Kinh tế tuần hoàn cần động lực thị trường

Phạm Sơn - 10:26, 12/06/2023

TheLEADERƯu đãi về thuế, phí hay tiền thuê đất chỉ mang tính bước đầu, không thể giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia tích cực vào kinh tế tuần hoàn nếu không có động lực thị trường để tạo ra lợi ích bền vững.

Kinh tế tuần hoàn cần động lực thị trường
Dây chuyển xử lý bã thạch cao của DAP. Ảnh: VGP

Trước đây, Việt Nam sử dụng quặng apatit để sản xuất phân bón, cho ra thành phẩm là phân bón trộn lẫn thạch cao, có hiệu quả sử dụng rất thấp. Ngược lại, thạch cao sử dụng cho sản xuất công nghiệp và xây dựng lại phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Nhà máy sản xuất phân bón phức hợp DAP được xây dựng tại khu kinh tế Đình Vũ, TP. Hải Phòng ra đời đã phá đi cục diện bất lợi đó. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty CP DAP, cho biết, công ty đã đầu tư phát triển công nghệ và thành công trong việc tách bã thạch cao ra khỏi phân bón để làm đầu vào cho ngành khác.

Quá trình này đặc biệt gian nan bởi suốt giai đoạn 2015 - 2017, dù đã làm chủ được công nghệ nhưng DAP mới chỉ sản xuất bã thạch cao một cách cầm chừng, sản xuất để dùng thử nghiệm. Đến năm 2017, tiêu chuẩn cho thạch cao chế biến từ bã thải được ban hành, công ty mới từng bước xâm nhập thị trường.

Hiện tại, DAP đã đạt được sản lượng 1,3 triệu tấn thạch cao mỗi năm, hoàn thành mục tiêu là tạo ra bã thái đến đâu sản xuất thạch cao hết đến đó nhưng vẫn còn một lượng lớn bã thải tồn kho từ các năm trước chưa giải quyết được.

Dù sao, quá trình đầy nỗ lực để chuyển chất thải thành tài nguyên, DAP cũng tìm ra được cơ hội thị trường, lấy đó làm động lực để tiếp tục theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn. Còn nhiều doanh nghiệp đã triển khai kinh tế tuần hoàn từ rất sớm nhưng vẫn đang loay hoay tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Kinh tế tuần hoàn cần động lực thị trường
TS. Nguyễn Duy Thái tại tọa đàm Thách thức và Giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành công thương do Báo Công thương tổ chức

TS. Nguyễn Duy Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, lấy ví dụ, có doanh nghiệp ở khu công nghiệp đã xử lý nước thải từ các nhà máy, nước đầu ra đáp ứng được điều kiện để cung cấp cho sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, do thiếu quy chuẩn kỹ thuật, doanh nghiệp lại không có chức năng kinh doanh cấp nước, nên cuối cùng sản phẩm “vẫn bơ vơ ở đấy”.

Ông Thái nhận xét, trên thực tế, từ trước khi có các quy định, chính sách pháp luật về kinh tế tuần hoàn, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhận thức rất tốt và chủ động áp dụng nhưng còn vướng rất nhiều rào cản, từ quy hoạch, tiêu chuẩn cho đến thị trường.

“Có những cái ''má phanh'' đang cản trở kinh tế tuần hoàn”, đại diện Hiệp hội Công nghiệp môi trường cho biết.

Để gỡ những cái “má phanh” ấy, theo ông Thái, một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng là cần phải có những chính sách định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn theo thị trường. Ở đó, phải làm rõ được cung, cầu trên thị trường như thế nào, vai trò điều hành của Nhà nước là gì và chính sách sản phẩm ra sao?

“Không có chính sách khuyến khích nào hơn là việc nâng cao chất lượng sản phẩm tuần hoàn và nâng cao thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tuần hoàn”, ông Thái nói.

Không có chính sách khuyến khích nào hơn là việc nâng cao chất lượng sản phẩm tuần hoàn và nâng cao thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tuần hoàn

Đồng quan điểm, dưới góc nhìn một doanh nghiệp trực tiếp đối diện với những khó khăn khi triển khai kinh tế tuần hoàn, ông Sơn cho biết, ưu đãi về thuế, phí, tiền thuê đất chỉ là ở “giai đoạn lùi”, cần phải tạo cơ chế thị trường, tức là tạo ra dòng lợi nhuận bền vững, doanh nghiệp tham gia vào kinh tế tuần hoàn mới sống và phát triển được.

TS. Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), bổ sung, câu chuyện của nhà máy DAP còn cho thấy vai trò của việc ban hành những tiêu chuẩn liên quan đến kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Mạnh, tiêu chuẩn không phải là công cụ kinh tế để khuyến khích hay ưu đãi, tuy nhiên, thông qua tiêu chuẩn, cơ quan quản lý mới có thể thực thi vai trò kiến tạo, thúc đẩy thị trường cũng như tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng.