gia (cụ thể là Hoa Kỳ), người làm thuê là tác giả sáng chế có thể có quyền khai thác sáng chế. Trong khi đó, người sử dụng lao động thường được trao quyền sử dụng sáng chế một cách không độc quyền với những mục đích nội bộ (hay còn được gọi là "shop rights").

Tuy nhiên, các sáng chế của giảng viên hay nghiên cứu viên trong trường đại học sẽ được áp dụng những quy định đặc biệt theo chính sách sở hữu trí tuệ của các tổ chức đó.

Ở một số quốc gia, người làm thuê là tác giả sáng chế có quyền yêu cầu trả thù lao hoặc bồi thường hợp lý và công bằng cho sáng chế của họ khi người sử dụng lao động sử dụng các quyền đối với sáng chế đó. Trong khi đó, nhiều quốc gia không có quy định về việc người lao động sẽ nhận được thù lao và bồi thường cho sáng chế của mình. Hoặc người lao động sẽ chỉ nhận được thù lao trong một số trường hợp ngoại lệ, và khoản này cũng sẽ rất hạn chế.

Quyền sở hữu quyền tác giả

Ở hầu hết các nước, nếu người làm thuê tạo ra một tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật trong phạm vi công việc của mình thì người sử dụng lao động mặc nhiên sở hữu quyền tác giả, trừ khi có quy định khác. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Theo pháp luật quyền tác giả của một số nước, nếu sự chuyển giao quyền không được thực hiện một cách mặc định và với những vụ việc phức tạp, các án lệ sẽ được áp dụng.

Có một vài trường hợp mà theo đó người sử dụng lao động sẽ sở hữu toàn bộ hoặc một số quyền. Ví dụ, ở hầu hết các quốc gia, nếu người sử dụng lao động xuất bản báo hoặc tạp chí thì người làm thuê sẽ sở hữu quyền tác giả với một số mục đích nhất định, chẳng hạn như việc phát hành sách. Trong khi đó, người sử dụng lao động sẽ sở hữu quyền tác giả với những mục đích khác.

Tuy nhiên, ở hầu hết các quốc gia, nếu người làm thuê tạo ra sản phẩm phần mềm trong quá trình làm việc thì người sử dụng lao động sẽ sở hữu các quyền đối với sản phẩm sáng tạo, trừ khi trong hợp đồng lao động có quy định khác.

Cũng cần lưu ý rằng, các quyền tinh thần (nghĩa là quyền yêu cầu được công nhận là tác giả của tác phẩm và quyền phản đối với những thay đổi về tác phẩm mà có thể làm tổn hại đến uy tín của tác già), là quyền không thể chuyển nhượng. Và theo đó, quyền này sẽ vẫn thuộc về tác giả ngay cả khi quyền tài sản trong quyền tác giả đã được chuyển giao cho người sử dụng lao động. Tuy nhiên, những quyền nhân thân có thể bị từ chối ở một số nước (cụ thể là Hoa Kỳ và Canađa).

Quyền sở hữu đối với kiểu dáng công nghiệp

Nhìn chung, trong trường hợp người làm thuê được yêu cầu tạo ra kiểu dáng công nghiệp theo hợp đồng lao động thì kiểu dáng công nghiệp đó sẽ thuộc về người sử dụng lao động. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp do người làm thuê tạo ra trong thời hạn hợp đồng lao động sẽ thuộc về người làm thuê, trừ khi có thỏa thuận khác.

Trong một số trường hợp, người làm thuê sẽ yêu cầu người sử dụng lao động thanh toán một khoản thù lao hợp lý có tính đến giá trị kinh tế của kiểu dáng công nghiệp đó và một lợi ích bất kỳ nào đó mà người sử dụng lao động nhận được từ việc sử dụng kiểu dáng công nghiệp đó.

Ở các nước khác (ví dụ như Hoa Kỳ), nếu người tạo ra kiểu dáng công nghiệp không nhận được một khoản thù lao cho kiểu dáng công nghiệp đã sáng tạo, người tạo ra kiểu dáng công nghiệp sẽ là chủ sở hữu của kiểu dáng công nghiệp đó.