Vietnam Airlines kỳ vọng thoát lỗ từ năm 2024

Trần Anh - 17:19, 16/12/2023

TheLEADERTại Đại hội cổ đông thường niên 2023 vừa diễn ra, ban lãnh đạo Vietnam Airlines đã trình bày nhiều biện pháp tái cấu trúc doanh nghiệp, giúp Vietnam Airlines chấm dứt đà thua lỗ

Sáng 16/12, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 sau nhiều lần trì hoãn.

Tại đại hội, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết đà phục hồi thị trường vận tải hàng không diễn ra khá mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm tuy nhiên đã có xu hướng chậm lại trong quý 2.

Hoạt động vận tải hàng không quốc tế vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức trước đại dịch, các yếu tố đầu vào quan trọng như giá nhiên liệu, lãi suất tuy đã bình ổn hơn nhưng vẫn ở mức cao.

Trong nửa sau năm 2023 hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do kết quả cao điểm hè thấp hơn kỳ vọng, nguy cơ suy giảm cầu tại các thị trường trọng điểm, tình hình thị trường nội địa không khả quan, tái diễn tình trạng thừa tải và suy giảm doanh thu bình quân, các yếu tố đầu vào diễn biến bất lợi và khó lường, rủi ro tài chính rất lớn.

Trong các tháng cuối năm, giá nhiên liệu đang biến động rất mạnh, rủi ro giá nhiên liệu cuối năm 2023 rất khó lường do nhiều yếu tố không chắc chắn về kinh tế vĩ mô, thị trường năng lượng và địa chính trị thế giới.

Với các yếu tố trên đây, cả năm 2023, công ty mẹ ước tính lỗ khoảng 5.350 tỷ đồng, kết quả hợp nhất lỗ trước thuế 6.082 tỷ đồng. Doanh thu thuần năm 2023 dự kiến tăng gần 28% so với năm ngoái lên 91.810 tỷ đồng.

Tại đại hội, Vietnam Airlines đã đưa ra các giải pháp tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, tổng công ty sẽ triển khai các thủ tục SLB (sale and lease back - bán và cho thuê lại) đối với 2 động cơ dự phòng và bán các tàu A321 và ATR72 cũ để bổ sung dòng tiền khoảng 1.800 tỷ đồng (chưa bao gồm việc SLB với 2 máy bay A321 P2F).

Tuy nhiên, việc bán tàu cũng phụ thuộc vào tình hình thị trường cũng như cần điều chỉnh phù hợp với nhu cầu khai thác và thế chấp tài sản cho các khoản vay.

Ngoài ra, Vietnam Airlines thông tin sẽ triển khai các bước để thực hiện các giải pháp hỗ trợ thanh khoản lần 2 theo tiến độ trong Đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn (sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt).

Với kết quả kinh doanh như trên và sự cải thiện của dòng tiền thu bán trước, Vietnam Airlines dự kiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm 2023 có thể đạt mức dương.

Nếu đạt được kết quả này và thực hiện thành công toàn bộ các giải pháp tái cơ cấu tài sản giúp bổ sung dòng tiền khoảng 1.800 tỷ đồng, đồng thời được các ngân hàng thương mại hỗ trợ tín dụng (hạn mức vay ngắn hạn khả dụng khoảng 5.500 tỷ đồng), Vietnam Airlines có thể cân đối dòng tiền thanh toán một phần khoản nợ quá hạn theo cam kết với các chủ nợ để giảm dần nợ quá hạn phát sinh trong giai đoạn bị ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên tổng công ty vẫn cần tiếp tục đàm phán giãn hoãn đối với một số khoản nợ nhà cung cấp.

Dự kiến cuối năm 2023, số dư tiền cuối kỳ khoảng 491 tỷ đồng, dư nợ vay ngắn hạn khoảng 5.500 tỷ đồng, vay tái cấp vốn khoảng 4.000 tỷ đồng và nợ quá hạn nhà cung cấp phải duy trì ở mức khoảng 8.000 tỷ đồng.

Hiện nay, trong bối cảnh các ngân hàng vẫn đang siết chặt giải ngân hạn mức tín dụng và trạng thái tài chính không thuận lợi cho việc vay vốn, doanh nghiệp cho hay khả năng bán máy bay chưa chắc chắn.

Tổng công ty nhận định rủi ro dòng tiền trong năm 2023 vẫn rất lớn đặc biệt nếu hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các yếu tố khách quan như biến động thị trường, giá nhiên liệu, tỷ giá...

Trong trường hợp nếu hoàn thành được thêm giải pháp thoái vốn tại Công ty hàng hoá Tân Sơn Nhất (TCS) trong năm 2023 (theo kiến nghị tại Đề án tái cơ cấu 2021-2025), tổng công ty sẽ có thêm nguồn thu bổ sung để đảm bảo tốt hơn việc cân đối dòng tiền và trả nợ quá hạn theo lộ trình cam kết, giảm các rủi ro pháp lý có thể phát sinh và bổ sung nguồn dự trữ tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn tiếp theo.

Tại Đề án tái cơ cấu 2021-2025, giải pháp thoái vốn năm 2023-2024 (thoái vốn tại TCS năm 2023 và Skypec năm 2024) là các giải pháp trọng yếu để bổ sung dòng tiền đảm bảo khả năng thanh toán, đảm bảo hoàn trả các khoản nợ nhà cung cấp và nợ vay theo lộ trình đã cam kết.

Về rủi ro hủy niêm yết, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết việc âm vốn chủ và thua lỗ ba năm liên tiếp của Vietnam Airlines là tình huống đặc biệt khi ảnh hưởng bởi đại dịch.

Đây là tình huống khách quan, doanh nghiệp tin rằng cơ quan nhà nước sẽ nghiên cứu và đánh giá yếu tố này thận trọng và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn tiếp tục niêm yết trên HOSE. Năm 2024, dự kiến Vietnam Airlines có thể thoát lỗ.

Vietnam Airlines đang tiến hành các giải pháp đồng bộ về tái cơ cấu trong đó tập trung vào các giải pháp tự thân để khắc phục hệ quả của Covid-19. Còn dòng tiền cân đối để đảm bảo hoạt động kinh doanh năm 2023 và 2024 là tự thân Vietnam Airlines thông qua các giải pháp điều hành, cắt giảm chi phí, quản trị nội bộ.

Ban lãnh đạo chia sẻ cần một thời gian không dài để đưa Vietnam Airlines có lãi, cũng cần một thời gian không quá dài để vốn chủ sở hữu dương và khi đó cổ phiếu có thể đáp ứng yêu cầu của HOSE.