Vì sao năng suất lao động Việt xếp dưới trong khu vực?

Phương Anh - 12:40, 27/05/2024

TheLEADERTheo chuyên gia, năng suất lao động thấp đến từ cơ cấu kinh tế nhiều người làm trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình.

Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/10 so với Singapore, 1/3 so với Malaysia, 3/4 so với Indonesia năm 2022. Chỉ số này được được tính bằng GDP chia cho số lao động có việc làm trong năm.

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Ban Kinh tế Trung ương, lý giải, năng suất lao động thấp là bởi cơ cấu nền kinh tế Việt Nam có phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình.

Lao động làm việc trong doanh nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 30% lao động có việc làm trong năm 2022 nhưng lại tạo ra tới 60% GDP cho cả nền kinh tế.

Theo ông, những con số trên cho thấy nếu muốn tăng năng suất lao động, Việt Nam cần phát triển hơn nữa hệ thống doanh nghiệp, có nhiều hơn mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm sau.

Khuyến nghị này được ông đưa ra tại Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia mới đây. 

Vì sao năng suất lao động Việt xếp dưới trong khu vực?
Nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động dù nhiều người thất nghiệp. Ảnh: Hoàng Anh

Bên cạnh năng suất thấp, lao động Việt còn nhiều hạn chế khác.

Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, chỉ ra nghịch cảnh, các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động mặc dù dư thừa lao động chất lượng thấp, lao động không có trình độ chuyên môn chiếm tỷ lệ lớn.

Cùng với đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực, khả năng tự tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp còn nhiều hạn chế.

Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp đã phải thuê lao động nước ngoài.

Ông Khánh lưu ý, các nguồn FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu không có sự thay đổi về chất lượng đào tạo kịp thời.

Không chỉ vậy, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu về nguồn nhân lực, mất đi lợi thế về chi phí lao động giá rẻ.

Điều này cũng đã được một số đại diện doanh nghiệp nước ngoài cảnh báo gần đây.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), nhận định, cơ cấu dân số vàng hấp dẫn FDI của Việt Nam hiện nay sẽ dần biến mất trong khoảng hai thập kỷ tới. Cùng với đó, lương của người lao động ngày càng cao hơn sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại.

“Các doanh nghiệp FDI nói chung và Hàn Quốc nói riêng khá lo lắng cho tương lai của Việt Nam trong giai đoạn đó, liệu rằng môi trường có còn trẻ, năng động và nhiều tiềm năng nữa hay không”, ông Hong Sun chia sẻ.

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, khi tuyển dụng nhân sự, chúng tôi mong muốn có những nhân sự có trình độ học vấn cơ bản và được đào tạo về kỹ thuật.

Vì vậy, tổ chức này hy vọng các đơn vị công lập về phát triển nguồn nhân lực như trường đại học, trường dạy nghề sẽ tăng cường chức năng và tích cực hợp tác với các công ty Nhật Bản.

Đào tạo chuyển từ cung sang cầu

Ông Khánh khuyến nghị, cần đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, chuyển từ hướng "cung" sang hướng "cầu", đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đòi hỏi lao động tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Ông đề xuất thành lập hội đồng kỹ năng ngành, nghề (Industrial Skills Board) trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, nhằm dự báo nhu cầu nhân lực theo cơ cấu ngành, nghề, giới tính và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội theo từng giai đoạn.

Từ đó, làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó, cần ban hành các danh mục nghề nghiệp bắt buộc phải sử dụng lao động qua đào tạo để hạn chế tuyển dụng lao động phổ thông không qua học nghề vừa góp phần tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp vừa bảo đảm an toàn lao động cho người lao động.

Không chỉ vậy, cũng cần ban hành thông tư hướng dẫn việc thu hút đầu tư từ doanh nghiệp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhằm khai thác các thiết bị, công nghệ mới, thu hút đầu tư của doanh nghiệp theo hướng xã hội hoá và hợp tác công tư.

Theo ông Tú Anh, Việt Nam phải thực hiện được mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030.

“Chỉ khi tỷ trọng lao động trong doanh nghiệp tăng lên thì năng suất mới tăng nhanh và bền vững, do người lao động được chăm lo tốt hơn thông qua vai trò của các đoàn thể; người lao động cam kết lâu dài hơn nên có động lực để nâng cao năng lực trình độ để tăng năng suất lao động, doanh nghiệp có năng lực tốt hơn trong nâng cao trình độ quản lý, sản xuất, công nghệ”, ông phân tích.

Để làm được điều đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, tri thức, lao động.

Cùng với đó, tiếp tục giảm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước để phát triển nhanh hơn số lượng doanh nghiệp mà tăng quy mô của doanh nghiệp.

Ông lưu ý rằng, cần thực hiện chính sách tiền lương hiệu quả, cùng với sự phát triển kinh tế cần điều chỉnh tăng lương tối thiểu hợp lý nhằm tạo sức ép doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đồng thời, người lao động có động lực nâng cao trình độ tay nghề.