Chính phủ đề ra 7 giải pháp lớn nhằm sớm ổn định kinh tế vĩ mô

An Chi - 10:08, 18/06/2023

TheLEADERMột trong những ưu tiên quan trọng nhất là tiếp tục hạ lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và thị trường bất động sản.

Chính phủ đề ra 7 giải pháp lớn nhằm sớm ổn định kinh tế vĩ mô
Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 225/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay. Theo đó, 7 nhiệm vụ, giải pháp lớn đã được Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ. 

Thứ nhất là cân bằng hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá. Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý và các chính sách vĩ mô khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ hai là thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu. Theo đó, về tiêu dùng, Chính phủ chỉ đạo cần có giải pháp hiệu quả thúc đẩy tiêu dùng và kích cầu thị trường trong nước; nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Bên cạnh đó, các bộ ngành cần khẩn trương ban hành nghị định của Chính phủ về việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; triển khai kịp thời việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng sau khi Quốc hội thông qua.

Về xuất khẩu, Chính phủ chỉ đạo cần tăng cường hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống, thực hiện hiệu quả các FTA đã ký kết; tiếp tục mở rộng các thị trường mới (Trung Đông, Châu Phi…). Mặt khác, cần đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới; có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, nhất là hàng nông sản xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Thứ ba là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, các bộ ngành cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong giải quyết, xử lý các công việc kịp thời xử lý, khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ảnh hưởng đến công việc chung.

Thứ tư là giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6/2023. Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; có các giải pháp thiết thực, cụ thể để giảm mặt bằng lãi suất; trong đó giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6 năm 2023. Qua đó, định hướng giảm lãi suất huy động và cho vay đối với khách hàng của các tổ chức tín dụng nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; khắc phục hiệu quả ngay việc tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua.

Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục cải cách, cắt giảm các thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân; cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết để hỗ trợ cho khách hàng vay vốn. Đồng thời, các ngân hàng cần tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản, nhất là đối với các dự án khả thi, hiệu quả, các doanh nghiệp có năng lực.

Thứ năm là nhanh chóng việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục đơn giản, nhanh gọn, thuận lợi. Bộ Tài chính chủ động triển khai hiệu quả, kịp thời chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% sau khi được Quốc hội thông qua, tiếp tục rà soát để thực hiện miễn giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp.

Thứ năm là thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương rà soát các vướng mắc, khó khăn về pháp lý, thủ tục hành chính để đề xuất sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương.

Thứ sáu là giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6/2023. Theo đó, Bộ Công thương cần thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, có chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.

Thứ bảy là tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản. Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng trực tiếp làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản, nhất là các dự án lớn. Bộ cần rà soát, sửa đổi các quy định về định mức đơn giá xây dựng; tháo gỡ vướng mắc trong việc cung ứng cát, đá, sỏi và vật liệu xây dựng.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về vướng mắc liên quan đến quy định, quy chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà và công trình, phù hợp với thực tế và điều kiện hợp lý của doanh nghiệp.