Xây dựng 'chỗ đứng' cho người đồng nát, ve chai trong bức tranh ô nhiễm nhựa toàn cầu

Phạm Sơn - 09:43, 30/12/2022

TheLEADERKhông chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới đang ghi nhận và tìm kiếm giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ khu vực thu gom rác thải phi chính thức.

Xây dựng 'chỗ đứng' cho người đồng nát, ve chai trong bức tranh ô nhiễm nhựa toàn cầu
Người thu gom rác dân lập đóng vai trò quan trọng trong quản lý chất thải rắn tại nhiều quốc gia

Khoảng 12,6 – 56 triệu người đang hoạt động trong khu vực phi chính thức liên quan đến rác thải, bao gồm các công đoạn thu gom, phân loại và tái chế. Tại một số quốc gia, phần lớn rác thải được xử lý hoặc tái chế trong khu vực này, tuy nhiên không nhận được sự công nhận từ phía chính quyền, cũng như không nhận được mức thu nhập tương xứng với đóng góp.

Ví dụ như tại khu vực Mỹ La tinh và vịnh Caribbean, lực lượng phi chính thức đóng góp khoảng từ 50 – 99% đầu vào cho ngành công nghiệp tái chế, tuy nhiên chỉ được hưởng 5% lợi nhuận.

Tại Việt Nam, lực lượng phi chính thức, chính là những người đồng nát, ve chai, người thu gom rác dân lập, vựa phế liệu và làng nghề tái chế, suốt nhiều năm qua, cũng không nhận được sự ghi nhận và quan tâm đúng mực. Mãi cho đến gần đây, khi cu thế kinh tế tuần hoàn lên ngôi, một số tổ chức, doanh nghiệp dành sự quan tâm nhiều hơn đến lực lượng thu gom, tái chế rác thải phi chính thức, có thể kể đến như Enda Việt Nam; VietCycle…

Bên cạnh những mục tiêu về xã hội, các dự án hỗ trợ lực lượng lao động phi chính thức còn xuất phát từ thực tế là lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế tuần hoàn. Một nghiên cứu của tập đoàn BVRio, tiền đề cho dự án hợp tác giữa BVRio, Tetra Pak Việt Nam và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), đã chỉ ra, những người đồng nát, ve chai, thu gom rác dân lập là “mắt xích không thể thiếu” trong chuỗi thu gom, tái chế phế liệu.

Không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới, nhóm thu gom, xử lý rác thải phi chính thức đang ngày càng được nhìn nhận đúng hơn với giá trị đem lại. Một số tập đoàn lớn như Coca Cola, Pepsico, Unilever, Nestlé… đã tham gia vào Sáng kiến Tuấn hoàn công bằng, với mục tiêu “tôn trọng và ghi nhận vai trì” của khu vực xử lý chất thải phi chính thức”.

Sáng kiến này dựa trên Nguyên tắc tuần hoàn công bằng, thực tiễn hóa Nguyên tắc hướng dẫn về kinh doanh và nhân quyền của Liên hợp quốc đối với lĩnh vực rác thải phi chính thức. Nguyên tắc chỉ ra nhiều rủi ro mà người nhặt rác dân lập phải đối mặt, bao gồm làm việc trong môi trường thiếu an toàn, thu nhập bấp bênh, không được hưởng trợ cấp xã hội hay bị phân biệt đối xử trong xã hội, đồng thời

Gần đây, trong cuộc đàm phán liên chính phủ đầu tiên nhằm xây dựng hiệp ước toàn cầu cho ô nhiễm nhựa được tổ chức tại Uruguay, phái đoàn đại diện đến từ Liên minh những người thu gom rác quốc tế (International Alliance of Waste pickers – IAW), đã yêu cầu được tham gia tất cả các cuộc thảo luận xoay quanh hiệp ước.

Dự kiến, hiệp ước về ô nhiễm nhựa toàn cầu sẽ tạo ra khung pháp lý yêu cầu các nhà sản xuất phải thay đổi thiết kế sản phẩm, tăng cường tính tái chế. IAW kỳ vọng, những người thu gom rác phi chính thức cũng sẽ được hưởng lợi từ những khung pháp lý đó. Bên cạnh đó, IAW kêu gọi các giải pháp chuyển đổi sinh kế cho người nhặt rác nếu thu nhập của họ bị tác động bởi những lệnh cấm hoặc hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Sự tham gia của IAW trong cuộc đám phán chứng tỏ các quốc gia đang dần thừa nhận vai trò của lực lượng thu gom rác thải phi chính thức trong bức tranh toàn cảnh của kinh tế tuần hoàn. Đây là thời cơ quan trọng để các bên liên quan cân nhắc tới việc thiết lập một mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững, không chỉ bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế mà còn đảm bảo tác động tích cực tới xã hội.