Chiếc đồng hồ Thuỵ Sĩ và câu chuyện bản quyền

Nguyễn Ngô Thành Danh* - 10:38, 16/06/2023

TheLEADERNhằm tôn vinh văn hóa và các danh nhân lịch sử, hãng đồng hồ Thụy Sĩ Christophe Claret đã ra mắt một bộ sưu tập đồng hồ mang tên Legend, trong đó bao gồm chiếc đồng hồ có tranh vẽ Hai Bà Trưng. Được biết, bức tranh này do chính họa sĩ André Martinez vẽ tay.

Chiếc đồng hồ Thuỵ Sĩ và câu chuyện bản quyền
Hình vẽ trên mặt đồng hồ Thụy Sỹ Christophe Claret được cho là giống với bức tranh của họa sĩ Xuân Lam

Song, một cách tình cờ hoạ tiết này lại có nhiều điểm tương đồng với hai tác phẩm “Hai Bà Trưng” và “Thiên hạ thái bình” của hoạ sĩ Xuân Lam – vốn đã được tác giả giới thiệu đến công chúng Việt Nam trong triển lãm Vẽ lại tranh dân gian lần 2 với tên gọi “Cuộc gặp gỡ xưa – nay”, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào cuối năm 2019. 

Thật vậy, khi nhìn một cách tổng quan, các hoạ tiết trên đồng hồ đã có một sự tương đồng rất lớn với các tác phẩm của hoạ sĩ Xuân Lam. Từ đường nét, cách phối màu cho đến tư thế nhân vật và các vật dụng liên quan như lộng, lá cờ, yên trên lưng voi, … tất cả đều tương đồng một cách không bình thường. Trong khi đó, sự khác biệt giữa hai sản phẩm chủ yếu chỉ nằm ở bố cục của các hình tượng.

Có nhiều ý kiến cho rằng hãng đồng hồ Thuỵ Sĩ nói trên đã đạo nhái, sao chép, hay nói chính xác hơn là xâm phạm quyền tác giả của hoạ sĩ Xuân Lam. Tuy nhiên, chúng ta không thể loại trừ khả năng có thể có sự chuyển giao quyền tác giả giữa họa sĩ Việt Nam và hãng đồng hồ Claret, hoặc có nhiều hơn một tác giả trong trường hợp nói trên. Tuy nhiên, vì hãng Claret chỉ ghi danh một mình họa sĩ André Martinez nên hai trường hợp là khó xảy ra.

Hai sản phẩm giống nhau một cách đáng kể không nhất thiết sẽ dẫn đến hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Khả năng thứ ba là là trường hợp xâm phạm quyền tác giả như bài viết đã nêu. Nếu vậy, thì tác giả có thể làm gì đế bảo vệ quyền lợi của mình? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu hai nội dung trên qua bài viết này. Để đơn giản, bài viết sẽ giả định rằng tác giả Xuân Lam cũng đang đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả đối với hai bức tranh “Hai Bà Trưng” và “Thiên hạ thái bình”.

Các điều kiện cấu thành hành vi xâm phạm quyền sao chép

Trước hết phải khẳng định rằng việc hai sản phẩm giống nhau một cách đáng kể không nhất thiết sẽ dẫn đến hành vi xâm phạm quyền tác giả. Vì theo pháp luật hiện hành, để xác định có hay không hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm thì phải đáp ứng bốn điều kiện[1]:

(i) Tác phẩm bị sao chép đang thuộc đối tượng được bảo hộ;

(ii) Sản phẩm của người bị cáo buộc ra đời sau nhưng lại giống, tương tự một cách đáng kể với tác phẩm đang được bảo hộ;

(iii) Hành vi tạo ra các sản phẩm tương tự nói trên là trái pháp luật tức người sao chép không có quyền sao chép; và cuối cùng

(iv) Hành vi xâm phạm xảy ra tại Việt Nam.

Như vậy, việc hoạ tiết trên chiếc đồng hồ giống một cách đáng kể với các bức tranh của hoạ sĩ Xuân Lam, chỉ là một trong những điều kiện cần thiết để cấu thành hành vi xâm phạm quyền sao chép mà thôi. Để bị xem là vi phạm, các điều kiện còn lại cũng cần phải được đáp ứng.

Tính nguyên gốc

Để được bảo hộ quyền tác giả, thì một tác phẩm cần phải đáp ứng một số điều kiện luật định, mà quan trọng hơn tất cả là tác phẩm phải có tính nguyên gốc. Theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, một tác phẩm được xem là có tính nguyên gốc khi tác phẩm do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác[2]. Một vài ý kiến cho rằng tác phẩm của họa sĩ Xuân Lam cũng không hẳn có tính nguyên gốc vì nó chỉ hoạ lại các hình ảnh đã được lưu truyền trong văn hóa dân gian từ lâu đời.

Song, quan điểm này không thật sự xác đáng, vì tính nguyên gốc không đòi hỏi tác phẩm phải hoàn toàn mới hoặc không được sao chép từ một hoặc nhiều tác phẩm khác. Thật vậy, việc thừa nhận sự bảo hộ đối với các tác phẩm phái sinh (tác phẩm hình thành dựa trên một tác phẩm khác) như dịch, chuyển thể, cải biên… đã cho thấy rằng: việc có hay không sự sao chép từ một tác phẩm khác không phải là điều cốt yếu để xác định một tác phẩm có được bảo hộ hay không. 

Do đó, trọng tâm của khái niệm về tính nguyên gốc nằm ở vế đầu của quy định: rằng tác phẩm do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình, hay nói cách khác tác phẩm phải xuất phát từ chính góc nhìn của tác giả. Thật chất đây cũng là hướng tiếp cận chung của các quốc gia thuộc Liên Minh Châu Âu – vốn thừa nhận rằng tính nguyên gốc đòi hỏi tác phẩm là sáng tạo tinh thần của riêng của tác giả (the author's own intellectual creation).

Trở lại với vụ việc, có thể thấy, mặc dù lấy ý tưởng từ những hình ảnh trong văn hoá dân gian, nhưng các tác phẩm của hoạ sĩ Xuân Lam vẫn thể hiện được những nét riêng độc đáo của tác giả. Thông qua các chi tiết như bố cục, nét mặt, màu sắc, hoạ tiết trang trí và những nét cách điệu, tác giả đã khắc hoạ lại một hình ảnh dân gian dưới góc nhìn độc đáo của riêng mình, từ đó tạo nên tính nguyên gốc của tác phẩm. Do đó, theo quan điểm của người viết, tác phẩm này hoàn toàn có thể được bảo hộ quyền tác giả.

Hành vi sao chép trái pháp luật

Bị coi là sao chép trái luật khi (i) người bị cáo buộc xâm phạm không phải là chủ thể quyền tức thực hiện việc sao chép mà không có sự đồng ý của tác giả; và (ii) việc sao chép không rơi vào các trường hợp ngoại lệ quyền.

Dễ thấy việc sử dụng các tác phẩm để làm hoạ tiết trang trí trên đồng hồ nhằm mục đích kinh doanh không rơi vào các trường hợp ngoại lệ hay giới hạn quyền tác giả theo quy định hiện hành. Song, liệu việc sao chép có được thực hiện với sự đồng ý của tác giả hay không, cũng như liệu người thực hiện hành vi sao chép có được tác giả chuyển nhượng quyền hay chưa vẫn là những nội dung chưa được xác định. Vì, như đã đề cập, theo truyền thông đưa tin thì cho đến nay hoạ sĩ Xuân Lam vẫn chưa lên tiếng về sự việc.

Tuy nhiên, bằng việc hãng Claret chỉ ghi danh một mình họa sĩ André Martinez là tác giả hoạ tiết bị nghi ngờ, thì khả năng hoạ sĩ Xuân Lam đã đồng ý cho phép hãng đồng hồ sử dụng tác phẩm của mình cũng khó xảy ra: đơn giản là vì người có quyền khai thác tác phẩm luôn có nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền nhân nhân của tác giả, mà một trong số đó quyền được nêu tên hay quyền được công nhận là tác giả. Ngoài ra, trong điều kiện bình thường, chính người bị nghi là xâm phạm mới là bên cần đưa ra các bằng chứng thể hiện sự đồng ý của tác giả thông qua các hợp đồng chuyển nhượng hay cho phép sử dụng.

Nơi thực hiện hành vi xâm phạm

Đối với điều kiện cuối cùng: xuất phát từ tính chất lãnh thổ của quyền sở hữu trí tuệ nói chung, pháp luật hiện hành quy định hành vi xâm phạm quyền tác giả phải xảy ra tại Việt Nam, trừ trường hợp hành vi đó xảy ra trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet mà có người tiêu dùng hoặc người khai thác, sử dụng nội dung thông tin số tại Việt Nam.

Chiếc đồng hồ Thuỵ Sĩ và câu chuyện bản quyền 1
Hai bức tranh "Thiên hạ thái bình" và "Hai Bà Trưng" của họa sĩ Xuân Lam

Như vậy, nếu hãng đồng hồ Thụy Sĩ chỉ sản xuất và bán các đồng hồ có hoạ tiết xâm phạm ngoài lãnh thổ Việt Nam thì hành vi này sẽ không bị pháp luật Việt Nam chi phối. Nhưng, nếu hãng đồng hồ Thuỵ Sĩ lại đăng tải hình ảnh xâm phạm lên môi trường mạng Internet và có người tiêu dùng tại Việt Nam thì lại có thể bị xử lý vì đây cũng được xem là một hành vi sao chép tác phẩm. Vấn đề là thiệt hại gây ra bởi các hành vi tương ứng là khác nhau: việc bán các đồng hồ chứa hoạ tiết xâm phạm có thể gây ra thiệt hại cho tác giả lớn nhiều hơn so với việc chỉ đăng tải hình ảnh quảng cáo trên mạng Internet.

Như vậy, do sự giới hạn về mặt lãnh thổ và sự thiếu rõ ràng về việc liệu có hay không sự đồng ý của tác giả, nên phải thừa nhận rằng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa đủ cơ sở để có thể thể khẳng định một cách chắc chắn rằng hành vi tạo ra các sản phẩm có sử dụng hoạ tiết hai Bà Trưng của hãng đồng hồ Christophe Claret là xâm phạm quyền tác giả của hoạ sĩ Xuân Lam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Vấn đề bảo vệ quyền lợi

Không khó để nhận thấy rằng, sự việc đang bàn luận có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Do đó, vấn đề đặt ra là trong một trường hợp tương tự như vậy thì liệu tác giả Việt Nam có thể khởi kiện một nếu người xâm phạm ở nước ngoài hay không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì việc khởi kiện tại Việt Nam là điều có thể. Thật vậy, về nguyên tắc thì Toà án VN sẽ có thẩm quyền xét xử đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài khi quan hệ dân sự “có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam”[3]. Trong trường hợp này, tác giả có thể lựa chọn toà án nơi mình cư trú trên cơ sở yêu cầu về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng[4]. Hiển nhiên là vấn đề công nhận và thi hành bản án tại nước ngoài cũng là một rào cản lớn, nhưng việc khởi kiện tại Toà án Việt Nam sẽ phần nào tạo lợi thế tốt hơn cho các tác giả Việt Nam so với việc phải khởi kiện tại Toà án nước ngoài.

* Bài viết thể hiện quan điểm của ông Nguyễn Ngô Thành Danh, chuyên gia về hợp đồng sở hữu trí tuệ độc lập.

[1] Điều 64 Nghị định 17/2023/NĐ-CP

[2] Khoản 3 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ.

[3] Điểm e khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

[4] Điểm d khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015