Leader talk
Chuyện những người kế nghiệp sáng giá ở Việt Nam
Cùng với nền tảng tốt và được giáo dục bài bản, những người trẻ kế nghiệp tương lai lựa chọn lao vào những nơi có nhiều thử thách nhất để tôi luyện và chỉ bắt đầu kế nghiệp khi đã tự khẳng định được mình, để không mang cái mác “cậu ấm, cô chiêu” bị mờ nhạt sau cái tên của người đi trước.
Gần hai mươi năm trước, ái nữ của Chủ tịch Geleximco Vũ Văn Tiền và Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải là Vũ Thị Thu Quỳnh và Nguyễn Ngọc Mỹ gặp nhau lần đầu tiên khi vẫn còn là những cô bé chỉ mới 8 - 9 tuổi. Thời điểm đó, họ có chung niềm tự hào khi bố mình được vinh danh là doanh nhân Sao Đỏ.
Hai mươi năm sau, dù nhận mình vẫn còn là “những cô bé” nhưng cả Ngọc Mỹ và Thu Quỳnh đều có một cảm nhận khác khi trở thành người điều phối và diễn giả trong một toạ đàm về chuyển giao thế hệ mà khán giả ngồi ở những hàng ghế trên cùng chính là thế hệ F1 đã sáng lập và phát triển doanh nghiệp lớn mạnh đến hôm nay.
Cùng với nhiều F2 khác, họ đã trưởng thành sau một hành trình dài phấn đấu và tự khẳng định mình để có thể đạt được mong muốn là “bố mẹ nhìn mình với ánh mắt tự hào” như Thu Quỳnh đã chia sẻ.
Phát biểu trước đông đảo doanh nhân Sao Đỏ và thế hệ kế nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Hải khẳng định: “Tôi cảm nhận mình là người chuyển giao thành công”.
Ông Hải cũng đã từng bày tỏ niềm tự hào trước sự bản lĩnh, tự tin của con gái sau buổi gặp mặt của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình với các doanh nhân trẻ nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) mà Ngọc Mỹ với tư cách CEO Công ty CP Địa ốc Foodinco là một trong các đại diện tiêu biểu đứng lên phát biểu, bên cạnh Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ Nguyễn Cảnh Hồng và Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh.
Trong con mắt của nhiều người, dường như con cái của các doanh nhân thành đạt mới sinh ra đã chạm đến vạch đích khi được thừa kế một gia sản "khổng lồ" trong tương lai.
Tuy nhiên, thực tế đối với thế hệ F2, đó lại là một áp lực rất lớn. Quan sát từ phía sau hàng ghế của bố mẹ, người con trai của một đại gia bất động sản ở Hải Phòng đã tâm sự: “Chưa nói đến phát triển, giữ được những gì mà bố mẹ đã gây dựng nên cũng đã là một áp lực lớn vô cùng”.
Với các gia đình chuyển giao kế nghiệp thành công, thứ mang nhiều giá trị lớn nhất mà thế hệ sáng nghiệp truyền cho thế hệ sau không phải là khối tài sản trăm tỷ, nghìn tỷ mà là nền tảng, nghị lực và khả năng vượt qua khó khăn, thử thách.
“Tác động của bố mẹ không lớn, quan trọng nhất là sự nỗ lực quyết tâm của các F2. Khi công việc thuận lợi thì dễ nhưng giải quyết được sự cố, rủi ro, tình huống bất thường thì đó mới là cái thể hiện sự khác biệt”, Chủ tịch Alphanam nói.
‘Vì con xứng đáng, không phải vì con là con ba’
Cùng với nền tảng tốt và được giáo dục bài bản, những người trẻ kế nghiệp tương lai lựa chọn một con đường mà dường như không mấy ai nghĩ họ sẽ đi.
Đó là lao vào những nơi khó khăn nhất và chỉ bắt đầu kế nghiệp khi đã tự khẳng định được mình, để không mang cái mác “cậu ấm, cô chiêu” bị mờ nhạt sau cái tên của người đi trước.
Từ lúc 14 tuổi, Ngọc Mỹ và anh trai Minh Nhật đã được bố cho đi du học. Thay vì đặt chân ngay đến những nơi hoa lệ thì họ lại được trải nghiệm ở những ngôi trường khác nhau, thậm chí ở những vùng hẻo lánh để rèn tính tự lập và khả năng thích nghi.
Trong ký ức của Ngọc Mỹ, đó là những ngày hai anh em phải ăn vội mẩu bánh mỳ lúc ôn bài, là những lúc đường dày đặc tuyết không thể dắt được xe đạp phải cuốc bộ đường dài đến trường.
Khi mới về nước, Minh Nhật (nay là CEO Công ty CP Alphanam E&C) đã được bố giao cho làm ở nhà máy sơn Kansai, phải đi xe buýt của nhà máy đi làm trong suốt một thời gian dài, cuối tuần nào cũng lăn lộn đi phát triển mạng lưới phân phối sơn khắp các tỉnh thành.
Có chung tâm thế, việc du học trở về hỗ trợ bố mẹ phát triển doanh nghiệp với Thu Quỳnh không hề xuất phát từ chữ “phải” mà đó luôn là mong muốn của bản thân cô. Một năm về trước, cô quyết định về tham gia doanh nghiệp gia đình.
Sau khi về nước, Quỳnh quyết định tham gia vào lĩnh vực ngân hàng vì cô nhận thấy rằng ngân hàng là đầu mối thông tin của nhiều ngành nghề, là nơi cô có thể trải nghiệm và có được cảm nhận rõ nét nhất về toàn bộ nền kinh tế.
Tuy nhiên, ít ai biết được nữ giám đốc chi nhánh hiện nay của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)- nơi ông Vũ Văn Tiền đang làm Phó phủ tịch HĐQT, vốn có xuất phát điểm không phải dân chuyên tài chính - ngân hàng. Xác định bắt đầu từ con số 0, Quỳnh chủ động đi tìm thầy để học, xin thực tập tại nhiều phòng ban ở các ngân hàng lớn như BIDV, Vietin Bank…
Quỳnh cho biết, sau một thời gian, cái cô nắm được là cách tổ chức công việc, phải xông thẳng vào công việc, xông thẳng vào “tiền tuyến”.
Sau khi trở về công ty của bố, cô nhận luôn vị trí trưởng phòng giao dịch, trực tiếp chịu trách nhiệm pháp lý trong các giao dịch với khách hàng để tạo áp lực cho bản thân.
Cô bắt buộc bản thân phải học thì mới đáp ứng được áp lực hoàn thành chỉ tiêu và kiểm soát rủi ro cùng một lúc - điều tối quan trọng trong ngành ngân hàng.
“Hai tháng đầu rất khó khăn, nhưng tôi nhận ra khi quyết tâm làm gì thì sẽ chủ động tìm cách hoàn thành công việc. Tôi không ngại ngần hỏi mọi người, tôi không sợ bị đánh giá, cứ không biết là hỏi. Chỉ tiêu đưa ra hàng ngày và không ai đợi tôi nên tôi bắt buộc phải tìm cách giải quyết vấn đề”, Quỳnh chia sẻ.
Cũng nhờ vậy mà cô trưởng thành nhanh trong thời gian làm việc ở chi nhánh. Cô nhìn nhận các vấn đề mà ngân hàng đang gặp phải, làm sao để có thể kinh doanh hiệu quả hơn. Cô tìm cách đưa các vấn đề lên hội sở, bắt đầu bóc tách từng lớp và đi sâu vào vấn đề.
Tuy nhiên cô thừa nhận, vì là người không có nhiều kinh nghiệm nên khó khăn nhất hiện nay đối với Quỳnh vẫn là khéo léo đề cập vấn đề và thuyết phục lãnh đạo.
Trong con mắt của ông Vũ Văn Tiền thời điểm đó, Quỳnh không phải là một người thừa kế cần phải nâng đỡ hay giao việc, ông để con tự quyết định và lựa chọn con đường mình đi.
“Tôi cảm nhận giao tài sản mình làm mấy chục năm cho các con gánh vác thì nặng quá. Tôi không bắt con phải làm. Con gái học thạc sỹ ở Anh về tôi để tự đi tìm việc để trải nghiệm chứ không về làm cái bóng của bố.
Ngày làm việc ở An Bình, tôi không hề giới thiệu con vào làm mà con tự đi tìm việc. Lúc đó, tôi coi con là nhân viên quèn, không chia sẻ công việc ngân hàng mà để con tự nghiên cứu tìm hiểu, tạo sự đam mê, khao khát. Phải tự tìm hiểu mới trưởng thành được”, ông Tiền nói.
Cũng du học trở về nhưng niềm đam mê với việc tiếp tục phát triển doanh nghiệp gia đình của Bùi Quang Minh, con trai ông Bùi Minh Lực - Giám đốc Tổng công ty Hòa Bình Minh, chỉ được hình thành sau nhiều năm lăn lộn với thử thách và gặt hái được những thành quả ban đầu.
Minh xác định ngay từ đầu phải nắm bắt và hiểu vấn đề thật nhanh. Cậu quyết định lựa chọn làm việc ở môi trường khó nhất, nhiều thử thách nhất thay vì vào một nơi đã có sẵn mọi thứ và đang vận hành trơn tru.
Khoảng thời gian bốn tháng làm việc ở một nhà máy gạch đã mang lại cho Minh một tầm nhìn mới vì Hoà Bình Minh vốn chủ yếu hoạt động trong mảng thương mại – dịch vụ. Sau đó, Minh lại cùng một phụ trách chi nhánh chịu trách nhiệm mở rộng mảng phân phối mới.
Đến năm 2017 khi công ty chuẩn bị tiến hành tái cấu trúc và bước vào giai đoạn phát triển nóng, thiếu nhân sự, Quang Minh vào miền Nam chịu trách nhiệm quản lý mấy chục kho hàng vật liệu với khoảng 700 con người.
Nhờ những kiến thức được học từ quá trình đào tạo bài bản cùng kinh nghiệm làm việc ở những mảng phức tạp, không có quy chế, cậu hỗ trợ được các quản lý chi nhánh, rồi chủ động sát nhập mảng ở miền Nam ra miền Bắc và giao cho đội miền Bắc quản lý.
Năm 2018, Minh cùng bố phát triển tăng tốc công ty, tái cấu trúc thành tập đoàn kinh tế.
Xuất hiện với dáng người nói nhỏ nhẹ, giọng nói ngọt ngào nhưng Mai Ngọc Hảo, ái nữ của Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành Mai Hữu Tín lại thu hút được mọi ánh nhìn nhờ những lời chia sẻ đầy nội lực, thể hiện bản lĩnh rất lớn của thế hệ trẻ hiện đại.
Hiện đảm nhiệm công việc tại một khách sạn trong hệ sinh thái doanh nghiệp của ông Mai Hữu Tín, Ngọc Hảo vẫn nhớ như in trải nghiệm làm những công việc nhỏ nhất nhưng nhanh nhất và chuẩn chỉ nhất, từ cắm hoa cho đến cọ toa-lét khi còn đi học ngành quản lý khách sạn tại Thuỵ Sỹ.
Tốt nghiệp cuối năm 2016, Hảo thực tập sáu tháng tại bộ phận tiền sảnh của một khách sạn và sau đó là quản lý doanh thu của chuỗi 5 khách sạn được cô mô tả là “khá nhỏ” ở Hà Lan.
“Khi mới về nước, ba bảo ba đang tính làm khách sạn cho con. Con ngồi đọc hợp đồng muốn nổ tung cái đầu luôn. Lúc đó, con chỉ biết về vận hành chứ chưa biết gì về đầu tư khách sạn”, cô chia sẻ với các doanh nhân F1.
Cô quyết định ra ngoài làm để biết và hiểu rõ về đầu tư khách sạn. Làm ở CBRE về mảng định giá tài sản, cô biết nhiều về thị trường của Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng.
Sau đó, cô may mắn có cơ hội làm trợ lý cho lãnh đạo cấp cao một công ty đầu tư phát triển dự án bất động sản ở Singapore và được học hỏi rất nhiều, từ kiến thức cho đến câu chuyện logic, quản trị cảm xúc…
Kế thừa nhưng phát triển, đổi mới nhưng vẫn giữ gìn
Hướng mắt về phía bố và các bác đang dõi theo mình, Ngọc Hảo nói rằng: “Khi làm việc con cần sự công bằng trong toàn bộ công ty, mọi người hiểu rằng con đang ngồi ở vị trí này vì con xứng đáng, không phải vì con là con ba”.
Cô và nhiều thế hệ F2 khác đang cần niềm tin từ thế hệ F1, được có đủ không gian riêng để phân tích vấn đề và tự đưa ra quyết định.
“Con cần được chỉ hướng và lối đi thay vì chỉ cho con đích đến. Khi giao tiếp, càng chân thật, càng thẳng thắn càng tốt. Công việc và gia đình cần chia ra, đừng dồn một cục”, Ngọc Hảo nói.
Với Ngọc Hảo, cô trân trọng công sức mà thế hệ trước đã gây dựng nên, nó không chỉ là một cơ ngơi mà nó còn chứa đựng nhiều giá trị thế hệ trước đã truyền lại và muốn gìn giữ.
Giờ đây, khi chuẩn bị bước vào một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng, thế hệ kế nghiệp của các doanh nghiệp gia đình không chỉ khẳng định được mình nhờ quá trình tự phấn đấu và những thành quả ban đầu mà còn là những kế hoạch và dự định đầy táo bạo để phát triển công ty theo một hướng chuyên nghiệp và bài bản hơn.
“Sự bài bản là nền tảng để phát triển bền vững. Đó là điều cháu muốn xây dựng cho tổ chức của bố cháu, không chỉ ngân hàng mà còn tập đoàn”, Thu Quỳnh nói với các doanh nhân F1.
Thế hệ F2 như Quỳnh khác với F1, cô muốn được tham mưu và phản biện để có thể đưa ra các quyết định mà tất cả các bên cùng có lợi.
Trong tầm nhìn của Quỳnh về lâu dài, cô muốn tận dụng các chuyên gia ở các đối tác chiến lược là ngân hàng và tổ chức tín dụng nước ngoài, đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, song song với việc phát huy nội lực sẵn có của doanh nghiệp.
Còn với Quang Minh, anh cho rằng trên con đường phát triển doanh nghiệp, cả hai thế hệ cần tạo thành một đội để hỗ trợ lẫn nhau. Những thứ thế hệ trước còn thiếu lại là những thứ thế hệ sau sở hữu. Cả hai bên cùng phát huy thế mạnh, chấp nhận điểm yếu của đối phương và chính mình.
Hiện nay, thế hệ kế nghiệp của Hoà Bình Minh đang cùng với cả công ty thực hiện công tác chuyển đổi số để chuẩn hoá quy trình và công tác quản trị.
Dù tự tin vững bước và khẳng định chính mình nhưng các doanh nhân trẻ F2 không hề cao ngạo. Họ vẫn luôn trân trọng những giá trị F1 đã truyền lại, đồng thời cùng những người đi trước tìm cách kết nối để xoá nhoà khoảng cách thế hệ.
Như Ngọc Hảo, bên cạnh học yoga, thiền, nấu ăn hay đi du lịch để giảm bớt căng thẳng, cô lựa chọn đối mặt với áp lực bằng cách nhìn thẳng vào vấn đề và tìm người hiểu mình nhất để chia sẻ.
“Tôi chọn nói chuyện với ba. May mắn là tôi thân với ba, cái gì cũng nói được hết và chia sẻ được mọi cảm xúc. Ba nói ‘đây là thời gian học của con, ba trân trọng và mong con học được nhiều’”, Hảo cho biết.
Mỗi người trẻ thế hệ kế nghiệp đang đi trên hành trình riêng của mình nhưng rõ ràng họ có một điểm chung rất lớn là sự tự tin, bản lĩnh để vượt thử thách và khẳng định mình.
Chính sự trải nghiệm qua khó khăn khiến họ thấu cảm hơn với cuộc đời, để họ tự tin bước đi và đưa doanh nghiệp phát triển bền vững trong một thế giới đầy bất ổn.
Nan đề chuyển giao thế hệ trong các doanh nghiệp gia đình
Kinh nghiệm xây dựng gia quy, gia huấn, gia phong của doanh nghiệp gia đình
“Khi tôi hỏi các ông chủ mới nghĩ thế nào về việc thừa kế gia nghiệp? Họ thường trả lời “tôi chỉ là người chạy tiếp sức, nhận cây gậy ở một đoạn đường, sau đó sẽ có người nhận cây gậy chạy tiếp sức tôi”.
Bí quyết huấn luyện những 'chiến binh' kế nghiệp ở đế chế Amata
Phải vay tiền ngân hàng để học hành tới nơi tới chốn, dù mới 3 tuổi cũng phải tham gia vào các buổi họp của gia đình và phải biết chia sẻ, yêu thương là ba bài học lớn đã được ghi vào gia quy của dòng họ mà bất kỳ ai trong gia đình nhà Kromadit (Thái Lan) đều phải trải qua.
Niềm tin và chuyện kế nghiệp của ái nữ nhà Alphanam
Đối với ái nữ nhà Alphanam Nguyễn Ngọc Mỹ, cái khó của doanh nghiệp gia đình không phải là lửa, mà là truyền được lửa và giữ được lửa.
Truyền lửa kế nghiệp từ bữa cơm gia đình
Đối với nữ tướng TNG Holdings Vietnam Nguyễn Thị Nguyệt Hường, không đơn thuần là một bữa ăn, đó còn là thời điểm để cả gia đình đoàn tụ và chia sẻ mỗi ngày, là nơi gắn kết các thành viên, nuôi dưỡng tâm hồn và khát vọng của thế hệ tiếp nối.
Vietnam Airlines được phép tăng vốn thêm 22.000 tỷ đồng
Vietnam Airlines được Quốc hội duyệt tăng vốn thêm tối đa 22.000 tỷ đồng qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Ngành điện cần thêm hàng tỷ USD để phục vụ sạc xe điện
Nhu cầu sạc xe điện sẽ gia tăng áp lực lên sản lượng điện và công suất truyền tải, đòi hỏi Việt Nam phải tăng đầu tư cho ngành điện để đáp ứng.
Tận dụng trải nghiệm số để kiến tạo tương lai vững mạnh
Trong thời đại công nghệ số, trải nghiệm số là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tạo dựng nền tảng vững chắc, chinh phục khách hàng và kiến tạo tương lai vững mạnh.
Bổ sung quy định cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản
Luật Địa chất và khoáng sản sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung nhiều quy định quan trọng nhằm siết chặt quản lý cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản.
Quốc hội chốt đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chiều ngày 30/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với 443/454 đại biểu tán thành.
Tư tưởng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm và yếu tố quyết định thành công trong kỷ nguyên mới
Cả nước đang phấn đấu thi đua để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và chuẩn bị cho năm mới 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đây là năm bản lề hết sức quan trọng để thực hiện thành công các Nghị quyết của Đảng cũng như các chương trình hành động của Chính phủ.
Làm gì để gạo Việt Nam bán được giá cao?
Gạo Việt Nam có chất lượng cao nhưng khó bán giá cao nếu không có giải pháp giải quyết nguồn vốn cho doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo.