Ứng viên Phó chủ tịch Tài chính VFF Nguyễn Hoài Nam: Việt Nam và đường đến 'Giấc mơ World Cup'

Kim Yến - 09:57, 28/11/2018

TheLEADERCuộc đua vào chiếc ghế Phó chủ tịch tài chính VFF nhiệm kỳ VIII( 2018 - 2022), người nắm “yết hầu” của nền bóng đá Việt Nam đang trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết, với sự góp mặt của nhiều ứng cử viên nặng ký. Trong đề cử các nhân sự chủ chốt, chức Phó chủ tịch tài chính là vị trí gây rất nhiều tranh cãi, biến động, đến giờ phút này chỉ còn lại bốn ứng cử viên là ông Trần Văn Liêng, ông Cấn Văn Nghĩa, ông Lê Văn Thành và ông Nguyễn Hoài Nam.

Trong bốn ứng cử viên, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch khách sạn Intercontinental Hà Nội, Chủ tịch công ty Nam Hương, Phó chủ tịch khách sạn Sheraton, thành viên HĐQT một số công ty khác... được coi là nặng ký nhất, một “làn gió mới” có thể mang đến nhiều hy vọng hơn cho “Giấc mơ bóng đá Việt Nam” thành hiện thực, bởi sự am hiểu sâu sắc trong lĩnh vực kinh doanh thể thao từ tập đoàn đa quốc gia, những trải nghiệm suốt 15 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, mối quan hệ rộng rãi với bạn bè doanh nhân quốc tế và Việt Nam, niềm đam mê không ngừng nghỉ với bóng đá và tinh thần dân tộc mãnh liệt hiếm thấy.

Chức Phó chủ tịch tài chính VFF trong những nhiệm kỳ trước phần lớn đều do các doanh nhân nổi tiếng đảm nhiệm, thành tựu cũng có nhưng cũng gây không ít tranh cãi, tai tiếng. Nhiệm kỳ này, khi lịch sử bóng đá Việt Nam đang chuẩn bị sang trang, chiếc ghế này lại trở nên “nóng bỏng” hơn bao giờ, vì sao ông vẫn quyết định ứng cử vào một “chảo lửa” đó? Theo ông, trách nhiệm lớn nhất của Ban chấp hành VFF nhiệm kỳ này là gì?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Khi quyết định tham gia chức phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF, tôi nhận được lời khuyên cũng như lời cản của rất nhiều người thân thương, bạn bè, rằng đó là nơi rất phức tạp. Ngay cả má tôi cũng khuyên can vì sao con bước vào nơi phức tạp, nhiều thử thách như một “chảo lửa” như thế?

Nhưng cá nhân tôi lại thấy việc càng có nhiều thách thức thì luôn hàm chứa điều thú vị. Bóng đá với người Việt Nam là môn thể thao có sức hút kỳ lạ, được người Việt dành nhiều tình yêu thương nhất. Và may mắn thay, người quan trọng, gần gũi tôi nhất lại ủng hộ tôi trong quyết định này, đó là bà xã.

Ứng viên Phó chủ tịch Tài chính VFF Nguyễn Hoài Nam: Việt Nam và đường đến 'Giấc mơ World Cup'
Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Giám đốc Berjaya Việt Nam

Lý do thứ hai, ngay từ bé, khi được xem giải bóng đá quốc tế lần đầu tiên trên truyền hình, niềm đam mê bóng đá đã thấm sâu trong tôi, từ đó đến giờ tôi luôn đi bên cạnh bóng đá Việt Nam, làm khá nhiều cho bóng đá, tuy nhiên tôi không đưa điều đó vào câu chuyện kể hàng ngày.

Bây giờ, sau khi đội tuyển U23 Việt Nam có những thành tích rất tốt tại ASEAN cũng như tại Olympic, đặc biệt đến 2026, World Cup sẽ được nâng số đội tham dự từ 32 đến 48 đội, có nghĩa là vùng châu Á của chúng ta sẽ được tăng 8,5 xuất, tạo nên niềm hy vọng rất lớn.

Và tôi nghĩ, 8 năm nữa là thời gian vừa đủ cho chúng ta có tầm nhìn chiến lược, để biến giấc mơ thành hiện thực. 8 năm cũng vừa tròn thời gian hai nhiệm kỳ của liên đoàn, những người tham gia vào nhiệm kỳ 8 sẽ cùng nhau viết đề án này.

Và tôi nghĩ không chỉ những người trong Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam, những người tham gia vào ngành bóng đá, mà tất cả những doanh nhân, doanh nghiệp, những người đam mê thể thao, những người có kiến thức về bóng đá, về tài chính, về vận động tài trợ… sẽ cùng nhau bàn bạc để tìm cho ra chiến lược mang tầm quốc gia cho bóng đá, mà tôi luôn gọi đó là “Giấc mơ Việt Nam” - Giấc mơ World Cup 2026.

Tôi cũng đã từng tài trợ cho đội bóng đá Berajya Đồng Nai trong ba mùa giải, mặc dù kết quả không được như mong muốn. Do đặc thù công việc là Tổng giám đốc Berjaya, tôi được tham gia vào HĐQT của hai đội bóng lớn KV. Kortrijk của Bỉ và FC. Sarajevo của Bosnia đang thi đấu tại giải vô địch của quốc gia này.

Gần đây tôi và các cổ đông đã tiến hành mua lại 60% cổ phần của đội bóng Sarajevo do kết quả thi đấu rất tốt, dẫn đầu giải vô địch quốc gia Bosnia và có hy vọng thi đấu tại giải Champion League năm sau.

Tôi cũng thường xuyên tham gia các hoạt động của Cardiff City tại giải ngoại hạng Anh và luôn treo dòng chữ “Visit Vietnam” trên sân vận động một cách trang trọng, bởi tôi muốn thế giới biết đến Việt Nam.

Thứ ba, đặc thù của vị trí Phó chủ tịch Tài chính là có khả năng kêu gọi tài trợ, tìm được nguồn thu lớn, ổn định, dài hạn cho liên đoàn bóng đá Việt Nam. Với gần 15 năm làm công tác quản trị của một tập đoàn tài chính đa quốc gia, trải qua rất nhiều thử thách, tôi tin mình đủ sự chín chắn và nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng doanh nhân Việt Nam, khi mục đích sự ủng hộ đó là cùng nhau xây dựng giấc mơ Việt Nam, giấc mơ World Cup.

Từ ước mơ, để được phép thực hiện ước mơ, để có kết quả như mong đợi là chặng đường thú vị, nhiều thử thách, nhưng tôi tin rằng Ban chấp hành Liên đoàn nhiệm kỳ mới, với sự ủng hộ của chính phủ, người hâm mộ, và các tổ chức bóng đá thế giới như FIFA, AFC, chúng ta hoàn toàn có thể tin vào tương lai của bóng đá Việt Nam.

Nhìn lại toàn bộ chiến lược tổng thể cho bóng đá Việt Nam, theo ông, nút thắt tài chính có phải là cốt lõi của mọi vấn đề?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Tài chính luôn là yếu tố quan trọng, nhưng theo tôi nghĩ, với bóng đá Việt Nam thì tài chính không phải là yếu tố quan trọng nhất.

Quan trọng nhất là những người đang làm bóng đá, đang làm trong thể thao phải xây dựng một mục tiêu đủ lớn với quỹ thời gian hợp lý, phải nghĩ lớn hơn nhiều so với mục đích có thành tích ở cấp Đông Nam Á, và kiên định với mục tiêu của mình. Trong bóng đá, cụ thể là tham gia trên sân khấu của thế giới đó là sân chơi World Cup. Brazil, Achentina, Bờ Biển Ngà, Croatia… thế giới sẽ không biết đến nhiều nếu họ không đá bóng hay.

Điểm lại vai trò dẫn dắt của VFF trong các nhiệm kỳ trước, theo anh đâu là lực cản lớn nhất khiến cho thể thao Việt Nam chưa bật sáng lên được trên sân khấu quốc tế?

Câu hỏi về các nhiệm kỳ trước đối với tôi luôn là nỗi trăn trở, cần có cái nhìn công bằng. Nhưng bây giờ, là người trong cuộc, ít nhất trong vai trò một ứng viên, tôi thể hiện trong đề án tranh cử của mình rằng hãy nhìn ngày hôm qua bằng sự tri ân. Trước tiên là tri ân người hâm mộ, thứ hai là với những ông bầu, họ đã bỏ rất nhiều tiền bạc, công sức, của cải mà dù tôi không nhắc tên thì cả Việt Nam đều biết. Vì nếu không có họ thì không thể có bóng đá Việt Nam chuyên nghiệp ngày càng gần hơn với tiêu chuẩn của khu vực. Và tri ân người làm bóng đá trong điều kiện nhiều trở ngại.

Quan điểm của tôi là hãy nhìn vào ngày mai, và lực cản luôn còn đấy, nhưng cách hành xử của chúng ta, sự đoàn kết của chúng ta, và tính “fairplay” (công bằng) của chúng ta sẽ quyết định việc vượt qua lực cản thế nào.

Suốt thời gian qua, nỗ lực của các thành phần kinh tế tư nhân và người yêu thể thao dường như vẫn còn khoảng cách quá lớn với hệ thống nhà nước trong ngành thể thao, làm thế nào để bảo đảm tính minh bạch và công bằng cho những đóng góp của họ?

Trong thể thao, phía liên đoàn, những người được bầu, được cử từ phía chính quyền và lực lượng mạnh thường quân luôn có khoảng cách. Bóng đá Việt Nam cũng vậy, luôn có khoảng cách nhất định, khiến cho nhiều người hâm mộ quay lưng với bóng đá khi đọc được thông tin tiêu cực qua truyền thông báo đài.

Bước vào môi trường này, tôi cũng thấy hiện tượng như vậy. Hai lực lượng này phải như hai bánh răng khớp nhau, muốn thế, hai bên cùng phải ngồi xuống để thiết lập nên một môi trường, công thức hoạt động và hợp tác. Vì người làm quản lý Nhà nước và doanh nhân luôn có khoảng hở khác nhau về một vấn đề, nhưng khi chúng ta xây dựng mục đích và con đường cùng nhau, thì việc đi trên chiếc xe thế nào để đến mục đích đó hoàn toàn có thể giải quyết được, dưới sự ủng hộ, thấu hiểu, tạo điều kiện của chính phủ.

Từ những trải nghiệm về điều hành các đội bóng trong môi trường quốc tế, theo ông, bài học đắt giá mà Việt Nam cần học, để giải quyết mâu thuẫn này?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Ngay cả trên thế giới, khi chúng ta xem các giải vô địch bóng đá Anh, Cacio của Ý, Liga của Tây Ban Nha chúng ta chỉ nhìn qua màn hình. Đó là những gì đẹp nhất trên sân khấu. Còn phía sau đó là cả một bộ máy khổng lồ tham gia, từ rất nhiều tài phiệt, công ty quản lý thể thao, công ty quản lý cầu thủ, đến các phương tiện thông tin đại chúng. Và họ cũng có nhiều vấn đề như chúng ta, cũng có tham nhũng tiêu cực thành đại án, nhiều đội bóng bị phá sản, mua đi bán lại, nên chúng ta phải tự tin để ngày càng hoàn thiện mình.

Có chăng điểm khác cực kỳ quan trọng mà chúng ta có thể tin, là mặc dù hậu trường như vậy nhưng những gì họ cho thế giới thấy là đẹp nhất, thật nhất. Chúng ta cũng phải khắc phục khó khăn, điều không đúng, để cho thế giới thấy một giải vô địch quốc gia sạch, mạnh, một đội tuyển quốc gia ít nhất đủ sức cạnh tranh khu vực châu Á.

Kinh nghiệm thế giới rất quan trọng, nhưng hiểu được đặc thù Việt Nam quan trọng hơn.

Vậy theo ông, đâu là điểm mạnh nhất của bóng đá Việt Nam?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Đây là câu hỏi cực kỳ khó, vấn đề chúng ta chưa biến sức mạnh đó thành sức mạnh của từng cầu thủ, từng đội tuyển!

Chúng ta đã có những con đường dài hàng chục km nhuộm đỏ màu cờ, có những khoảnh khắc sân vận động phủ đầy 20 - 40 ngàn người, và hàng triệu người trước màn hình xem bóng đá. Chúng ta có 64 tỉnh thành hiện là 64 trung tâm bóng đá. Và niềm đam mê, ngọn lửa dành cho bóng đá có lẽ ít nước nào sánh bằng.

Nhiều người cho rằng về kỹ thuật, sức vóc, tài chính, chúng ta không có? Điều đó sai! Chúng ta chưa có, chứ không phải không có. Chúng ta chưa có một đội ngũ lượng hóa tình yêu bao la đó, niềm đam mê bao la đó thành một con số.

Ví dụ một giải ngoại hạng Anh, tiền truyền hình mấy trăm triệu bảng Anh, cả thế giới xem, hay ở Nhật Bản cũng vậy. Hay là sân vận động gần 40 ngàn người chật kín xem cầu thủ Việt Nam đá, hay là đội tuyển nữ Việt Nam vô địch Sea Game mà bóng đá Việt Nam không có đủ tiền là một câu hỏi lớn.

Hàng triệu triệu người mặc áo đỏ, hàng chục ngàn người hàng tuần tới xem giải vô địch quốc gia Việt Nam mà doanh nghiệp không mặn mà tham gia vào bóng đá cũng là một câu hỏi.

Khi chúng ta trả lời được 2 câu hỏi này, chúng ta sẽ có tiền, đồng nghĩa sẽ có tập huấn chất lượng cao, sự cọ xát quốc tế và học hỏi từ các chuyên gia quốc tế. Từ ngày Việt Nam có các huấn luyện viên nước ngoài, chúng ta tiến từng bước một, từ khu vực Đông Nam Á tiến ra châu Á. Đó là điểm mạnh.

Tôi cũng chưa thấy hình ảnh nào đẹp bằng hình ảnh các nguyên thủ của chúng ta giật nảy lên trên ghế mỗi khi đội Việt Nam ghi bàn. Một hình ảnh thật giản dị. Đó là một chính phủ yêu bóng đá.

Nghe ông nói thấy… hừng hực quá! Nhưng thực tế khi nhìn vào đời sống vận động viên đỉnh cao của chúng ta thì đầy bi kịch, trong khi đất nước đang tiến vào kỷ nguyên 4.0 thì kinh doanh thể thao vẫn còn 1.0?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Một đất nước có dân số lớn, trẻ, đầy khát khao, cứ xem cách họ đi xe máy ngoài đường thì biết. Rất cần những công ty làm thể thao chuyên nghiệp. Chính họ mới tạo mối quan hệ, gắn chặt mật thiết giữa các CLB Việt Nam với liên đoàn bóng đá các nước giúp chuyển giao công nghệ về quản trị, đào tạo cho bóng đá Việt Nam.

Quan trọng nữa, từ những công ty thể thao chuyên nghiệp đó thì đời sống của những cầu thủ chuyên nghiệp mới được nâng cao, tạo tiền đề cho họ có cuộc sống hậu đỉnh cao hoặc về hưu thông qua phần khai thác hình ảnh để tăng mức thu nhập cho CLB cũng như cho cầu thủ, tăng thu thuế đối với Nhà nước.

Phải hình thành cho được hệ sinh thái bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, bao gồm lớn nhất là người hâm mộ và khán giả, tiếp theo lực lượng vận động viên, người làm công tác chuyên môn, các công ty tiếp thị, quản lý thể thao, các CLB, sau đó là liên đoàn, chính phủ, đó là môi trường thể thao nước nào cũng có, ngoài ra còn có lobby thể thao.

Làm sao bộ máy ấy vận hành trơn tru? Trước tiên phải có tầm nhìn. Tổ chức một giải thể thao trước tiên là muốn gì? Chính vì vậy, người hoạch định chiến lược cho thể thao Việt Nam là vô cùng quan trọng, với 4 năm, 1 nhiệm kỳ không đủ. Nếu trong bóng đá, nhìn vào tư duy 1 nhiệm kỳ, thì người ta chỉ mong muốn là vô địch Sea Games, hoặc vô địch AFF là coi như hoàn thành nhiệm vụ.

Còn nếu chúng ta đồng lòng mong, có tầm nhìn lớn hơn là đội mạnh châu Á, tham gia World Cup, thì chắc chắn không còn tư duy nhiệm kỳ.

Khi biết tin ông tham gia chức vụ này, nhiều doanh nhân trẻ thế hệ ông đã ủng hộ rất nhiều, ông đã nhận được sự tiếp sức thế nào từ đồng đội?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Tôi rất cảm động, từ những bạn doanh nhân rất trẻ mới vào nghề đến những anh chị thành công âm thầm hơn nhưng đều truyền lửa, cho tôi nhiệt huyết để vượt lên những cái hàng ngày, để làm gì lớn hơn cho bóng đá. Thể thao không bao giờ phát triển được nếu không có doanh nhân.

Hệ sinh thái bóng đá Việt Nam luôn mở cho các doanh nghiệp, những người liên quan với bóng đá đóng góp tài chính, trí tuệ, kinh nghiệm mà họ học được khắp năm châu bốn biển.

Tôi rất thích ý kiến của anh Trần Văn Liêng, người cùng ứng cử với tôi vị trí này. Anh Liêng cho rằng khi bóng đá mở ra cho sự đóng góp của người hâm mộ thì chúng ta thực sự thành công.

Nhưng đằng sau vinh quang, có không ít ông bầu phải ngậm ngùi, thậm chí có người tán gia bại sản, ông nghĩ gì về sự cô đơn của những ông bầu?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Bóng đá Việt Nam thực sự nợ những ông bầu như bầu Thắng, bầu Kiên, bầu Đức, bầu Thụy, bầu Hiển, bầu Trường… và rất nhiều ông bầu khác tôi không nhớ tên, cuối cùng họ rất cô đơn, đôi khi có người gặp khó khăn. Nhiều người lấy đó ra làm ví dụ để khuyên tôi, tôi nhìn ngược lại. Họ đáng được tri ân, trân trọng. Nếu không tri ân chúng ta khó xây được nền bóng đá mạnh hơn, tốt hơn…

Tôi mong ngày nào đó thật gần những người đó quay lại giúp đỡ đàn em và đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Giấc mơ Việt Nam sẽ không bao giờ có được nếu không có sự đóng góp của những người đó.

Trước khi kết thúc bài phỏng vấn này, có một từ tôi muốn nhắc lại, bóng đá Việt Nam, đó là tinh thần đoàn kết. Bóng đá là môn tập thể, sức mạnh của một đội bóng là đoàn kết. Nền bóng đá Việt Nam cũng vậy.

Xin cám ơn ông!