Cơ hội tỷ đô từ hydrogen xanh

Hoàng Đông - 10:27, 31/10/2023

TheLEADERSản xuất năng lượng từ hydrogen dự kiến có thể đóng góp trên 40 tỷ USD vào GDP mỗi năm, tạo ra hơn 40 nghìn việc làm cho nền kinh tế.

Cơ hội tỷ đô từ hydrogen xanh
Các chuyên gia thảo luận về thị trường hydrogen tại tọa đàm thuộc khuôn khổ diễn đàn Chuyển dịch năng lượng và phát triển ngành năng lượng Hydrogen xanh tại Việt Nam tổ chức tại NIC Hòa Lạc.

Thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại hội nghị COP26, chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch được xem như một trong những nhiệm vụ cấp thiết.

Tuy nhiên, theo ông Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK, câu chuyện chuyển dịch năng lượng không chỉ thuộc về phạm trù chống biến đổi khí hậu, bởi năng lượng cần thiết cho tất cả các hoạt động trong nền kinh tế. Nói cách khác, chuyển dịch năng lượng cần phải đảm bảo mục tiêu khí hậu nhưng cũng phải gắn liền với hiệu quả kinh tế.

Hydrogen là giải pháp khả thi cho “mục tiêu kép” của chuyển dịch năng lượng. Đây là loại nhiên liệu đốt được sử dụng cho phát điện, vận tải. Được sản xuất bằng cách điện phân, hydrogen có thể được sử dụng như một cách thức lưu trữ năng lượng, qua đó giải quyết bài toán thiếu ổn định của hệ thống điện tái tạo.

Cơ hội tỷ đô

Khẳng định phát triển hydrogen được xem là yếu tố cấp thiết cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến năm 2050, hệ sinh thái hydro sạch có thể đóng góp 40 – 50 tỷ USD vào GDP hàng năm và tạo ra 40 – 50 nghìn việc làm cho nền kinh tế.

Bên cạnh việc sử dụng hydro để sản xuất điện trong nước, ông Markus Bissel, Trưởng hợp phần hiệu quả năng lượng của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để xuất khẩu hydro sang nước ngoài.

Lợi thế đó xuất phát từ một khung chính sách năng lượng ổn định và “hướng đến tương lai”, vị trí địa lý gần với một số khách hàng tiềm năng ở châu Á – Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhu cầu năng lượng phục vụ nền kinh tế tăng cao là dư địa lớn để Việt Nam từng bước ổn định sản xuất, tiến tới xuất khẩu hydrogen.

Tuy nhiên, ông Markus Bissel cũng lưu ý, để xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới, hydrogen cần được sản xuất theo hướng “xanh”, tức là sử dụng các nguồn điện tái tạo để điện phân ra hydrogen.

Sản xuất hydrogen xanh cũng là lợi thế của Việt Nam do có tiềm năng phát triển đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo, theo ông Francois Michel, CEO Tập đoàn John Cockerill.

Đây chính là lý do để ông lớn công nghiệp đến từ Bỉ này đang làm việc với nhiều doanh nghiệp Việt Nam để thiết lập chuỗi cung ứng sản xuất hydro xanh. “Hy vọng vài tháng tới chúng tôi có thể công bố các khoản đầu tư tại Việt Nam”, ông Francois Michel cho biết.

Đồng ý với quan điểm về lợi thế của Việt Nam trong phát triển hydrogen, ông Asheesh Sastry, chuyên gia của Boston Consulting Group (BCG), cho biết, dù là quốc gia đang phát triển nhưng Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội vươn lên dẫn đầu ngành hydrogen bởi đây là lĩnh vực mới trên toàn thế giới.

Chuyên gia của BCG lưu ý, xây dựng được thị trường hydrogen trong nước đủ mạnh là bước đi tiên quyết, sau đó mới có thể tính đến hoạt động xuất khẩu. Do đó, Chính phủ cần phải có những bước đi mang tính định hướng cụ thể, khuyến khích các nhà khởi nghiệp tham gia vào cung ứng năng lượng cũng như các lĩnh vực xanh khác để tăng cường nhu cầu sử dụng hydrogen.

Từ phía một doanh nghiệp cũng đang tìm hiểu và có ý định đầu tư vào lĩnh vực hydrogen xanh tại Việt Nam, bà Ji Young Lee, Trưởng nhóm kinh doanh hydrogen toàn cầu của Tập đoàn SK, cũng khuyến nghị các cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý thông thoáng, cởi mở để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia.

Ông Đặng Hải Anh, Trưởng phòng dầu khí, Vụ Dầu khí và than, Bộ Công thương, cho biết, hiện tại, Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Dự thảo đề ra định hướng từng bước phát triển thị trường năng lượng hydrogen theo lộ trình chuyển dịch nhiên liệu, chú trọng áp dụng thử nghiệm ở một số lĩnh vực có thể tận dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu, tiến tới đẩy mạnh phát triển hydrogen để khử carbon trong nền kinh tế và hình thành thị trường tiêu thụ hydrogen theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh đến năm 2050.