Chuyên gia Oxfam: 'Không chuyển thuế từ người giàu sang cho người nghèo như việc tăng thuế VAT'

An Chi - 08:05, 24/12/2018

TheLEADERTheo bà Nguyễn Thu Hương, chuyên gia cao cấp, Oxfam Việt Nam, tỷ lệ người dân phải trả tiền túi cho dịch vụ y tế của Việt Nam đang ở mức rất cao khoảng 40%. Mỗi năm có từ 700 – 800 nghìn hộ dân rơi vào nghèo đói do phải tự chi trả dịch vụ này.

Chuyên gia Oxfam: 'Không chuyển thuế từ người giàu sang cho người nghèo như việc tăng thuế VAT'
Nhiều chuyên gia cho rằng cần đảm bảo công bằng trong sử dụng dịch vụ công

Theo bà Hương, việc phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục nói riêng và dịch vụ công nói chung trên thế giới hiện nay đang tồn tại hai quan điểm song song. Quan điểm thứ nhất mang tính tự do cạnh tranh theo quy luật thị trường, cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của thị trường.

Quan điểm này dẫn đến việc tư nhân hoá các dịch vụ giáo dục, y tế, điện. Từ đó kéo theo những xung đột, bất bình đẳng trong xã hội do một số đông những người không có khả năng chi trả dịch vụ gặp phải tình trạng không thể tiếp cận các dịch vụ như các nhóm người giàu, có tài chính để chi trả.

Quan điểm thứ hai là quan điểm dựa trên sự bình đẳng, công bằng của người dân đối với các dịch vụ công như ý tế, giáo dục. Theo đó, phụ nữ và nam giới đều được hưởng lợi như nhau, những người yếu thế, dễ bị tổn thương của xã hội có những ưu tiên đặc biệt để họ được hưởng từ các dịch vụ công một cách bình đẳng.

"Mỗi năm có tới 800.000 hộ dân Việt Nam rơi vào nghèo đói do phải tự trả chi phí y tế"
Bà Nguyễn Thu Hương

Nhìn vào hai quan điểm đó, bà Hương cho rằng, trong y tế với quan điểm tự do cạnh tranh, hệ thống y tế sẽ phát triển theo hình thức thu phí. Tất cả mọi người khi khảm chưa bệnh đều phải trả phí, có thể người dân trả trực tiếp bằng tiền túi của mình, hoặc là thông qua bảo hiểm, chia sẻ rủi ro. 

Tuy nhiên với hình thức bảo hiểm, người dân vẫn phải có khả năng mua được bảo hiểm. Trong khi đó, với những người lao động phi chính thức, có thu nhập thấp, khả năng họ mua được bảo hiểm là rất khó khăn.

Theo nghiên cứu của Oxfam, tỷ lệ người dân tại Việt Nam đang phải trả tiền túi cho dịch vụ y tế đang  ở mức rất cao, khoảng 40%. Tức người dân đi khám chữa bệnh phải bỏ tiền túi 40%, còn 60% là từ bảo hiểm, ngân sách nhà nước chi trả.

Bà Hương cho rằng: "Điều này đang tạo sự mất bình đẳng cho xã hội. Tại Thái Lan, Malaysia cũng không có tình trạng người dân phải tự chi trả cao như vậy. Tỷ lệ này nên duy trì ở mức 20% là phù hợp".

Việc phải tự chi trả cao tất yếu dẫn đến vấn đề về đói nghèo. Theo vị chuyên gia này, hàng năm trung bình có từ 700.000 - 800.000 hộ dân của Việt Nam rơi vào nghèo đói do phải tự chi phí y tế. 

Phát triển dịch vụ công để đảm bảo công bằng xã hội

Hệ thống y tế, giáo dục, dịch vụ công nên được xây dựng dựa trên giá trị cốt lõi là công bằng xã hội, tái phân phối lại phúc lợi xã hội cho các nhóm người khác nhau kể các những người có khả năng chi trả thấp nhằm đảm bảo mọi người đều được hưởng công bằng.

Ở hệ thống này sẽ thông qua hình thức thu thuế để chi trả cho y tế, giáo dục. Bà Hương lấy ví dụ như tại Malaysia, Sri Lanka, các dịch vụ công được chi trả dựa trên nguồn thu từ thuế: Thuế trực thu, gián thu, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp. Tất cả nguồn thu được từ thuế, nhà nước sẽ đầu tư trở lại cho các dịch vụ công như y tế, giáo dục và người dân đi khám chữa bệnh sẽ được miễn phí.

Khi đó, không phải người giàu được khám chữa bệnh tốt hơn mà đảm bảo bình đẳng cho toàn xã hội. Tỷ lệ đói nghèo do chi phí y tế chỉ 0,3%, trong khi đó, tại Việt Nam hiện đang cao gấp 10 lần.

Một nguyên nhân nữa khiến vị chuyên gia này cho rằng nên đảm bảo công bằng trong việc sử dụng dịch vụ công là trong 30 năm qua, khoảng cách giàu nghèo tiếp tục gia tăng và tăng mạnh, có những nhóm siêu giàu chiếm 1% dân số thế giới nhưng sở hữu toàn bộ số tài sản của 50% dân số ghèo còn lại.

Theo Word Bank dự báo, đến năm 2020 nghèo đói, bất bình đẳng sẽ tiếp tục gia tăng, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và thành quả phát triển của xã hội đã đạt được. Do đó, các chính sách có tác động đến bình đẳng là thuế - công cụ để tái phân phối cả xã hội, cần thông qua đánh thuế người giàu nhiều hơn để ngân sách cho các dịch vụ công.

Việt Nam cần hiệu quả hơn trong chính sách thu thuế để đầu tư vào các dịch vụ công như y tế, giáo dục để phục vụ nhu cầu của người dân. Đồng thời, trong chính sách thuế cần bãi bỏ các ưu đãi miễn thuế cho doanh nghiệp không cần thiết. 

Không chuyển thuế từ người giàu sang cho người nghèo như việc tăng thuế VAT là rủi ro lớn do chuyển gánh nặng thuế cho người nghèo, trong khi đó lại miễn thuế cho các doanh nghiệp lớn là không phù hợp, bà Hương nhấn mạnh.