Biến công nghệ thành nô lệ để nuôi dưỡng thương hiệu

Hoàng Hường - 14:17, 09/12/2023

TheLEADERTheo các chuyên gia, con người vẫn là quân át chủ bài trên bàn cờ thương hiệu và để có thể “biến công nghệ thành nô lệ”, con người cần hiểu rõ vai trò của mình và công nghệ trên bàn cờ đó.

Biến công nghệ thành nô lệ để nuôi dưỡng thương hiệu
Ông Nguyễn Tiến Huy, CEO Pencil Group, nói về cây chăm dưỡng thương hiệu di sản. Ảnh: VSMCAMP

Sự bổ khuyết hoàn hảo

Chỉ có con người mới có thể tạo ra những triết lý, tư tưởng và giải pháp, còn trí tuệ nhân tạo (AI) thì không thể. Dựa trên quan điểm đó, ông Nguyễn Tiến Huy, CEO Pencil Group cho rằng, khi không có những lý tưởng xuyên suốt phía sau, AI cũng chỉ như công cụ tìm kiếm thông thường chứ không thể tạo ra những sản phẩm có giá trị một cách hoàn chỉnh.

Trong khi đó, với khả năng tổng hợp và phân tích thông tin trên quy mô lớn, AI có thể đưa ra câu trả lời nhanh chóng và hiệu quả, thậm chí tốt hơn con người rất nhiều lần. Với sự bổ khuyết đó, sự hòa quyện giữa con người và trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra sự kết hợp hoàn hảo.

Để kết hợp nhuần nhuyễn, biến công nghệ thành nô lệ, những nhà lãnh đạo sáng tạo cần phải hiểu rõ cách dùng trí tuệ nhân tạo. Vào thế kỷ 17, khi chiếc máy hơi nước đầu tiên ra đời, rất nhiều nhân công đã biểu tình, đập phá máy móc bởi họ lo sợ rằng đó là nguyên nhân khiến họ mất việc.

Tương tự, vào thời điểm hiện tại, nhiều người lo sợ rằng trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế hoàn toàn con người. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh, máy móc không cướp công việc của con người, chỉ con người không biết dùng máy móc mới thất nghiệp mà thôi.

Tương tự, với công nghệ AI, chỉ có những người không tiếp nhận và biết cách sử dụng AI mới đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Và khi và chỉ khi hiểu và biết cách sử dụng AI, con người mới không phụ thuộc vào công nghệ và có thể dẫn dắt chúng.

Thêm vào đó, dẫn lời giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực thiết kế John Maeda, ông Huy cho rằng trong kỷ nguyên AI, chúng ta nên nắm bắt tư duy tư duy lãnh đạo sáng tạo (creative leadership), luôn đặt ra câu hỏi rằng công nghệ có những tiềm năng như thế nào để có thể hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo của mình.

Với tư duy đó, con người thay vì chạy theo những bản cập nhật phần mềm hay lo lắng bị thay thế bởi AI, họ có thể “biến công nghệ thành nô lệ”.

Không chỉ vậy, theo ông Huy, thay vì tâm thế của người lãnh đạo như một vị nhạc trưởng – chỉ đạo và mong đợi người khác thực hiện theo yêu cầu, trong thời đại công nghệ mới, nhà lãnh đạo sáng tạo cần mang tâm thế của một người chơi nhạc jazz, hòa quyện cùng với công nghệ thay vì sai khiến.

Có một điều đặc trưng của AI là nó vẫn còn tính ngẫu hứng. Chúng sáng tạo bằng cách trộn nhiều chất liệu khác nhau và đó là một trong những điểm rất thú vị và sáng tạo mà AI có thể hòa nhịp cùng với con người.

Bọc lót và dàn quân

Theo ông Huy, trong bối cảnh ngành tiếp thị, mặc dù những công nghệ như trí tuệ nhân tạo tạo sinh, vũ trụ ảo, thực tế ảo có năng lực ghê gớm đến đâu, bản chất của việc xây dựng thương hiệu vẫn là làm sao để kể câu chuyện của thương hiệu tốt hơn với những loại trải nghiệm chạm đến khách hàng hơn.

Một trong những vấn đề lớn của nền kinh tế hiện nay đó là những doanh nghiệp gia đình ở thế hệ thứ nhất của Việt Nam đã 30 -35 tuổi và đi đến giai đoạn chuyển giao. Tuy nhiên, theo báo cáo của PwC, tỷ lệ tin tưởng của thế hệ cũ và thế hệ mới trung bình ở các doanh nghiệp trên toàn cầu là 63%, các khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khoảng 54%. Trong khi đó, tại Việt Nam, con số đó là 28%.

Có thể thấy, niềm tin giữa các thế hệ lãnh đạo trong doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang tồn tại nhiều đứt gãy lớn.

Nhận thấy điều đó, trung tâm phát triển thương hiệu VLBC thuộc Pencil Group đã xây dựng “mô hình cây chăm dưỡng thương hiệu” nhằm bảo tồn và phát triển những thương hiệu mang tính di sản của các doanh nghiệp, tổ chức và địa phương của Việt Nam.

“Mô hình cây chăm dưỡng thương hiệu” ví hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng thương hiệu như một cái cây với ba phần chính. Trong đó, gốc rễ của thương hiệu là văn hóa của doanh nghiệp. Thân cây là tầm nhìn của thương hiệu để cây vươn xa, mọc đúng hướng. Tán cây và cành nhánh là mỗi một phân khúc mới, một nhu cầu mới của khách hàng trên thị trường.

Xây dựng thương hiệu giống như chăm sóc một cái cây, cần phải có hạt giống tốt, phải có tầm nhìn hướng về bầu trời, tầm nhìn xa, đủ bền vững và đủ rộng để hướng về bầu trời thì từ một hạt giống nhỏ, một hạt mầm thôi, cái cây đó cũng có thể phát triển thành một cây cổ thụ.

Để chăm sóc cây chăm dưỡng thương hiệu hiệu quả, doanh nghiệp phải có bộ rễ - căn gốc của văn hóa doanh nghiệp thật tốt. Đây là phần mà trí tuệ nhân tạo hoàn toàn không làm được mà phải xuất thân từ bản thân người lãnh đạo của doanh nghiệp.

Muốn phát triển một thương hiệu sẽ phải bắt đầu từ văn hóa của doanh nghiệp, bởi những giá trị văn hóa của doanh nghiệp sẽ là nguồn cảm hứng và chất kết dính, triết lý để phát triển các sản phẩm và dịch vụ.

Muốn tạo ra một thương hiệu có tầm nhìn bền vững, có năng lực phát triển bền vững khoảng 100 năm, doanh nghiệp không thể bám vào một sản phẩm mà cần bám vào một triết lý phát triển các sản phẩm trong tương lai.

Muốn tạo ra một thương hiệu có tầm nhìn bền vững, có năng lực phát triển bền vững khoảng 100 năm, doanh nghiệp không thể bám vào một sản phẩm mà cần bám vào một triết lý phát triển các sản phẩm trong tương lai.

Sản phẩm có thể đến và đi nhưng triết lý của thương hiệu vẫn luôn ở đó. Và triết lý phải đến từ văn hóa cốt lõi của doanh nghiệp. Văn hóa đó chính là cái tạo ra sự trường tồn của doanh nghiệp, đi kèm đó sẽ là những sản phẩm mới sẽ được phát triển trong tương lai.

Văn hóa doanh nghiệp là văn hóa của người lãnh đạo. Người lãnh đạo của doanh nghiệp có những tư tưởng, triết lý, giá trị gì và mong muốn đóng góp như thế nào cho xã hội? Những giá trị, tư tưởng này càng hướng đến những giá trị chung, tốt đẹp, văn minh thì gốc rễ của thương hiệu càng bền vững.

Khi có được một căn gốc thương hiệu bền vững, doanh nghiệp cần đặt mầm cây này vào một trường nuôi dưỡng thương hiệu phù hợp. Trong giai đoạn này, AI có thể kết hợp cùng với con người để “dự phần” tạo dựng một môi trường nuôi dưỡng thương hiệu màu mỡ và hiệu quả.

Theo ông Huy, môi trường nuôi dưỡng thương hiệu là sự hiểu biết về con người, về đối thủ, về ngành hàng, môi trường vĩ mô trong năm nay, giai đoạn sắp tới, từ đó dự đoán sự dịch chuyển trong vòng 10 năm, 20 năm hay 30 năm tiếp theo.

Để doanh nghiệp có thể có được góc nhìn cả rộng và sâu về môi trường nuôi dưỡng thương hiệu, con người có thể sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo để tìm kiếm dữ liệu, phân tích chuyên sâu, từ đó đưa ra những quyết định hiệu quả. Với khả năng tổng hợp, phân tích dữ liệu trên quy mô lớn, doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định hiệu quả.

Cuối cùng, để chuyển hóa tất cả những điều đó thành các sản phẩm xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp có thể sử dụng AI để viết nội dung, sản xuất hình ảnh, video… theo định hướng của doanh nghiệp cho từng loại sản phẩm, dịch vụ, phân khúc khách hàng cụ thể.

Cụ thể, là một phần của hành trình chăm dưỡng thương hiệu, VLBC đã số hóa bộ khung chăm dưỡng thương hiệu thành công cụ trí tuệ nhân tạo VLBC Brand Grower để có thể tư vấn hoạt động xây dựng thương hiệu cho tất cả các doanh nghiệp tiếp cận.

AI này cung cấp những kiến thức hoạt động xây dựng thương hiệu, cung cấp thông tin giúp doanh nghiệp xác định được rằng mình là loại “cây thương hiệu” nào, bởi với mỗi quy mô khác nhau, mỗi sản phẩm khác nhau sẽ có gốc rễ văn hóa, môi trường nuôi dưỡng và phân khúc khách hàng khác nhau và cách “chăm bón” khác nhau.

Qua đó, VLBC Brand Grower cũng cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin về những doanh nghiệp lớn trên thế giới có mô hình tương đương, từ đó tư vấn cho những doanh nghiệp này phương thức xây dựng thương hiệu hiệu quả và phù hợp dựa vào khung tư tưởng, kiến thức mà AI này đã được đào tạo qua thời gian.