Cái Mép lọt Top cảng container hoạt động tốt nhất thế giới

Phạm Sơn - 07:20, 29/05/2022

TheLEADERCảng Cái Mép xếp thứ 11/370 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu, theo công bố chỉ số hoạt động cảng container (CPPI) mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) và S&P Global Market.

Cái Mép lọt Top cảng container hoạt động tốt nhất thế giới
Cảng Cái Mép xếp thứ 11/370 cảng biển quốc tế về hiệu quả hoạt động. Ảnh: VGP

Theo đó, cảng Cái Mép xếp thứ 11 về cách tính thống kê trung bình 5 cỡ tàu và xếp thứ 13 theo cách tính kỹ thuật, dựa trên kích cỡ tàu phổ biến hoạt động tại cảng. Ngoài cảng Cái Mép, cảng Vũng Tàu của Việt Nam cũng đạt thứ hạng tương đối cao, xếp thứ 37/370 theo cách tính kỹ thuật.

Xếp hạng của cảng Cái Mép cao hơn so với 3 cảng trung chuyển lớn trong khu vực là cảng PTP Malaysia xếp thứ 16, cảng Singapore xếp thứ 31, cảng Hồng Kông xếp thứ 38 và cảng Yokohama xếp thứ 12.

Cảng Cái Mép là cảng nước sâu thuộc cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, với diện tích 48ha. Cảng có thiết kế cầu cảng dài 600m, đón được tàu container tải trọng lên đến 160 nghìn DWT.

Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, cảng Cái Mép có tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 20% mỗi năm trong 5 năm trở lại đây. Tạp chí Alphaliner nhận định, cảng Cái Mép là cảng nước sâu hàng đầu Đông Nam Á.

Chỉ số CPPI được đánh giá dựa trên thời gian cần thiết để tàu hàng hoàn thành công việc tại cảng, bao gồm vào luồng, cập cảng, bốc dỡ hàng và ra luồng. Bên cạnh đó, yếu tố kích thước tàu và ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đưa vào đánh giá.

Theo bảng xếp hạng CPPI, khu vực Trung Đông dẫn đầu về năng lực cảng biến khi chiếm đến 4/5 vị trí cao nhất. Khu vực Đông Á và Đông Nam Á có sự cải thiện đáng kể so với năm 2020, một phần nhờ vào sản lượng xuất khẩu tăng đột biến.

Ông Martin Humphreys, Trưởng nhóm kinh tế vận tải WB cho biết, việc tăng cường sử dụng nhiên liệu xanh và ứng dụng công nghệ số là 2 phương án quan trọng giúp các quốc gia nâng cao năng lực cảng biển. Cảng biến hoạt động hiệu quả giúp cải thiện đáng kể dịch vụ logistics, là trợ lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt với các quốc gia có độ mở lớn như Việt Nam.