Về doanh nghiệp nhà nước, cùng xem thủ tướng mới giải quyết vấn đề cũ

Nhật Hạ - 09:25, 25/03/2022

TheLEADERHoạt động và đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, Việt Nam còn gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 94 doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn gồm: 9 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con.

Về số lượng, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế, khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm cuối năm 2020. Tuy nhiên, số doanh nghiệp nhà nước này lại nắm giữ nguồn lực lớn 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn doanh nghiệp trên thị trường.

Đóng góp chưa tương xứng với tiềm năng

Với nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng hoạt động và đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế và năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua không được thúc đẩy.

Việc tái cơ cấu toàn diện mới chủ yếu tập trung sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn, mà chưa chú trọng vào định hướng, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và một chiến lược kinh doanh dài hạn có tính khả thi cao.

Một số doanh nghiệp nhà nước thiếu tầm nhìn chiến lược để phát triển doanh nghiệp nhất là tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra quốc tế.

Trước những hạn chế trên và mong muốn doanh nghiệp nhà nước thực sự là ‘lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước’, tại hội nghị với doanh nghiệp nhà nước hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh “rất cần nhận diện những điểm nghẽn”, để đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiểu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp này thời gian tới.

Nhận diện những điểm nghẽn của doanh nghiệp nhà nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị ngày 24/3. Ảnh: Nhật Bắc.

Theo đó, hàng loạt câu hỏi đã được Thủ tướng đưa ra: Vì sao các doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thu hút, thúc đẩy các thành phần khác phát triển?

Tại sao hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ? Tại sao lại có tình trạng như vậy, nguyên nhân là gì, chủ quan và khách quan như nào? Do cơ chế chính sách hay tổ chức thực hiện hay do con người?

Phải chăng là do các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư phát triển ngành nghề chính của mình hay vì nguyên nhân nào khác?

Vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đã tốt chưa, vướng mắc những gì? Mô hình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần phải như thế nào để phát huy được hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước?

Tại sao công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước lại không đạt kế hoạch, vướng mắc vấn đề gì, nên thoái vốn ở những loại hình doanh nghiệp nào?

Xác định giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp… đã đầy đủ chưa, chặt chẽ chưa? Vì sao thời gian qua làm chưa đạt yêu cầu, mong muốn, để người dân, xã hội có ý kiến liên quan đến lĩnh vực này?

Đặt vấn đề về công tác quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới, chưa theo kịp với quy mô tài sản doanh nghiệp quản lý, Thủ tướng nêu rõ, thực tế cho thấy, cùng một chủ trương, cơ chế, chính sách nhưng có nơi thực hiện tốt, có nơi chậm trễ, có nơi làm không được, có nơi đùn đẩy trách nhiệm...

"Vậy nguyên nhân là gì, có phải do chính người đứng đầu tổ chức đó hay không? Hay do cơ chế, chính sách hay sự phối hợp giữa các bộ, các ngành hay do chỉ đạo? Những vấn đề yếu kém, vướng mắc chúng ta phải cố gắng tìm ra nguyên nhân để có giải pháp thích hợp", Thủ tướng đặt vấn đề.

"Mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhà nước như thế nào để phù hợp, nhất là ở những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhằm phát huy vai trò của tổ chức Đảng tại các doanh nghiệp này?".

Năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước

Trả lời các câu hỏi trên của Thủ tướng và đưa ra giải pháp ‘đúng và trúng’ được xem là điều rất quan trọng lúc này khi đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” vừa được ban hành.

Trong đó, mục tiêu đã được đề ra cụ thể. Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối doanh nghiệp nhà nước. Nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng.

Giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, uy tín và thương hiệu trên thị trường.

Thí điểm lựa chọn một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa có đủ điều kiện, có quy mô hợp lý để đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, tăng cường chất lượng công tác quản trị doanh nghiệp, điều chỉnh phương thức quản trị doanh nghiệp tiếp cận "mô hình quản trị tốt" theo thông lệ quốc tế. Hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao; lành mạnh hóa tài chính, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.