Chuyện tái chế nhôm và nguy cơ thất bại của chính sách EPR

Hoàng Đông - 09:38, 18/12/2023

TheLEADERNhôm là vật liệu có giá trị tái chế cao nhưng nhà tái chế nhôm lại khó duy trì được lợi nhuận do tính chất phức tạp của chuỗi phế liệu.

Dự thảo quy định về định mức thu gom, tái chế (Fs) cho lon nhôm nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Fs là cơ sở để tính chi phí doanh nghiệp phải đóng vào Quỹ Bảo vệ môi trường để thực thi chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Ngoài việc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn tự tổ chức thu gom, tái chế hoặc thuê bên thứ ba tổ chức thu gom, tái chế rác thải phát sinh từ sản phẩm của mình.

Trong văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 8 vừa qua, 14 hiệp hội ngành hàng lập luận, lon nhôm là vật liệu tái chế có giá trị cao, thậm chí giá trị thu được cao hơn chi phí tái chế. Các doanh nghiệp kiến nghị đưa định mức Fs về 0 đối với lon nhôm bởi “nhà tái chế có thể kiếm được lợi nhuận nên không cần thiết phải hỗ trợ”.

Trước đó, Fs cho lon nhôm được đưa ra ở mức hơn 6.000 đồng, bị doanh nghiệp phản ánh là "cao gấp sáu lần một số quốc gia phát triển", sau đó được điều chỉnh về 2.000 đồng.

Nói về quan điểm của nhóm doanh nghiệp gửi kiến nghị, một nhà tái chế nhận định, những doanh nghiệp này chưa hiểu rõ tính chất của ngành tái chế, đặc biệt trong bối cảnh quản lý chất thải còn nhiều bất cập như ở Việt Nam.

Cụ thể, đối với lon nhôm, lực lượng đồng nát, ve chai thu gom trực tiếp từ người dân với giá khoảng 20 nghìn đồng cho mỗi kg. Tính thêm nhiều loại chi phí, khi về đến nhà máy, một kg lon nhôm phế liệu có giá không dưới 30 nghìn đồng.

Đó là chưa kể lon nhôm sau khi sử dụng có phần thể tích rỗng, khi thu mua số lượng lớn rất dễ bị trộn lẫn các tạp chất, từ chất lỏng cho đến đất, đá. Do đó, chi phí thu gom lon nhôm có thể bị đội lên cao hơn cả mức 30 nghìn đồng nói trên.

Cũng chính bởi lý do này, hầu như không có đơn vị nào đầu tư quy mô lớn để tái chế lon nhôm, dù đây đúng là loại vật liệu có tiềm năng tái chế hoàn hảo. Thực tế, một dự án thu gom tái chế lon nhôm do doanh nghiệp hợp tác với Bộ Tài nguyên và môi trường phải chuyển phần phế liệu thu gom được sang cho một nhà tái chế ở Thái Lan.

Đại diện ngành tái chế nói với TheLEADER, định mức Fs cho lon nhôm thấp thì “chẳng có nhà tái chế nào làm được”.

“Doanh nghiệp có thể tự tổ chức thu gom, tái chế, như một phương án được cho phép tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, xem có làm nổi với chi phí đó không”, nhà tái chế này thẳng thắn nói.

Một số doanh nghiệp đưa ra lập luận, ở các nước châu Âu, nhà tái chế còn phải trả cả nghìn đô mỗi tấn cho doanh nghiệp để được tái chế lon nhôm. Đại diện ngành tái chế nhìn nhận, lập luận này không đủ thuyết phục, bởi lon nhôm chuyển giao cho nhà tái chế ở các nước châu Âu chủ yếu là đã được xử lý, làm sạch, ép kiện, chỉ việc đưa vào tái chế.

“Nếu doanh nghiệp tự tổ chức thu gom, xử lý phế liệu nhôm được như vậy, có phải trả giá cao gấp vài lần châu Âu chúng tôi cũng đồng ý mua lon nhôm của doanh nghiệp về tái chế”, nhà tái chế cho biết.

Xác định Fs làm cơ sở tính chi phí chuỗi hoạt động thu gom, tái chế gây ra nhiều tranh cãi giữa cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các chuyên gia. Fs nếu được xác định ở mức quá cao sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp, còn nếu ở mức quá thấp sẽ dẫn đến doanh nghiệp thiếu động lực áp dụng các giải pháp bền vững hóa sản phẩm, khiến cho chính sách EPR thất bại.