Băn khoăn đằng sau câu chuyện xuất khẩu ấn tượng của Việt Nam

Minh Khôi - 09:58, 14/05/2022

TheLEADERNhững cơn gió ngược chiều cản trở thương mại đang mạnh dần lên, dấy lên nhiều lo lắng liệu xuất khẩu của Việt Nam sẽ duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ đến bao giờ.

Câu chuyện tăng trưởng ấn tượng

Trong vòng hai thập kỷ, Việt Nam đã thực sự lột xác thành công, trở thành công xưởng sản xuất đang lên của thế giới. Quá trình chuyển mình càng được đẩy nhanh tại thời điểm xảy ra căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khi đó, xuất khẩu của Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc.

Kể từ khi xảy ra dịch Covid-19, động lực tăng trưởng bên ngoài của Việt Nam đã trải qua một giai đoạn nhiều thăng trầm.

Là một trong những nước châu Á đầu tiên phát hiện có ca nhiễm Covid-19 vào đầu năm 2020, Việt Nam đã có lúc trở lại mạnh mẽ sau đại dịch, để rồi sau đó hứng chịu những gián đoạn nặng nề của chuỗi cung ứng trong nước do những đợt giãn cách kéo dài tại thời điểm mùa hè năm 2021.

Đến khi rủi ro mang tên Omicron qua đi, Việt Nam tiếp tục hưởng lợi nhờ chiến lược mở cửa trên diện rộng. Thêm nhiều công nhân ở tỉnh trở lại các thành phố để làm việc, phần nào giải quyết tình trạng thiếu lao động cho các nhà máy vốn đang tấp nập đơn hàng xuất khẩu.

“Rõ ràng, xuất khẩu của Việt Nam đang dần lấy lại hào quang chiến thắng trước đây”, HSBC nhận định trong đánh giá mới nhất.

Sau khi ghi nhận tốc độ tăng mạnh mẽ 13% so với cùng kỳ năm trước trong quý I/2022, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tháng 4 lại tăng hơn gấp đôi lên 25% so với cùng kỳ năm trước. 

Mặc dù tăng trưởng diễn ra toàn diện trên mọi ngành hàng, gần 40% tăng trưởng là nhờ các đơn hàng điện tử tăng mạnh ở mức 33% so với cùng kỳ năm trước.

Băn khoăn đằng sau câu chuyện xuất khẩu ấn tượng của Việt Nam

Với xuất phát điểm chỉ là một nước xuất khẩu hàng may mặc và da giày có giá trị gia tăng thấp, qua thời gian, Việt Nam đã chứng tỏ khả năng vươn lên trong chuỗi cung ứng, trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong ngành hàng công nghệ, dù giá trị cộng thêm vẫn chưa cao trong lĩnh vực điện tử. 

Trong khi TP.HCM và các khu vực lân cận phải trải qua thời gian dài giãn cách, chuỗi cung ứng công nghệ ở miền Bắc lại không mấy ảnh hưởng. Xuất khẩu điện tử đạt mức kỷ lục 108 tỷ USD trong năm 2021, tương đương 32% tổng kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số này năm 2000 đạt chưa tới 1 tỷ USD, tương đương 5,5% tổng tổng kim ngạch xuất khẩu.

Một trong những thành công lớn của ngành hàng công nghệ là nhờ khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nhiều năm của Samsung, với giá trị đầu tư rót vào Việt Nam trong hai thập kỷ qua đạt khoảng 18 tỷ USD.

Ngoài điện thoại thông minh, Việt Nam cũng đang dần gia tăng thị phần máy tính xách tay trên thế giới, đã vượt qua Malaysia để trở thành nước sản xuất chính trong khu vực ASEAN.

Trong khi đó, Việt Nam cũng vươn lên thành nước cung cấp bộ vi xử lý/điều khiển, dù sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam thường là bộ vi xử lý giá trị thấp hơn dùng trong nhiều mặt hàng điện tử.

Kết quả này được hậu thuẫn bởi khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD của Intel vào một cơ sở lắp ráp và kiểm định tại Việt Nam từ năm 2006. Trong giai đoạn tháng 6/2009 đến tháng 12/2020, Intel đã rót thêm 475 triệu USD vào nhà máy ở Việt Nam để tăng cường sản xuất sản phẩm 5G và bộ xử lý lõi.

Việc mở rộng này có thể lý giải vì sao thị phần xuất khẩu bộ xử lý của Việt Nam trên toàn cầu đã tăng gấp đôi trong vòng năm năm, đạt 6% vào năm 2020.

Điểm đáng lưu ý chính là hiệu ứng dây chuyền xảy ra khi thành công của Samsung và Intel kéo theo các tập đoàn công nghệ khổng lồ khác cũng đẩy nhanh quá trình chuyển hướng chuỗi cung ứng sang Việt Nam.

Mặc dù đại dịch đã phần nào khiến quá trình này bị gián đoạn, sự quan tâm của các nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ vẫn duy trì mạnh mẽ nhờ các yếu tố vĩ mô ổn định, chính sách FDI thuận lợi và hiệu quả về chi phí nhân công, HSBC phân tích.

'Những cơn gió ngược chiều đang mạnh dần lên'

Xuất khẩu của Việt Nam liệu có duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy hay không là một vấn đề đáng lưu tâm, khi những cơn gió ngược chiều cản trở thương mại đang mạnh dần lên.

Một mặt, tác động của Covid-19 lên tiêu dùng hộ gia đình giảm bớt, nhu cầu trên thế giới dần dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ.

Ví dụ như ở Mỹ, khoảng cách giữa hàng hóa và dịch vụ đã bắt đầu thu hẹp khi chi tiêu cho dịch vụ tăng dần lên. Điều này có thể tác động ngầm đến xuất khẩu của Việt Nam bởi Mỹ vẫn liên tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất kể từ năm 2004.

Một yếu tố khác là Trung Quốc. Trong khi có thể hưởng lợi từ việc nhiều doanh nghiệp muốn đa dạng hóa nguồn hàng, Việt Nam cũng dễ bị ảnh hưởng bởi gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc – điều đã thể hiện rõ trong giai đoạn Covid-19 mới xuất hiện đầu năm 2020.

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam đã tỏa sáng trong nhiều năm, nền tảng sản xuất của Việt Nam lại phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu rất nhiều. Khoảng 30% nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực điện tử và thiết bị máy móc.

Vì vậy, tình trạng tắc nghẽn trong khâu vận chuyển ở Trung Quốc sẽ gây ra khó khăn cản trở tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai.

“Làm thế nào để đảm bảo nguyên liệu trong bối cảnh giãn cách phòng chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc làm dấy lên mối lo ngại lớn cho các doanh nghiệp sản xuất ở địa phương”, HSBC lưu ý.

Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global, trong đánh giá đầu tháng này cũng nhận định các yếu tố cản trở tốc độ tăng trưởng, như những khó khăn do đại dịch vẫn tiếp tục ở Trung Quốc và giá cả đang tăng mạnh, đã ảnh hưởng đến cả cung và cầu vào thời điểm đầu quý II, có thể sẽ hạn chế tăng trưởng ngành sản xuất trong những tháng tới.