Bốn lí do khiến một doanh nghiệp không nên bảo hộ sở hữu trí tuệ

Trâm Nguyễn * - 16:05, 06/07/2022

TheLEADERCụm từ “sở hữu trí tuệ” (SHTT) đang phủ sóng ngày một thường xuyên và dày đặc hơn trên báo chí và truyền thông. Việc này khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tâm hơn và năng tìm hiểu về sở hữu trí tuệ cũng như những cách thức để bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, có phải tất cả mọi doanh nghiệp đều nên bảo hộ sở hữu trí tuệ?

Bốn lí do khiến một doanh nghiệp không nên bảo hộ sở hữu trí tuệ
Có phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng nên bảo hộ sở hữu trí tuệ? (Ảnh: Theworld.org)

Khi doanh nghiệp đi xin tư vấn về sở hữu trí tuệ, phần lớn các chuyên gia sở hữu trí tuệ sẽ kiến nghị một cách thức bảo hộ sở hữu trí tuệ ngay lập tức. Tuy vậy, một số doanh nghiệp không nên bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Chí Dũng và tiệm tạp hóa cha truyền con nối

Gia đình Dũng kinh doanh tiệm tạp hóa đã được hơn 40 năm, hiện tại gia đình có ba cửa tiệm tạp hóa trong thành phố và tên cửa hàng được đặt theo tên bố của Dũng.

Vốn là một người trẻ và quan tâm đến những xu hướng phát triển mới, Dũng rất muốn tìm hiểu về sở hữu trí tuệ và có ý định muốn đăng ký nhãn hiệu cho tiệm tạp hóa 40 năm tuổi của gia đình. Tuy vậy, gia đình cậu không cần thiết phải đăng ký SHTT cho những tiệm tạp hóa ở trong thành phố. Tương tự, nhiều doanh nghiệp nhỏ ở địa phương cũng không cần thiết phải đăng ký SHTT, bởi một số lí do.

Bốn lí do khiến một doanh nghiệp không cần bảo hộ SHTT

Thứ nhất, khi tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp hay xương sống của doanh nghiệp không phải là sản phẩm SHTT. Mọi công ty đều sở hữu một vài yếu tố SHTT, dù họ có nhận ra điều đó hay không. Nhưng đôi lúc yếu tố SHTT không lớn, không quá quan trọng, hoặc không gây ảnh hưởng tới lợi nhuận thì doanh nghiệp không cần hoặc không phải gấp gáp bảo vệ yếu tố SHTT này.

Trong trường hợp của Dũng, mặc dù gia đình cậu có tới ba cửa hàng tạp hóa nhưng đều ở địa phương và không có xu hướng mở rộng. Ba tiệm tạp hóa đều lấy tên bố của Dũng và cái tên đã đồng hành với mọi người nhiều năm. Khách hàng của tiệm đều là các gia đình sống ở cùng khu vực và chọn mua hàng ở tiệm vì lí do thuận lợi trong vị trí địa lí. Hơn nữa, gia đình Dũng nhập hàng từ các nguồn khác nhau về bày bán trong tiệm, không phải mặt hàng do gia đình tự sản xuất dựa trên một phương thức hay công thức hay nguyên liệu đặc biệt - tức là mặt hàng này ai cũng có thể tiếp cận ở những tiệm hay siêu thị khác.

Vậy, yếu tố SHTT trong mô hình kinh doanh của gia đình Dũng thực sự không lớn, không phải yếu tố tiên quyết tạo ra lợi nhuận, vì vậy Dũng chưa cần đăng kí SHTT với hướng kinh doanh hiện tại trừ khi cậu muốn đổi mới sáng tạo và tiến theo một hướng kinh doanh khác biệt. Nếu doanh nghiệp kinh doanh dựa trên sản phẩm hoặc dịch vụ trí tuệ mà doanh nghiệp tự tạo ra thì lúc đó yếu tố SHTT trở thành giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Thứ hai, doanh nghiệp không cần thiết phải đăng ký sở hữu trí tuệ nếu không sợ mất đi lợi nhuận và lợi thế trên con đường đổi mới sáng tạo.Trong trường hợp này, doanh nghiệp có thể đang kinh doanh trên môt cơ ngơi có lịch sử vài trăm năm tuổi, hoặc đang cung cấp những sản phẩm hữu hình, thiết yếu cho xã hội, hoặc có thể doanh nghiệp đang giữ thế độc quyền về sản phẩm. Với những nền tảng đó, việc doanh nghiệp có ý tưởng mới, thử nghiệm mới và tung hê những ý tưởng đó ra công chúng cũng không có ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp bởi họ sẽ không sợ mất tiền hay mất lợi thế kinh doanh.

Hoặc doanh nghiệp có hình thức kinh doanh cũng tương đối giống tiệm tạp hóa của bố Dũng: không tham gia vào kinh doanh đổi mới sáng tạo, mà chỉ thừa kế hoạt động kinh doanh của gia đình thì việc doanh nghiệp đó chia sẻ ý tưởng tiềm năng cho mọi người cũng sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Và cuối cùng, có thể doanh nghiệp đó rất đặc biệt, và họ chẳng sợ bị mất tiền.

Nhưng 99% doanh nghiệp trên thị trường sợ mất tiền và mất lợi thế kinh doanh. Nếu doanh nghiệp nằm trong những trường hợp trên thì không cần quan tâm SHTT quá nhiều. Nhưng nếu xét thấy việc kinh doanh có dùng yếu tố SHTT trong mua và bán, thì: Quan tâm và bảo hộ SHTT là điều doanh nghiệp bắt buộc phải làm!

Vì thế, nếu doanh nghiệp nằm trong ba trường hợp liệt kê ở đầu, doanh nghiệp không cần quá để tâm SHTT. Các trường hợp khác, bảo hộ SHTT là một trong những bước đầu tiên mà doanh nghiệp phải làm.

Thứ ba, nếu có ngân sách lớn và thoải mái trong việc li-xăng sản phẩm của bên khác, doanh nghiệp có thể không cần hoặc chưa cần bảo hộ SHTT. Trong trường hợp doanh nghiệp có sáng chế nhưng không đăng ký nên bị bên khác đăng ký mất, kết quả là họ phải đi nhận li-xăng sản phẩm từ bên khác, và chi phí này thường rất rất tốn kém. Nhưng điều này sẽ không phải vấn đề to tát nếu doanh nghiệp có ngân sách lớn và có chiến lược sử dụng sản phẩm của bên khác thay vì tự sáng tạo.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường ít nghĩ tới việc nhận li-xăng sáng chế bởi họ phải trả mức phí không nhỏ hàng năm hoặc hàng tháng theo thỏa thuận trong khi doanh nghiệp chưa có phương thức ổn định để phát triển dựa vào bằng sáng chế đó. Nhưng, đôi khi, để quy trình sản phẩm được hoàn tất mượt mà, doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác ngoài li-xăng.

Mặc dù doanh nghiệp của bạn có ngân sách lớn hay thoải mái trong việc dùng sản phẩm của bên khác, hãy cân nhắc trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ bởi rất nhiều công ty trên thế giới hầu tòa vì các rắc rối xung quanh vấn đề li-xăng.

Đối với nhãn hiệu hay bản quyền tác giả, việc li-xăng là rất phổ biến. Ví dụ, rất nhiều cơ sở bán cà phê của Starbuck hay cơ sở bán gà rán của KFC là li-xăng nhãn hiệu. Hoặc, rất nhiều công viên vui chơi giải trí có sử dụng hình ảnh của game là li-xăng bản quyền tác giả.

Tuy nhiên, nếu nhãn hiệu và nội dung được bảo hộ quyền tác giả là sản phẩm của công ty hay sản phẩm do nhân viên của công ty tạo ra, việc bảo hộ là cần thiết.

Trong quá trình tạo ra nhãn hiệu, sáng chế, hay sản phẩm có thể bảo hộ quyền tác giả, doanh nghiệp cần nhớ rằng: đừng mắc sai lầm là mặc nhiên nghĩ rằng ý tưởng của mình là độc nhất chỉ bởi vì bạn sáng tạo ra nó trong hoàn cảnh độc lập. Chúng ta đều là con người trong một quần thể xã hội lớn, ảnh hưởng của xã hội và giáo dục khiến chúng ta thường có một vài cách suy nghĩ tương tự nhau. Vì thế, trước khi tạo ra nhãn hiệu, doanh nghiệp hãy tìm xem một ý tưởng nào đó có trùng với ý tưởng của mình không, thông qua việc sử dụng trang web của cục SHTT Việt Nam và dùng chức năng tìm kiếm để kiểm tra.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đừng cho rằng mình có quyền sử dụng một nội dung nào đó chỉ vì nội dung đó không “cộp dấu” bản quyền © (chẳng hạn như những hình ảnh tải về từ trên mạng). Dùng hình ảnh trên mạng mà chưa đọc điều khoản cấp phép có thể khiến doanh nghiệp bị kiện và rắc rối này đôi khi bản thân doanh nghiệp không đủ lực để giải quyết. Đồng thời, việc tố tụng sẽ khiến công ty phải hao hụt nhiều ngân sách.

Vì thế, trừ phi doanh nghiệp chủ trương nhận li-xăng sản phẩm dịch vụ thuần túy chứ không tự sáng tạo hoặc không lo sợ rắc rối tới từ li-xăng hay tố tụng, thì lời khuyên là doanh nghiệp phải tính toán bảo hộ SHTT cho sáng chế, nhãn hiệu, hay sản phẩm trí tuệ khác ngày từ buổi đầu.

Thứ tư, nếu không chú trọng đổi mới sáng tạo hoặc kiên định với hình thái truyền thống, doanh nghiệp không cần quan tâm đến sở hữu trí tuệ.

Giống như Dũng, nhiều doanh nghiệp có thể kiên định với hình thái kinh doanh truyền thống, hình thái mà cho rằng không bị ảnh hưởng bởi quá trình tiến lên của thời đại. Hoặc doanh nghiệp, với xu hướng khách hàng địa phương nhỏ lẻ, không có ý định tham gia vào công cuộc đổi mới sáng tạo thì việc tính tới bảo hộ SHTT là chưa cần thiết.

Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng thị trường biến đổi phát triển không ngừng và việc giữ nguyên hình thái kinh doanh không có yếu tố đổi mới sáng tạo là việc “ tự dùng súng bắn vào chân mình”.

Giới doanh nhân phải hiểu rõ được SHTT vì mọi công ty đều sẽ chịu tác động của công nghệ trong thập niên tiếp theo. Cho dù bạn là nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ hay vận tải, công nghệ đều sẽ thay đổi triệt để ngành của bạn và cốt lõi của công nghệ lại chính là SHTT. Doanh nghiệp rồi sẽ tạo ra SHTT, cấp phép SHTT hoặc cả hai. Và cùng với sự đổi mới dựa trên công nghệ IoT (Internet vạn vật), AI (trí tuệ nhân tạo) và mạng 5G, mỗi cá nhân hoặc doanh nghiệp đều có thể là người tiên phong sáng tạo hoặc phải chạy theo bắt chước. Và một điều chắc chắn là trong tương lai, sẽ có những doanh nghiệp tạo ra SHTT và những doanh nghiệp phải rời bỏ cuộc chơi.

Vậy, tại sao hầu hết các doanh nghiệp cần phải bảo hộ SHTT?

Qua bài viết này, chúng ta đã nhận ra một số hình thức doanh nghiệp, hình thức kinh doanh không cần bảo hộ SHTT. Tuy vậy, trong thời đại công nghệ phát triển nhanh và mạnh mẽ như hiện tại, nếu muốn trở thành một nhà kinh doanh xuất sắc, SHTT là điều không thể bỏ qua đối với doanh nghiệp, trừ khi doanh nghiệp đó áp dụng cả bốn lí do trên - một điều cực khó có khả năng xảy ra.

Trước khi nhíu mày nghĩ rằng SHTT là việc của các luật sư, những người làm kinh doanh hãy nhớ rằng SHTT có thể sẽ đóng vai trò then chốt trong doanh nghiệp và đặc biệt là trong quá trình kinh doanh về sau. SHTT sẽ trở thành trái tim của doanh nghiệp mới và là xương sống của công cuộc đổi mới sáng tạo.

Nền kinh tế tri thức đã ở đây, không ai muốn doanh nghiệp mình đi sau bởi đi sau là mất lợi nhuận triệt để. Vì thế, doanh nghiệp hãy dành cho SHTT một sự quan tâm nhất định và một mức đầu tư tương xứng với tiềm năng lợi nhuận mà SHTT sẽ đem lại.

* Bài viết trình bày quan điểm của bà Trâm Nguyễn, công tác tại văn phòng luật chuyên về sở hữu trí tuệ Gottlieb, Rackman & Reisman, P.C, trụ sở tại Manhattan, New York City.